Người nghèo 'ăn' nghệ thuật
Nghệ thuật không của riêng ai, nhưng người nghèo ít quan tâm đến nghệ thuật hơn là miếng cơm manh áo hàng ngày.
“Có thực mới vực được đạo”, câu nói ấy phần nào chứng minh cái ăn quan trọng hơn tất cả. Khi cái bụng chưa no, người ta không còn tâm trí để hướng đến cái đẹp. Điều đó có thể không hoàn toàn đúng, nhưng chắc chắn khái niệm nghệ thuật là thứ xa lạ, thậm chí xa xỉ với đa số dân nghèo.
Ngay tại Hà Nội, khu vực Phúc Tân, Bạch Đằng, Lãng Yên… được nhiều người gọi là “khu ổ chuột” vì quy tụ rất nhiều lao động nghèo tứ xứ. Những căn nhà tạm được dựng ở bãi sông, hàng chục người chen chúc nhau trong căn gác tồi tàn, hôi hám. Họ chỉ có một ước muốn dành dụm chút tiền nuôi sống gia đình.
Và từ trước tới nay, trong các khu trưng bày triển lãm nghệ thuật hiếm có dấu chân của người nghèo. Họ không tới triển lãm - không hẳn vì không có thời gian, mà câu hỏi đặt ra là họ tới để làm gì? Để thưởng thức cái đẹp ư? – Điều đó với họ không cần thiết bằng việc kiếm tiền.
Vậy phải làm gì để người nghèo thấy nghệ thuật, thích cái đẹp và hưởng ứng với không gian văn hóa? Câu hỏi này từng được rất nhiều nghệ sĩ đặt ra và thực hành trong các không gian công cộng, như vẽ hình họa tại các bức tường trống. Tuy nhiên, vì tính chất tạm bợ và không xác định đối tượng chính trong việc thụ hưởng nghệ thuật, nên dự án nhanh chóng thất bại.
Tuy nhiên, vẫn có những dự án nghệ thuật dành cho người nghèo tương đối bền vững. Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống và Think Playgrounds (doanh nghiệp xã hội Nghĩ về sân chơi trong phố) là một ví dụ.
Vừa qua, mạng lưới này đã khánh thành không gian công cộng tại tổ 16, phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm). Không gian công cộng Phúc Tân được biến đổi từ khu vực vốn là bãi rác, có nhiều người nhập cư cùng lao động nghèo ven sông Hồng sinh sống.
Một trong những điểm nhấn của không gian này là bức tường tranh rực rỡ, ấn tượng do ông Diego Cortizas – người tài trợ và trực tiếp đến vẽ trong nhiều ngày cùng người dân. Nhiều chậu cây, hoa, vật liệu tái chế như thùng phuy, lốp xe, chai nhựa... được sử dụng để cải tạo khu vực.
Để biến bãi rác thành khu nghệ thuật công cộng, các nghệ sĩ đã đi theo những phụ nữ di cư, người bán đồng nát, hàng rong để tìm hiểu cùng hợp tác, tạo ra một không gian văn hóa đặc sắc. Nhưng quan trọng hơn, những nghệ sĩ đã “đánh thức” khát vọng cái đẹp bên trong người nghèo, giúp họ hiểu rằng cái đẹp không đâu xa lạ - nó phát xuất từ cuộc sống thường ngày, thậm chí từ rác – thứ mà họ quá đỗi quen thuộc.
Phát triển bền vững không chỉ là chú trọng ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, mà còn cần trụ cột thứ tư: Văn hóa. Tuy nhiên, cho đến nay việc phát triển trụ cột thứ tư rất không đồng đều. Người nghèo, vùng nông thôn, miền núi ít hoặc không được tiếp cận với nghệ thuật.
Đó là khoảng trống rất lớn mà những nhà hoạch định chính sách cũng như ngành văn hóa cần khỏa lấp bằng những dự án nghệ thuật thiết thực, bền vững. Bởi bài học từ các quốc gia cho thấy rằng, tiết kiệm đầu tư cho văn hóa, lẽ dĩ nhiên sẽ phải lãng phí rất lớn để xây các nhà tù.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nguoi-ngheo-an-nghe-thuat-RofaIZlMg.html