'Người nghèo chơi golf' ở Hàn Quốc

Từ một môn thể thao dành cho nhà giàu, golf dần phổ biến trong giới trẻ Hàn Quốc, trở thành xu hướng trên mạng xã hội.

5 tháng trước, Kim Arum bắt đầu học chơi golf. Kể từ đó, cứ hai ngày, cô lại đến sân golf (thực hoặc ảo) một lần, theo The Korea Herald.

Thay vì là quán cà phê hay nhà hàng, giờ đây, sân cỏ là nơi họp mặt của Kim và nhóm bạn của cô. Họ chủ yếu thảo luận về mũ, váy áo và các thiết bị hỗ trợ chơi golf.

Khi hầu hết môn thể thao trong nhà đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, golf lại đang tìm được một vị trí mới, đặc biệt đối với thế hệ Z và Millennials.

Theo Viện Công nghiệp Giải trí Hàn Quốc, số người ở độ tuổi 20 đến sân golf ít nhất một lần vào năm ngoái ước tính đã tăng 92% so với năm 2019. Trong nhóm 30 tuổi, con số này đã tăng 31%.

Viện ước tính có tới 1,2 triệu người Hàn 20-30 tuổi sẽ chơi golf ít nhất một lần vào năm 2022.

 Ngày càng nhiều người trẻ say mê golf. Ảnh: etnews.

Ngày càng nhiều người trẻ say mê golf. Ảnh: etnews.

"Người nghèo chơi golf"

Dù golf ngày càng phổ biến, chi phí cao vẫn là một trở ngại đối với nhiều tay golf trẻ như Jeong Deok-young, sinh viên Đại học Yonsei.

Jeong nhận nhiều lớp dạy thêm tiếng Anh nhưng vẫn phải tiết kiệm tiền trong vài tháng mới có thể tham gia một khóa học chơi golf ngoài trời.

Chàng trai 24 tuổi này còn sử dụng các ứng dụng đặt chỗ như Kakao Golf Reservation để tìm kiếm các khoản giảm giá.

"Tôi nghĩ rào cản lớn nhất vẫn là chi phí. Nó đắt hơn rất nhiều so với những gì tôi từng trải nghiệm ở Indonesia. Tôi hiểu rằng có sự chênh lệch về chi phí lao động, nhưng nó khá đắt", anh nói.

 Hình ảnh giới trẻ chơi golf tràn ngập trên mạng xã hội Hàn Quốc. Ảnh: golf_fashion_urban.

Hình ảnh giới trẻ chơi golf tràn ngập trên mạng xã hội Hàn Quốc. Ảnh: golf_fashion_urban.

Phí đánh golf trung bình các ngày trong tuần hoặc phí phải trả để sử dụng một sân golf ở Hàn Quốc gấp 2-3 lần so với Nhật Bản vào năm 2020.

Chi phí thậm chí còn tăng cao hơn trong đại dịch, khiến một số người đăng đàn kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh sân chơi ngừng tăng giá.

Golf trở thành xu hướng trên mạng xã hội Hàn Quốc song chi phí để theo đuổi bộ môn này không hề rẻ đã làm nảy sinh hiện tượng "người nghèo chơi golf".

Thuật ngữ này dùng để ám chỉ những thanh niên đua đòi, nhóm người vốn đã nghèo nay càng túng thiếu hơn vì tiêu quá nhiều tiền cho một môn thể thao nhà giàu như golf.

Park Hyo-seong, người quản lý hai cửa hàng chơi golf trên màn hình ảo, nói: "Có rất nhiều khách hàng trẻ tuổi thuê nhà nhưng đến chơi golf vào ban ngày tại chi nhánh Yeoksam-dong của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang thấy ngày càng nhiều 'Người nghèo chơi golf' vì mạng xã hội và sự ngưỡng mộ mà giới trẻ dành cho những người chơi môn thể thao này".

Chơi golf kiểu mới

Ngày nay, trò chơi mô phỏng được cung cấp tại các studio “đánh golf trên màn hình” có thể tìm thấy ở bất kỳ khu phố nào tại Seoul và các thành phố lớn khác của Hàn Quốc.

Một giờ chơi golf trên màn hình có giá 13.000-30.000 won/người (11-26 USD), chỉ bằng một phần nhỏ so với chi phí chơi trên sân thực tế.

Giáo sư Shin Jin-ho của Đại học Seowon cho rằng chơi golf trên màn hình cũng hoàn toàn phù hợp với thời dịch.

"Bạn không cần bạn bè chơi cùng trên màn hình và những người trẻ tuổi đã quen với cách chơi này".

Park Hyo-seong cho biết hai cơ sở chơi golf màn hình do anh quản lý ở Gyeonggi và Yeoksam-dong đạt doanh thu 40 triệu won vào tháng trước. Phần lớn khách hàng ở độ tuổi 20-30, những người mới đăng ký trong vòng 3 năm trở lại đây.

"Chủ của tôi nói rằng đây là kỷ lục doanh số kể từ khi ông ấy bắt đầu kinh doanh lĩnh vực này 10 năm trước", Park nói.

 Người chơi trẻ tập đánh golf sau giờ làm việc tại một sân golf trên màn hình ở Bundang-gu, tỉnh Gyeonggi. Ảnh: The Korea Herald.

Người chơi trẻ tập đánh golf sau giờ làm việc tại một sân golf trên màn hình ở Bundang-gu, tỉnh Gyeonggi. Ảnh: The Korea Herald.

Đối với một số golf thủ trẻ, thời trang cũng là một phần quan trọng.

Hồi tháng 4, Kolon Industries FnC đã ra mắt Golden Bear, một trung tâm mua sắm trực tuyến nhắm đến những người chơi golf trong độ tuổi 20-30.

"Trước đây, quần áo chơi golf được coi là trang phục chức năng. Nhưng ngày nay, người chơi quan tâm hơn đến phong cách riêng", người phát ngôn của Kolon Industries FnC cho biết.

Nhiều người thậm chí tìm đến những thợ may chuyên nghiệp. Một thợ may họ Oh ở phía nam Seoul cho biết ông có rất nhiều khách hàng trẻ tuổi sẵn sàng trả khoản tiền lớn để có được trang phục chơi golf thiết kế theo yêu cầu.

"Quần áo chơi golf được thiết kế riêng thường linh hoạt và cá tính hơn. Tôi nghĩ đó là lý do nhiều người trẻ mua chúng, mặc dù khá đắt tiền".

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-ngheo-choi-golf-o-han-quoc-post1257352.html