Người nghèo Ấn Độ vật vã trong cái nóng gần 50 độ C và khan hiếm nước

Không hề có nước sinh hoạt trong khu ổ chuột Chanakyapuri của New Delhi. Và nhiệt độ đã chạm ngưỡng 49,9 độ C. Nắng nung nóng mái tôn của những căn nhà lụp xụp. Người dân tuyệt vọng chờ đợi xe chở nước.

Người dân tại khu ổ chuột Chanakyapuri chen nhau khi có xe chở nước tới ngày 31/5. Ảnh: CNN

Người dân tại khu ổ chuột Chanakyapuri chen nhau khi có xe chở nước tới ngày 31/5. Ảnh: CNN

Khi xe bồn chở nước đến, hỗn loạn bùng phát. Hàng chục người lao tới chiếc xe, thậm chí có người còn trèo lên nóc phương tiện này. Nhiều người chậm chân đã bỏ lỡ cơ hội lấy nước. Bà mẹ sáu con Poonam Shah là một trong số những người không may mắn đó.

Cô than phiền: “Gia đình tôi có 10 người, sáu đứa con, vợ chồng tôi, bố mẹ chồng, họ hàng thỉnh thoảng ghé qua. Làm sao tất cả chúng tôi có thể tắm chỉ với một xô nước?”. Poonam đành phải chấp nhận tìm mua nước, nhưng sẽ tốn tới một nửa trong số tiền 3 USD (76.000 đồng) mà cô thường kiếm được sau một ngày bán thức ăn ở ven đường.

Khi nhiệt độ cao kỷ lục bao trùm miền Bắc Ấn Độ, chính quyền thủ đô New Delhi đã buộc phải phân phối lượng nước miễn phí này. Trước đây, khu vực nơi Poonam sống nhận được 2-3 chuyến xe bồn chở nước mỗi ngày. Bây giờ chỉ có một chuyến.

Theo Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), nhiệt độ ở New Delhi đã dao động trên 40 độ C trong tuần qua và vào hôm 28/5 đã đạt ngưỡng cao nhất mọi thời đại là 49,9 độ C tại một khu vực của thủ đô. Giới chức Ấn Độ ngày 31/5 xác nhận hơn 50 trường hợp tử vong và gần 200 người phải nhập viện điều trị do vì nắng nóng trên cả nước trong những ngày qua.

Bác sĩ Ajay Shukla tại bệnh viện Ram Manohar Lohiya ở New Delhi chia sẻ với CNN: “Tỷ lệ tử vong do say nắng rất cao, gần 60% đến 80%. Mọi người có thể sống sót nếu họ được chăm sóc y tế sớm và ngay lập tức. Điều đó bao gồm việc làm mát cơ thể nhanh chóng. Nếu được làm mát nhanh chóng, bệnh nhân sẽ ổn định và sống sót. Nhưng nếu đến bệnh viện muộn và can thiệp chậm trễ thì tỷ lệ tử vong rất cao. Chúng tôi không thể cứu bệnh nhân nếu họ đến muộn”.

Hầu hết bệnh nhân say nắng của bệnh viện Ram Manohar Lohiya đều đến từ các cộng đồng nghèo, nơi người lao động không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm việc ngoài trời dưới ánh nắng.

Xe bán nước ven đường của ông Kali Prasad. Ảnh: CNN

Xe bán nước ven đường của ông Kali Prasad. Ảnh: CNN

Ông Kali Prasad bán nước bên ngoài Cổng Ấn Độ, một địa điểm du lịch nổi tiếng của thủ đô. Mỗi ngày ông đẩy xe chở nước đến địa điểm nổi tiếng, cách nhà khoảng 8 km. Ông nói: “Nhiệt độ đã tăng mạnh trong 5 đến 10 ngày qua, rất nóng, mọi người thậm chí không đến đây”.

Kali Prasad kể rằng ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đứng cả ngày dưới cái nắng như thiêu đốt để bán hàng, vì không còn ai khác chu cấp cho vợ con và bố mẹ.

Những năm gần đây tại Ấn Độ, nắng nóng mùa hè đến sớm hơn, nhiệt độ ngày càng tăng cao và đợt nắng nóng kéo dài. Ông Farwa Aamer tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, nhận định xu hướng này là biểu hiện rõ ràng về tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu. Ông bổ sung: “Nhiệt độ gia tăng đáng báo động này phản ánh nhu cầu cấp thiết cần có chiến lược thích ứng mạnh mẽ và biện pháp chủ động ở Ấn Độ và khu vực để bảo vệ cuộc sống, sinh kế của người dân, đặc biệt là đối với những nhóm dễ bị tổn thương”.

Đối với nhiều người ở New Delhi, biến đổi khí hậu đã khiến cuộc sống trong mùa hè ngày càng khó chịu. Ông Kali Prasad than vãn: “Chúng tôi phải làm việc dù trời nóng đến đâu. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nguoi-ngheo-an-do-vat-va-trong-cai-nong-gan-50-do-c-va-khan-hiem-nuoc-20240601151137513.htm