Người Nga nói về thuyết Mỹ chưa đặt chân xuống Mặt Trăng

Trước các thuyết âm mưu cho rằng phi hành gia Mỹ đặt chân trên Mặt Trăng là giả, người đứng đầu ROSCOSMOS đã đưa ra bình luận chi tiết.

Phi hành gia Neil A. Armstrong, chỉ huy sứ mệnh Apollo 11, tại cụm thiết bị lưu trữ mô-đun (MESA) của Lunar Module Eagle trong hoạt động ngoài tàu vũ trụ (EVA) đầu tiên mang tính lịch sử trên mặt trăng, ngày 20 tháng 7 năm 1969.

Phi hành gia Neil A. Armstrong, chỉ huy sứ mệnh Apollo 11, tại cụm thiết bị lưu trữ mô-đun (MESA) của Lunar Module Eagle trong hoạt động ngoài tàu vũ trụ (EVA) đầu tiên mang tính lịch sử trên mặt trăng, ngày 20 tháng 7 năm 1969.

RT đưa tin, Người đứng đầu cơ quan vũ trụ Roscosmos Yury Borisov trong phiên họp Quốc hội Nga vào ngày 4/7 đã bị chất vấn về một thuyết âm mưu cho rằng cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng của Mỹ năm 1969 là giả.

Ông Borisov đã khẳng định các thuyết âm mưu là giả mạo, đồng thời cho biết các mẫu đất mà người Mỹ thu thập được trong các sứ mệnh Apollo thực sự đến từ bề mặt Mặt Trăng.

Theo ông, bằng chứng quan trọng nhất cho thấy các sứ mệnh Apollo là có thật là NASA đã chia sẻ các mẫu đất từ một số chuyến bay có người lái với các đồng nghiệp Liên Xô.

“Theo giám định của Viện Hàn lâm Khoa học của chúng tôi, đất trên Mặt Trăng [được phía Mỹ chia sẻ - ND], thực sự là đất Mặt Trăng" - ông Borisov trấn an các nhà lập pháp, nhấn mạnh rằng các mẫu đất đã được phân tích ở nhiều quốc gia, không chỉ riêng Liên Xô.

Mặc dù tất cả các sứ mệnh của Mỹ đều được đối thủ không gian là Liên Xô theo dõi chặt chẽ, nhưng những người hoài nghi vẫn đặt câu hỏi về tính xác thực của chương trình Apollo kể từ khi phi hành gia Neil Armstrong đặt chân lên Mặt Trăng vào ngày 21 tháng 7 năm 1969.

Những người theo thuyết âm mưu cho rằng cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng của Mỹ thực chất là do NASA dàn dựng, vì cần phải nhanh chóng chạy đua không gian với Liên Xô sau khi người đàn ông đầu tiên trên thế giới - Yury Gagarin - được đi vào không gian, ngày 12 tháng 4 năm 1961.

Nhiều lập luận đã bị bác bỏ trong những năm qua, nhưng theo nhiều cuộc thăm dò, vẫn có từ 5 đến 20% người Mỹ tin rằng chương trình thám hiểm Mặt Trăng của đất nước họ chỉ là một trò lừa bịp.

Tại Nga, một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Dư luận (WCIOM) thực hiện năm 2020 cho thấy gần 50% dân số cho rằng chính phủ Mỹ đã "làm giả" các chuyến thám hiểm Apollo, chỉ có 31% hoàn toàn chắc chắn rằng các phi hành gia Mỹ thực sự đã đi bộ trên bề mặt vệ tinh của Trái Đất.

Mỹ đã ngừng gửi tàu đổ bộ lên Mặt Trăng sau khi sứ mệnh Apollo 17 kết thúc vào tháng 12 năm 1972.

Đầu năm nay, một tàu vũ trụ do Mỹ chế tạo đã hạ cánh xuống Mặt Trăng lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ. Giám đốc NASA Bill Nelson gọi sự kiện này là "sự trở lại Mặt Trăng của Mỹ".

Tuy nhiên, chương trình Artemis của NASA đã phải chịu nhiều sự chậm trễ trong những năm qua, với sự trở lại của các phi hành gia Mỹ trên Mặt Trăng hiện dự kiến không sớm hơn năm 2026.

Đông Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-nga-noi-ve-thuyet-my-chua-dat-chan-xuong-mat-trang-post690374.html