Người nhận 500 cuộc gọi trong đêm mưa lũ

Điện thoại của ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đêm đó (18-10) dồn dập đổ bởi gần 500 cuộc gọi cầu cứu. Nhận những lời kêu cứu của người dân, ông Quyết mồ hôi đổ ròng ròng dù ngoài trời đang mưa to, gió lạnh. Không ngờ nước lũ lên nhanh quá, hơn 3.000 hộ dân của ông đang lâm nguy!

Khi cơn mưa bắt đầu xối xả, cũng là lúc những dòng sông cuồng nộ lũ dữ. Chỉ có vài giờ đồng hồ mà những ngôi làng bên dòng sông Kiến Giang ngập trong biển nước mênh mông. Giữa đêm tối, trong tiếng gió rít như xé nát không gian, sóng quật vào bờ tường muốn xô đổ từng mái nhà đang oằn mình chống đỡ, chiếc xuồng của ông Quyết cùng 4 cán bộ xã mong manh chẳng khác nào chiếc lá giữa biển khơi.

 Chiếc xuồng nhỏ của ông Quyết và lực lượng cứu hộ xã đi từng nhà cứu hộ.

Chiếc xuồng nhỏ của ông Quyết và lực lượng cứu hộ xã đi từng nhà cứu hộ.

Tiếng người gọi, tiếng cano chạy, tiếng sóng vỗ, tiếng gia súc gia cầm kèm theo tiếng mưa tạo nên một bầu không khí hỗn độn lo âu bao trùm. Chưa bao giờ ranh giới giữa sự sống và cái chết lại mong manh đến như vậy, bước ra là có thể bị nước cuốn trôi, mà ở yên một chỗ thì nhìn con nước cứ dần dâng lên, từ ngang lưng, đến ngực rồi ngập lút đầu, người dân chỉ biết bám vào xà nhà chờ đợi trong hoảng sợ.

Thời gian lúc này chỉ tính bằng phút, chậm chút thôi là những thiệt hại về người sẽ là khủng khiếp. Lực lượng cán bộ xã An Thủy vừa chống chọi với những những con sóng chỉ trực nhấn chìm chiếc thuyền, vừa dò đường tránh những ngọn cây, dây điện chằng chịt chìm trong nước tối đen, đi dọc các tuyến đường, len lỏi từng ngõ ngách cứu người.

Đi cứu người mới thấy không đơn giản là cứ đưa thuyền là vào được, nhiều nhà nằm sâu phía sau, thuyền không thể vào. Trong giây phút “nước sôi, lửa bỏng” đó, ông Quyết đã không ngần ngại nhảy xuống nước bơi vào, cùng các anh em cán bộ trong xã đưa người dân ra.

Ông Quyết kể, đội đã không ít lần “thót tim” khi đi cứu nạn. Đặc biệt là phải canh gần hết 1 đêm mới tiếp cận được nhà bà Châu Thị Cúc (60 tuổi) và anh Lê Văn Trung (43 tuổi).

“Sóng dữ quá, thuyền của xã không đủ sức tiếp cận. Mấy anh em phải đợi ở ngoài mất gần 1 đêm, chờ thời cơ tiếp cận. Để trấn an tinh thần người trong nhà, đội cứu nạn giữ liên lạc động viên liên tục, nói họ cứ ngồi lên chỗ cao, sóng dạt vào làng thôi, không nên sợ, có gì anh em ở ngoài này ứng cứu”, ông Quyết kể.

 Ông Quyết và các cán bộ xã không quản gian nguy, bơi vào cứu người dân. Ảnh: Dương Phong

Ông Quyết và các cán bộ xã không quản gian nguy, bơi vào cứu người dân. Ảnh: Dương Phong

Giữa đêm tối và bịt bùng mưa gió bủa vây, tính mạng, tài sản bị đe dọa, chính là lúc các cán bộ xã An Thủy bám trụ với cơn sóng lũ từng giờ, từng phút. Sốt ruột trước tính mạng của nhân dân đang bị đe dọa, ông Quyết và các cán bộ xã quần thảo suốt ngày đêm trên biển nước đục ngầu chảy xiết, quên cả việc tính mạng của họ không ít lần bị đe dọa.

Đứng trước những cơn cuồng nộ của sóng thủy thần, chiếc thuyền của ông Quyết đã không ít lần nghiêng ngả, chỉ trực lật nhào. “Sóng to, gió lớn đánh vào thuyền khiến chiếc thuyền nhôm mong manh bị đánh vỡ một miếng. Mấy anh em lấy tấm miếng ván đặt lên ngồi bịt lại để kịp tiếp tục di chuyển vào nhà dân”, vị Chủ tịch xã nói.

Với phương châm “Không để nguy hại đến tính mạng của người dân, không để dân thiếu đói do mưa lũ”, trong những ngày nước dâng cao đỉnh điểm, cùng với các lực lượng ở nhiều nơi trong tỉnh Quảng Bình, các cán bộ xã An Thủy vẫn lăn xả, không quản gian nguy với công tác ứng cứu các hộ dân bị nước ngập sâu đến nơi tránh trú an toàn và hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ.

 Họ sẵn sàng nhảy xuống nước để đưa thuyền tiếp cận vào nhà dân. Ảnh: Văn An

Họ sẵn sàng nhảy xuống nước để đưa thuyền tiếp cận vào nhà dân. Ảnh: Văn An

“Lạnh buốt người trong mưa do mất sức, từ sáng cho đến tối, anh em ăn mì gói sống và động viên nhau cố gắng tiếp cận những vùng sâu đang cô lập vì mưa lũ. Có những lúc nước ngập tới cổ, anh em chúng tôi lại bám víu nhau để vượt qua, đi cho đến khi nước chảy xiết quá thì thôi, có khi đói mà mệt quá ăn không nỗi, thiếu ngủ nên mắt cứ lờ đờ nhưng vẫn gắng gượng vì dân đang chờ mình”, ông Quyết tâm sự.

Liên tục dầm mình trong dòng nước lũ, cả tuần chưa ai về nhà, ăn uống lại thất thường, chủ yếu là lương khô, mỳ tôm nên ông Quyết và các cán bộ trong xã gần như bị kiệt sức. Giọng khản đặc không nói thành tiếng, ông Quyết phải nhờ các bác sĩ trạm xá xã cạo gió và cho thuốc uống. Vậy mà vừa đỡ chút, ông lại tiếp tục lênh đênh trên thuyền, với quyết tâm cứu dân bằng mọi giá.

Cứu người là vậy, thế mà không ít lần, sau khi được cứu thay vì cảm ơn, một số người, có lẽ vì quá sợ và căng thẳng nên đã mắng đoàn cứu hộ xa xả. Nhưng với ông Quyết thì “toàn xã không có người chết vì lũ lụt” mới là điều quan trọng.

Cứ như vậy, trong suốt mấy ngày tỉnh Quảng Bình đạt đỉnh lũ, ông Quyết cùng công an, cán bộ xã đã bơi, dùng đò nhỏ cứu được hơn 100 người, đưa tới nơi an toàn. Nói về công việc của mình, vị Chủ tịch xã không chia sẻ nhiều, ông coi đây là trách nhiệm của mình và cán bộ xã, để bảo đảm an toàn cho bà con trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt. Dù nhận được nhiều lời khen ngợi nhưng ông Quyết cho rằng không chỉ mình ông, mà nhiều người khác cũng tham gia tích cực vào công tác cứu trợ. Trong câu chuyện của mình, ông Quyết luôn nhắc đến anh Phạm Văn Tranh, Phó công an xã, anh Võ Trường An, người điều khiển xuồng và cả anh Quang, anh An, là những người cùng ông sát cánh trong những thời khắc nguy nan đó.

Trong “cuộc chiến” này, phải kể đến lực lượng thuyền được huy động từ bà con trong xã, đồng lòng tương trợ nhau, giúp ông đưa người dân khỏi vùng nguy hiểm về nơi an toàn. Và tất nhiên, ngôi nhà ông Quyết cũng là một trong số nơi được đón hơn 30 người về trú tránh, còn vợ ông chính là người lo từng bữa ăn cho người dân.

Ông cũng dặn vợ không nhận hàng cứu trợ, “nhà mình có gì ăn đó, hàng cứu trợ để cho người dân cần hơn”

Cơn đại hồng thủy đã đi qua, nhưng người dân nơi đây vẫn còn nhớ như in những khuôn mặt tất bật thấm đẫm nước mưa trong dòng nước chảy xiết, những đôi tay đã lạnh băng vì nước lũ nhưng vẫn nhanh chóng cõng từng người già, bế từng em nhỏ ra khỏi vùng lũ, đồng thời mang hàng cứu trợ vào cho bà con.

 Bứa trưa vội vàng với những thanh lương khô trên thuyền. Ảnh: Văn An

Bứa trưa vội vàng với những thanh lương khô trên thuyền. Ảnh: Văn An

Bà Hoàng Thị Thủy, 70 tuổi, xã An Thủy kể: Nếu hôm đó không có các chú Quyết và các cán bộ trong xã đến cứu giúp kịp thời thì chắc giờ này tôi không còn. Lúc đó nước lũ dâng cao bất ngờ, tôi tuổi đã cao lại chỉ có 2 vợ chồng già ở nhà, không kịp trở tay. Tôi mừng phát khóc khi các cán bộ xã đã đến giúp vợ chồng tôi thoát chết”.

Còn chị Lê Thị Diệu, 28 tuổi, xã An Thủy một nách 3 con nhỏ, sống mấy ngày ở ủy ban xã nghẹn ngào kể: “Các cán bộ đã mang lại cuộc sống lần thứ 2 cho gia đình tôi. Lũ lên, cuốn trôi mọi thứ, lợn gà cũng mất hết cả. Tôi còn tưởng mấy mẹ con phen này chắc chết rồi, trong cơn hoảng loạn thì các anh ấy đến. Gia đình không biết nói chi nữa để cảm ơn các anh!”.

 Lực lượng cứu hộ xã An Thủy, huyện Lệ Thủy căng mình ngày đêm đi ứng cứu nhân dân.

Lực lượng cứu hộ xã An Thủy, huyện Lệ Thủy căng mình ngày đêm đi ứng cứu nhân dân.

Xã An Thủy sau nhiều ngày ngập nước, lúa thóc, nhà cửa và nhiều tài sản của bà con bị hư hại nặng. Lũ qua đi, cuộc sống người dân đề ra muôn vàn khó khăn khi gần như 100% người dân trong xã trắng tay. Với cương vị đứng đầu xã, ông Quyết lại tất bật với công tác khôi phục cuộc sống cho người dân.

Từ sáng tới tận chiều tối, ông căng mình với công tác cứu trợ, với mong muốn hàng cứu trợ đến tận tay người dân một cách công bằng, nhanh chóng. Ông Quyết cũng chia sẻ, những ngày vừa qua, bà con trong xã nhận được sự quan tâm từ khắp nơi trên cả nước, rất nhiều đoàn cứu trợ mang hàng hóa, nhu yếu phẩm tới hỗ trợ.

Tuy nhiên, về lâu dài người dân vùng đất thuần nông như An Thủy rất cần hỗ trợ kinh phí để mua lại lúa giống, con giống vì chỉ hơn 1 tháng nữa thôi là vào vụ đầu xuân.

Miền Trung vẫn đang phải oằn mình trong những đợt mưa lũ lớn và dự báo tình hình còn nhiều khó khăn phức tạp phía trước. Những cán bộ như ông Quyết lại tiếp tục căng mình để cứu dân. Đó luôn là hình ảnh sáng đẹp, lấp lánh hơn ngàn vạn lời nói, góp phần làm sáng đẹp thêm hình ảnh người cán bộ, tạo niềm tin trong lòng nhân dân. Để rồi, khi mưa lũ đi qua, chắc chắn sự hồi sinh sẽ trở lại mạnh mẽ.

Bài, ảnh: THU HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/nguoi-nhan-500-cuoc-goi-trong-dem-mua-lu-642233