Người nghiện ma túy là bệnh nhân hay tội phạm?
Đây là một vấn đề còn có hai luồng ý kiến trái chiều. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận trước kỳ họp thứ 11 tới, rất nhiều cử tri kiến nghị cần coi người nghiện ma túy như là tội phạm.
Người nghiện ma túy là bệnh nhân
Cũng cần nhắc lại rằng: vào năm 2008 khi Quốc hội thảo luận về sửa đổi một số điều của Luậtphòng chống ma túy, Bộ LĐ-TB-XH đã đề nghị sửa đổi điều 199-Bộ luật hình sự, theo đó không xem người nghiện là tội phạm, mà coi người nghiện là “bệnh nhân” cần được cảm thông và điều trị đặc biệt như những người mắc bệnh mãn tính...
Khi ấy, một số đại biểu quốc hội trong ngành công an đã có ý kiến phản ứng khá gay gắt: “sẽ là thảm họa quốc gia nếu bỏ hoặc sửa điều 199” (điều 199 - Bộ luật Hình sự quy định người tái sử dụng ma túy là tội phạm, bị phạt tù); “đến một lúc nào đó, xã hội phát triển hơn, trình độ dân luật nâng lên thì có thể tính toán đến việc đối xử khác với người sử dụng ma túy, còn bây giờ thì không”; “cần phải xem nghiện ma túy như tệ nạn cờ bạc, mại dâm, nếu sửa điều 199 thì chúng ta thừa nhận cờ bạc và mại dâm à?”...
Cuộc tranh luận người nghiện ma túy là “bệnh nhân” hay “tội phạm” chưa có hồi kết, ngay cả khi Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành, theo đó hành vi sử dụng ma túy trái phép không bị coi là tội phạm và xử lý hình sự nữa. Mới đây, tại kỳ họp quốc hội hồi cuối năm ngoái khi thảo luận về dự luật phòng chống ma túy (sửa đổi), đại biểuquốc hội lại tranh luận vấn đề này. Quả thật, có gì đó không “ổn” khi ma túy là chất pháp luật cấm mua bán, tàng trữ, sử dụng, nhưng người cố ý sử dụng ma túy trái phép lại coi như “bệnh nhân”, nên rất khó quản lý, chế tài, xử lý người nghiện ma túy. Thủ tục đưa người nghiện đi cai nghiện rất nhiêu khê, địa phương nào cũng phải “kêu trời”.
Trong khi ấy, ngoài xã hội số lượng người nghiện ma túy hàng năm gia tăng đáng báo động. Cử tri cả nước lo lắng, bức xúc khi hành vi sử dụng trái phép ma túy có lúc lén lút, có lúc diễn ra công khai, gây nguy hại đến ANTT của cộng đồng, nhưng không có chế tài xử lý nghiêm minh. Người nghiện ma túy là một mối nguy tiềm ẩn cho xã hội, đặc biệt là ma túy đá. Nhiều vụ án chấn động dư luận do người nghiện gây ra. Nhiều con nghiện đang ôm vô lăng chạy trên đường. Thống kê mới có khoảng 10% người nghiện được đưa vào các cơ sở cai nghiện tập trung, còn lại đang sống trong cộng đồng. Ngành công an coi “ma túy là tội phạm của mọi tội phạm”, do có đến 50% phạm nhân trong các trại giam liên quan đến ma túy, từ trộm cắp, cướp giật, giết người, gây rối trật tự công cộng, hay cố ý gây thương tích...
Ở Bình Thuận số người nghiện ma túy cũng liên tục gia tăng hàng năm, cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh quá tải phải ngưng tiếp nhận, nên người nghiện ngoài xã hội nhiều, tội phạm gia tăng, khiến cử tri lo lắng.
Thêm một người nghiện ma túy là thêm một gánh nặng cho xã hội, bất hạnh cho một gia đình. Chúng ta không ai mong muốn xã hội có thêm nhiều tội phạm, nhưng nếu chế tài pháp luật không cương quyết (chỉ giáo dục, răn đe) thì rất khó đẩy lùi được tệ nạn ma túy, và ngăn đối tượng này gây hại cho xã hội. Dư luận hy vọng tại kỳ họp quốc hội tới dự luật phòng chống ma túy (sửa đổi) được thông qua, sẽ góp phần kiềm chế tệ nạn ma túy đang gia tăng đáng báo động ở nước ta.