Người nghèo Kon Tum tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo

Dù còn khó khăn vất vả, nhưng muốn nhường sự hỗ trợ cho những người thiếu thốn hơn, nhiều hộ gia đình ở Kon Tum viết đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo.

Một ngày đầu tháng 12, dọc theo con đường đất đỏ, chúng tôi tìm đến xã Đăk Tơ Re (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum), nơi mà người ta vẫn thường hay nói về cái nghèo, cái khổ. Toàn xã có 1.300 hộ dân sinh sống thì có tới 545 hộ nghèo và 129 hộ cận nghèo.

Hầu hết các gia đình đều đông con, lại sống nhờ trồng trọt, đi làm nương rẫy thuê nên kinh tế hết sức khó khăn. Thế nhưng, không vì lý do đó mà người dân trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mới đây, nhiều hộ dân đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Người khuyết tật tự nguyện xin ra khỏi diện nghèo

Gia đình anh Phạm Quyết Chiến (36 tuổi, trú tại thôn 12) là một trong năm gia đình đợt vừa rồi xin ra khỏi diện nghèo của xã Đăk Tơ Re.

 Căn nhà xuống cấp bên trong không có gì giá trị ngoài chiếc ti vi cũ là nơi gia đình anh Chiến gắn bó nhiều năm nay. (Ảnh: Hiền Mai)

Căn nhà xuống cấp bên trong không có gì giá trị ngoài chiếc ti vi cũ là nơi gia đình anh Chiến gắn bó nhiều năm nay. (Ảnh: Hiền Mai)

Căn nhà cấp 4 xuống cấp nằm gọn một góc vườn. Trong nhà không có một vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc ti vi vợ chồng anh đã mua hơn 10 năm.

Rót chén trà chiều còn nghi ngút khói, anh Chiến kể, anh theo bố mẹ từ Vĩnh Phúc vào Kon Tum lập nghiệp từ năm 2004, đến năm 2005 thì lấy vợ. Là người sinh ra với đôi chân bị tật bẩm sinh, đi lại khó khăn, tích góp lắm anh Chiến mới lắp được chân giả để đi lại.

Đến nay, hai vợ chồng có 3 người con, cháu lớn nhất học lớp 8 còn cháu nhỏ nhất mới được 20 tháng tuổi. Biết mình là trụ cột chính trong gia đình nên anh Chiến chưa bao giờ khuất phục số phận, anh làm đủ mọi việc, từ bốc vác, phụ hồ, phát nương rẫy,..ai thuê gì thì làm đó.

Đôi mắt đượm buồn khi nhắc tới vợ mình, anh kể, vợ anh ốm yếu lại thường hay đau bệnh nên anh lo lắm. Thương vợ, mọi việc nặng trong nhà đều một tay anh làm hết. Năm vừa rồi, gia đình anh phải tích góp vay mượn thêm để vào TP.HCM mổ sỏi thận cho vợ 2 lần.

 Dù phải lắp chân giả nhưng vượt qua số phận, anh Chiến vẫn viết đơn xin thoát nghèo. ( Ảnh: Hiền Mai)

Dù phải lắp chân giả nhưng vượt qua số phận, anh Chiến vẫn viết đơn xin thoát nghèo. ( Ảnh: Hiền Mai)

Năm 2017, gia đình anh Chiến được hưởng chế độ hộ nghèo và được nhà nước hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi tạo điều kiện phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình có 1ha sắn, 1ha cao su và 5 con bò sinh sản. Được hỗ trợ, cuộc sống của gia đình anh cũng đỡ vất vả phần nào.

Khi được hỏi lý do vì sao gia đình còn nhiều khó khăn nhưng vẫn tự nguyện xin rút khỏi hộ nghèo, anh Chiến cười hiền: “Cuộc sống gia đình mình thì cứ làm bạn với nương rẫy, với mấy con bò, con gà thế chứ chẳng bao giờ mơ tới giàu sang. Tuy cuộc sống khó khăn, nhưng nhìn những hộ dân trong xóm, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đông con còn khó khăn hơn mình rất nhiều, nên tháng 10 vừa qua, gia đình mình đã tự bình xét và tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Nội dung trong đơn là mong muốn Nhà nước dành phần hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, giúp các hộ nghèo hơn phát triển kinh tế”.

Xin thoát nghèo vì không muốn ỷ lại vào nhà nước

Ngoài gia đình anh Chiến, năm 2016, gia đình chị Y Byenh ( thôn 10, xã Đăk Tơ Re) cũng được hưởng chế độ hộ nghèo. Nhờ chú tâm làm ăn, đến nay, gia đình chị đã có 2ha đất trồng sắn, gần 300 cây cao su và bời lời, niềm vui không kể sao cho xiết.

Nhận thấy kinh tế có phần khá giả hơn trước, gia đình chị cũng viết đơn xin ra khỏi diện nghèo trong đợt vừa qua. Song, để đi đến quyết định này, vợ chồng chị cũng suy nghĩ, mất ngủ nhiều đêm. Bởi hiện tại anh chị có 4 người con đều đang tuổi ăn tuổi học, ra khỏi hộ nghèo đồng nghĩa với việc gia đình anh chị sẽ không được nhận các khoản hỗ trợ cho hộ nghèo.

Sau 3 năm hưởng chế độ hộ nghèo, mặc dù không dư giả gì nhưng giờ kinh tế gia đình đã có phần đỡ vất vả hơn, nên tôi muốn nhường suất hộ nghèo cho những người khó khăn hơn. Vợ chồng tôi còn sức khỏe, cứ cố gắng làm thật nhiều thì sẽ khá lên thôi, chứ không muốn ngồi không chờ hỗ trợ", chị Byenh nói.

Tương tự, gia đình anh A Thang (thôn 2, xã Đăk Tơ Re) là một trong những hộ xin thoát nghèo cũng khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, anh A Thang có vườn cao su rộng 1ha, rẫy sắn 3ha đang chờ thu hoạch, mỗi năm còn làm thêm được 70 bao lúa.

 Nhờ khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, đến nay gia đình anh Thang đã xây được một căn nhà kiên cố che nắng che mưa.

Nhờ khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, đến nay gia đình anh Thang đã xây được một căn nhà kiên cố che nắng che mưa.

Anh Thang cho biết “Mặc dù vẫn chưa hết khó khăn, nhưng hiện nay, gia đình đã có đủ đất sản xuất, chăm chỉ lao động tự vươn lên làm ăn, không ỷ lại vào Nhà nước. Mặt khác mình là thôn trưởng, phải gương mẫu để các hộ khác noi theo”.

Liên quan tới vấn đề nhiều hộ dân tự nguyện xin thoát nghèo, ông Huỳnh Quốc Thái, Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Re cho biết, theo chỉ tiêu được giao thì năm 2019 xã phải thoát nghèo 108 hộ thì đến nay đã thoát nghèo được 120 hộ, cao hơn mức chỉ tiêu đề ra.

Vừa qua, xã có 5 hộ dân tự nguyện xin thoát nghèo là các hộ chị Y Byenh, anh A Cách, anh A Thang, anh A Lanh và hộ anh Phạm Quyết Chiến. Đặc biệt, trong số này có đến 4 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy người dân đã có ý thức tự vươn lên, không còn trông chờ, ỷ lại vào nguồn đầu tư của Nhà nước. Bên cạnh đó, những hộ này là tấm gương để địa phương vận động người dân vươn lên thoát nghèo trong những năm sau”, ông Thái chia sẻ.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nguoi-ngheo-kon-tum-tu-nguyen-viet-don-xin-thoat-ngheo-d514585.html