Người nghèo ở Mỹ chỉ có thể thuê nhà của người giàu

Sau 'cú đánh bồi' của đại dịch và lạm phát, thị trường nhà ở tại Mỹ trở nên bất ổn. Giá nhà cao, nguồn cung giảm đã khiến hy vọng mua nhà của tầng lớp trung lưu bị dập tắt.

Khi số lượng bất động sản có sẵn trên thị trường giảm, nhiều người Mỹ có thu nhập trung bình và thấp buộc phải từ bỏ ước mơ mua nhà. Họ chỉ còn cách thuê lại nơi ở của giới nhà giàu.

Samantha Hawkins (29 tuổi, đến từ Austin, Texas) muốn có một ngôi nhà biệt lập được bao quanh bởi sân vườn rộng lớn, nơi cô có thể nuôi chó và trồng cây.

Đầu năm nay, cô đã chú ý đến một căn hộ nhỏ được chuyển đổi từ studio cho thuê với giá 230.000 USD. Tuy nhiên, Hawkins khó có cơ hội sở hữu chỗ này do nhiều nhà đầu tư sẵn sàng trả tiền cao hơn so với niêm yết.

Ngôi nhà rộng 496 m2 là một trong số rất ít bất động sản ở Austin mà cô vẫn có thể mua được khi giá cả tăng vọt vào tháng 1.

 Hy vọng mua nhà của người thu nhập thấp bị dập tắt. Ảnh: New York Times.

Hy vọng mua nhà của người thu nhập thấp bị dập tắt. Ảnh: New York Times.

“Tôi cứ tưởng mình đang chơi gameshow. Dù lọt vào vòng chung kết, tôi vẫn phải chấp nhận từ bỏ căn hộ vì họ ra giá quá cao. Tôi không có sẵn từng đó tiền mặt”, Hawkins bày tỏ.

Không chỉ Hawkins, trên khắp xứ sở cờ hoa, nhiều người cũng đang đối mặt với những rào cản tương tự, theo The Guardian.

Giá cả tăng chóng mặt, nhu cầu cao trong khi nguồn cung có hạn khiến tầng lớp trung lưu chật vật với lựa chọn ít ỏi. Số khác quyết định đi thuê và gác lại giấc mơ có nhà riêng.

Thị trường bất ổn

Trên toàn nước Mỹ, giá nhà đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 6 là 416.000 USD, tăng 13,4% so với một năm trước.

“Tôi đã làm việc rất chăm chỉ 2 năm qua, cố gắng tiết kiệm để có cơ hội mua nhà. Nhưng có lẽ tôi không thể giành chiến thắng trong thị trường khắc nghiệt như vậy”, Hawkins nói.

Những vấn đề khó khăn hầu như đều ập đến với Austin. Hawkins đang cạnh tranh với các nhà đầu tư hiện chiếm hơn 30% doanh số bán nhà, bên Airbnb và những người chuyển đến đây sinh sống trong bối cảnh tăng trưởng việc làm.

Trong khi đó, các công ty xây dựng lại không theo kịp nhu cầu và luật phân vùng hạn chế nhà ở cho nhiều gia đình mới có thể cung cấp cứu trợ.

Giá bán trung bình vào tháng 5 ở thành phố này và xung quanh hạt Travis đạt mức cao nhất mới lần lượt là 676.000 USD và 625.000 USD - tăng từ khoảng 400.000 USD ngay trước đại dịch. Điều đó gây áp lực lên thị trường cho thuê, đẩy mức trung bình lên trên 2.700 USD và thúc đẩy xu hướng dịch chuyển.

 Giá nhà tăng chóng mặt khiến nhiều người không kịp trở tay. Ảnh: Zillow.

Giá nhà tăng chóng mặt khiến nhiều người không kịp trở tay. Ảnh: Zillow.

Mặc dù hàng tồn kho trong tháng 6 của Austin tăng gấp đôi so với năm trước khi lãi suất tăng đã hạ nhiệt nhu cầu, nguồn cung hiện tại chỉ còn phù hợp với những người mua giàu có.

Dữ liệu của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia (NAR) cho thấy nhóm kiếm được 75.000 USD/năm có 25% cơ hội sở hữu nhà (giảm xuống từ mức 40%).

“Lượng nhà có sẵn tăng cao nhưng nhưng không dành cho các nhóm thu nhập trung bình và thấp”, Nadia Evangelou, một nhà kinh tế của NAR, nói.

Theo người môi giới bất động sản Austin Sherry LeBlanc, chuyên tìm nhà cho những người mua lần đầu, nhiều gia đình đang lo lắng về lãi suất và số tiền vượt ngoài ngân sách.

Đối với những người như Hawkins bị mắc kẹt trong việc thuê nhà, cuộc khủng hoảng nhà ở ảnh hưởng đến tình hình tài chính của cô.

“Tôi thấy tức giận vì bản thân đã nỗ lực rất nhiều, đi học, có bằng cấp, làm đủ mọi thứ, kiếm được một công việc với mức lương 60.000 USD nhưng lại không mua nổi nhà”, Hawkins than thở.

Nguồn cung nhà ở ít ỏi

Ngay cả với thu nhập 6 con số, Courtney McKinley cũng không thể mua được một căn hộ ở thành phố. Các công viên, nhà hàng, hồ bơi và bạn bè đã thu hút cô đến khu phố Zilker (Austin) nhưng khi giá nhà thấp nhất nhích lên 1 triệu USD, mọi hy vọng đều tan biến.

Ngay cả khi tham khảo khu vực rìa và ngoại ô của thành phố, cô cũng đành lắc đầu. Cô đã bị một nhà đầu tư khác đánh bại khi người này đề nghị trả thêm 50.000 USD cho căn nhà 40 tuổi có giá 350.000 USD.

Tháng tiếp theo, cô tiếp tục mất một ngôi nhà 3 phòng ngủ tràn ngập ánh nắng và mang lại cảm giác yên bình.

“Đó là một khoảnh khắc đau lòng. Tôi đã khóc rất nhiều”, McKinley kể lại.

Sau nhiều lần bế tắc, cuối cùng cô đã thắng khi ra giá 400.000 USD cho một căn hộ cần sửa sang nhiều thứ. Nó ở Pflugerville, một vùng ngoại ô rộng lớn của các trung tâm thương mại và cửa hàng đồ hộp lớn tại vị trí "biệt lập".

Tuy nhiên, cô vẫn thấy mình may mắn khi bạn bè đã đưa đến 15 lời đề nghị mà vẫn không có nhà.

 Nguồn cung hạn hẹp trong khi giá cả tăng cao khiến cơ hội mua nhà trở nên mong manh. Ảnh: New York Times.

Nguồn cung hạn hẹp trong khi giá cả tăng cao khiến cơ hội mua nhà trở nên mong manh. Ảnh: New York Times.

Ngoài việc có đủ nguồn lực để đặt giá cao hơn và thanh toán bằng tiền mặt, các nhà đầu tư thường bỏ qua việc thẩm định, kiểm tra.

Một số công ty cũng sử dụng các thuật toán để ra giá thầu trong vòng vài giờ sau khi các ngôi nhà được niêm yết và họ được phố Wall hậu thuẫn.

Một cuộc điều tra vào tháng 6 của Ủy ban Hạ viện Mỹ nêu bật vai trò của cổ phần tư nhân trong các cuộc khủng hoảng nhà ở địa phương.

Các công ty bất động sản ở Atlanta có khả năng đuổi người thuê nhà cao hơn tới 205 lần và tăng giá trung bình 37-57% trong vòng một năm kể từ khi sở hữu.

Trong lúc đó, một nhóm nhà đầu tư khác đang cạn kiệt nguồn cung tại những khu vực thân thiện với khách du lịch.

Giá nhà tăng cao cuối cùng tạo ra áp lực giảm giá trên thị trường, đánh vào những người dễ bị tổn thương nhất của thành phố.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-ngheo-o-my-chi-co-the-mua-nha-cua-nguoi-giau-post1348159.html