Người nghèo không nhận con giống vì không muốn đối ứng

ĐBP - Những năm trước đây, thực hiện các chương trình giảm nghèo, huyện Tuần Giáo hỗ trợ bò sinh sản cho nhóm hộ, người dân chỉ phải đối ứng bằng việc làm chuồng trại, chuẩn bị thức ăn cho bò. Nhưng để nâng cao trách nhiệm của nhân dân khi được giao con giống, năm 2019, bà con phải đối ứng bằng tiền mặt để bù vào nếu con bò nặng quá mức hỗ trợ (quá 120kg). Ðây cũng là cách làm hay của địa phương vì khi người dân đóng góp tiền mua con giống thì họ sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc chăm sóc con giống. Song, vì phải bỏ tiền đối ứng nên một số hộ dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước đã không nhận con giống khi được hỗ trợ.

Chị Tòng Thị Thắm, bản Ta, xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo) chia sẻ với phóng viên về việc không nhận bò hỗ trợ.

Những ngày đầu tháng 12, chúng tôi đến bản Ta, xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo) để tìm hiểu thông tin về việc hỗ trợ bò sinh sản trên địa bàn. Gặp chúng tôi ở đầu bản, ông Tòng Văn Pấng, Trưởng bản Ta đã bày tỏ “cái khó” của bản trong đợt hỗ trợ bò năm 2019. Ông Pấng tâm sự: Trước đây, dân bản được hỗ trợ bò giống thì ai cũng hưởng ứng và vui mừng lắm vì chỉ phải làm chuồng trại để nuôi bò thôi. Nhưng năm 2019, theo quy định, mỗi hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ một con bò giống nặng 120kg, trong đó định mức hỗ trợ tối đa 12 triệu đồng/hộ nghèo, 10 triệu đồng/hộ cận nghèo. Nhiều con giống có khối lượng nặng hơn 120kg thì bà con phải đối ứng với giá 105 nghìn đồng/kg. Vì lẽ đó mà cả bản có 17 hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ bò không đồng ý nhận bò, với lý do không có tiền đối ứng và đòi hỏi Nhà nước phải hỗ trợ 100%. Ðiều đó đã gây khó khăn cho chính quyền địa phương khi cấp, phát bò hỗ trợ giảm nghèo cho người dân.

Ðến thăm một số hộ gia đình không đồng ý nhận bò giống trong bản, chúng tôi nhận thấy hầu hết các gia đình này không phải vì quá nghèo mà không đủ tiền đối ứng, mà có lẽ họ vẫn mong chờ để được hỗ trợ hoàn toàn. Gia đình ông Tòng Văn Dân, bản Ta (xã Quài Tở) đang bận rộn với việc dựng lại căn nhà sàn mới nhưng khi thấy chúng tôi đến tìm hiểu về việc hỗ trợ bò, cả gia đình đã xúm vào để hỏi chuyện. Khi được hỏi vì sao không nhận bò hỗ trợ thì ông Dân chia sẻ: “Hiện tại, gia đình tôi đang sửa lại nhà nên phải vay ngân hàng tiền để làm nhà. Vì nghèo nên phải nợ ngân hàng nhiều rồi, giờ được hỗ trợ bò mà phải đối ứng, lại đi vay thì mang nợ suốt thôi. Gia đình tôi cũng nhất trí với chủ trương giúp đỡ hộ nghèo của chính quyền địa phương nhưng nhà đã nghèo rồi lại vay mượn ngân hàng, lãi suất cao thì làm gì ra tiền để trả nợ. Không có bò thì không phải nợ, có bò lại thêm nợ thì khổ lắm! Vậy nên Nhà nước hỗ trợ toàn bộ tiền bò ấy thì gia đình mới dám nhận”.

Cũng giống như hộ gia đình ông Dân, gia đình chị Tòng Thị Thắm là một trong số 17 hộ ở bản Ta không chịu nhận bò hỗ trợ để giảm nghèo. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây, chị Thắm mở đầu câu chuyện bằng câu hỏi: “Thế hỗ trợ bò giống, Nhà nước không “cho không” à?”. Câu hỏi của chị Thắm khiến cho Trưởng bản Tòng Văn Pấng phải tiếp tục giải thích về chủ trương hỗ trợ bò của địa phương một hồi lâu. Sau khi nghe trưởng bản tuyên truyền, chị Thắm chia sẻ: “Hiện nay, gia đình có 4 nhân khẩu, vì khó khăn nên chồng phải đi làm thuê dưới Hà Nội. Trước kia làm nhà, gia đình đã vay ngân hàng 50 triệu đồng rồi, giờ lại vay để đối ứng tiền hỗ trợ bò thì sợ không đủ khả năng trả nợ. Ðược hỗ trợ bò thì cũng muốn nhưng không có tiền đối ứng nên tôi mong Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% để không phải đối ứng nữa”.

Từ những chia sẻ của ông Dân, chị Thắm, chúng tôi nhận thấy một nghịch lý rằng các hộ nghèo được hỗ trợ bò lẽ ra họ sẽ phấn khởi, vui mừng nhưng đằng này lại không muốn nhận vì phải đối ứng dù được chính quyền địa phương tạo điều kiện, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuần Giáo cho vay tiền đối ứng. Trao đổi với chúng tôi, ông Cà Văn Lả, Chủ tịch UBND xã Quài Tở, cho biết: Năm 2019, xã Quài Tở có 91 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ bò sinh sản theo nguồn vốn của 2 chương trình: 30a về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và 30a về nhân rộng mô hình giảm nghèo. Vì những năm trước đây, huyện Tuần Giáo tổ chức hỗ trợ bò sinh sản theo nhóm hộ, bà con không phải đối ứng bằng tiền mặt nên đều nhận bò về chăm sóc nhưng đến năm nay, nếu con bò nặng trên 120kg thì mỗi hộ phải tự bỏ tiền ra để đối ứng nên không ai muốn nhận. Cả xã được hỗ trợ 91 con bò nhưng vì không muốn đối ứng nên hiện mới giao được 54 con; còn lại 37 con người dân chưa chịu nhận nên chưa bàn giao được. Ðể giúp đỡ người dân, UBND xã Quài Tở đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 8 triệu đồng/hộ để đối ứng, song một bộ phận người dân không mặn mà với việc được nhận bò giống mà phải đối ứng. Hướng giải quyết vấn đề này trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ tập trung tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa của việc đối ứng này và thuyết phục bà con nhận bò để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Cũng giống như xã Quài Tở, cuối tháng 10/2019, chúng tôi đến xã Pú Xi và được biết trên địa bàn xã có gần 10 hộ dân cũng không chịu nhận bò hỗ trợ với lý do không muốn bỏ tiền ra đối ứng. Ông Lò Văn Thang, Chủ tịch UBND xã Pú Xi, cho biết: Nhờ có nguồn vốn của Chương trình 135, 30a và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về hỗ trợ giảm nghèo, xã Pú Xi được hỗ trợ hơn 60 con bò giống cho 4 bản: Pú Xi 1, 2, Hua Mùn và Thẩm Táng. Khi được hỗ trợ, hầu hết các hộ dân đều vui vẻ nhận bò, song vẫn còn gần 10 hộ chưa chịu nhận vì phải đối ứng tiền. Chính sách hỗ trợ bà con vươn lên thoát nghèo rất đúng đắn. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ người dân vẫn trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Ðảng, Nhà nước và muốn hỗ trợ hoàn toàn. Chính vì vậy, xã Pú Xi đã phân công các tổ chức, đoàn thể và trưởng bản tuyên truyền, vận động và giải thích cho bà con hiểu được chủ trương này để họ đồng thuận nhận bò giống.

Từ thực tế đó, có thể nhận thấy các chương trình giảm nghèo hỗ trợ để đồng bào vươn lên thoát nghèo là chính sách ưu việt của Ðảng và Nhà nước ta, song việc có quá nhiều chính sách hỗ trợ có tính chất “cho không”, như: Hỗ trợ về gạo, dầu hỏa thắp sáng, con giống, vật nuôi... đã vô tình làm tăng tính ỷ lại của một bộ phận người nghèo. Vì nhận thức chưa đầy đủ nên hỗ trợ càng nhiều thì đồng bào càng ỷ lại. Vậy nên để họ vươn lên thoát nghèo, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, tác động vào nhận thức của bà con, phải giúp cho họ thấy được sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ là hữu hạn. Và để thoát nghèo, không có con đường nào khác là phải biết sử dụng trí tuệ và sức lao động để sản xuất; có như vậy mới thoát nghèo một cách bền vững.

Phạm Quang - Mai Giáp

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/174484/nguoi-ngheo-khong-nhan-con-giong-vi-khong-muon-doi-ung