NASA tiết lộ hình ảnh 2 tiểu hành tinh vừa vụt qua Trái đất

Một tiểu hành tinh rộng 1,5km với một mặt trăng nhỏ quay quanh, trong khi tiểu hành tinh còn lại chỉ được phát hiện 13 ngày trước khi nó vụt qua Trái đất.

Thông qua Radar hành tinh Goldstone thuộc mạng lưới giám sát không gian sâu (DSN), được hỗ trợ bởi Chương trình quan sát vật thể gần Trái đất của Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA), các nhà thiên văn học tại Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL)- NASA tại Pasadena, California, đã quan sát và ghi nhận hình dạng của các tiểu hành tinh 2024 MK và 2011 UL21, khi chúng ngang qua Trái đất.

DSN là hệ thống ăng ten vô tuyến trên Trái đất giúp NASA liên lạc với các tàu vũ trụ đang khám phá hệ Mặt trời và phát sóng vô tuyến để hoạt động như radar trong không gian.

Tiểu hành tinh thứ nhất có tên 2011 UL21, đã ngang qua Trái đất vào ngày 27/6 ở khoảng cách 6,6 triệu km, hay gấp 17 lần khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng.

 Hình dạng tiểu hành tinh 2024 MK. Nguồn: NASA/JPL-Caltech.

Hình dạng tiểu hành tinh 2024 MK. Nguồn: NASA/JPL-Caltech.

Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện ra tiểu hành tinh này vào năm 2011, thông qua dự án Khảo sát bầu trời Catalina ở Tucson, Arizona. Tuy nhiên đây là lần nó tiếp cận Trái đất ở khoảng cách gần nhất, đủ để có thể chụp ảnh bằng radar.

Bằng cách truyền sóng vô tuyến từ đĩa vệ tinh rộng 70 m của Radar hệ Mặt trời Goldstone, gần Barstow, California, Mỹ đến tiểu hành tinh và nhận lại sóng phản xạ từ thiên thể, các nhà thiên văn học đã thu được hình dạng của nó.

Nhóm nghiên cứu xác định tiểu hành tinh rộng khoảng 1,5 km, được phân loại là có khả năng gây nguy hiểm, tức nó có khả năng va chạm với Trái đất trong tương lai.

Tuy vậy, sau khi tính toán quỹ đạo tương lai của nó, các nhà thiên văn học cho rằng, tiểu hành tinh sẽ không tiếp cận quá gần Trái đất và khả năng sẽ không gây ra mối đe dọa cho hành tinh của chúng ta trong tương lai gần.

 Các góc chụp khi tiểu hành tinh 2024 MK lăn tròn khoảng 16 giờ sau khi tiếp cận gần Trái Đất nhất. Nguồn: NASA/JPL-Caltech.

Các góc chụp khi tiểu hành tinh 2024 MK lăn tròn khoảng 16 giờ sau khi tiếp cận gần Trái Đất nhất. Nguồn: NASA/JPL-Caltech.

Hình ảnh radar cho thấy tiểu hành tinh này gần như có hình cầu và là một tiểu hành tinh nhị phân. Nó có một vệ tinh (hay mặt trăng) nhỏ quay quanh từ khoảng cách 3 km.

Nhóm nghiên cứu cũng đã phát hiện ra tiểu hành tinh 2024 MK, 13 ngày trước khi nó vụt qua, tiếp cận Trái đất gần nhất vào ngày 29/6, ở khoảng cách chỉ 295.000 km, chỉ hơn ba phần tư khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng.

Trạm quan sát Sutherland thuộc Hệ thống cảnh báo cuối cùng về tác động của tiểu hành tinh (ATLAS) ở Nam Phi lần đầu tiên phát hiện ra thiên thể này vào ngày 16/6. Mặc dù cũng được coi là có khả năng gây nguy hiểm, nhưng tiểu hành tinh này dường như không có quỹ đạo đáng lo ngại cho Trái đất trong tương lai gần.

 Tiểu hành tinh 2011 UL21 trong lần tiếp cận gần Trái Đất vào ngày 27/6 từ khoảng cách khoảng 6,6 triệu km với mặt trăng nhỏ (chấm sáng phía dưới). Nguồn: NASA/JPL-Caltech.

Tiểu hành tinh 2011 UL21 trong lần tiếp cận gần Trái Đất vào ngày 27/6 từ khoảng cách khoảng 6,6 triệu km với mặt trăng nhỏ (chấm sáng phía dưới). Nguồn: NASA/JPL-Caltech.

Các nhà thiên văn học đã gửi sóng vô tuyến đến tiểu hành tinh 2024 MK và nhận được hình ảnh chi tiết của nó, có hình dạng góc cạnh, rộng 150 m, với những tảng đá cỡ 10 m, cũng như các vết lõm và các chỏm đá rải rác trên bề mặt của nó.

Khi đá vũ trụ này đi qua và gặp lực hấp dẫn của Trái đất, quỹ đạo của nó đã thay đổi. Hiện tại, hành trình 3,3 năm của nó quanh Mặt trời đã được rút ngắn khoảng 24 ngày.

Các nhà thiên văn học thường xuyên theo dõi quỹ đạo của các tiểu hành tinh để đảm bảo không có tiểu hành tinh nào có khả năng va chạm với Trái đất.

2024 MK lộn vòng khi tiếp cận gần Trái đất nhất vào ngày 29/6/ NASA

Mặc dù không có tiểu hành tinh nào gần đây lao qua Trái đất ở khoảng cách đáng lo ngại, nhưng các tảng đá vũ trụ có thể cung cấp thông tin có giá trị mà NASA sử dụng để chuẩn bị cho bất kỳ tình huống va chạm tiềm năng nào trong tương lai.

Các sứ mệnh của NASA, bao gồm tàu vũ trụ Lucy sẽ khám phá quần thể đá vũ trụ bí ẩn có tên là Trojans vào cuối thập kỷ này, đã giúp tiết lộ có bao nhiêu mặt trăng nhỏ tồn tại xung quanh các tiểu hành tinh trong hệ Mặt trời.

Trong khi nhiệm vụ của phi thuyền DART cố ý đâm vào một mặt trăng nhỏ có tên là Dimorphos, quay quanh một tiểu hành tinh lớn hơn có tên là Didymos, vào năm 2022, nhằm thử nghiệm công nghệ làm chệch hướng tiểu hành tinh.

Đôi khi, các nhà thiên văn học không biết một tiểu hành tinh đang ở trên quỹ đạo đưa nó đến gần Trái đất cho đến khi nó tiếp cận ở khoảng cách gần. Sự không chắc chắn đó là một phần lý do tại sao NASA đang tăng cường nỗ lực để hiểu rõ hơn về quần thể các tiểu hành tinh đến gần nhất với hành tinh của chúng ta.

Văn Phong/NASA, CNN

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/chuyen-la-bon-phuong/nasa-tiet-lo-hinh-anh-2-tieu-hanh-tinh-vua-vut-qua-trai-dat-160830.html