"Có rất nhiều loại anh đào, chứ không chỉ có một vài giống. Tôi muốn giúp tái hiện lại thời xưa khi mọi người thưởng thức nhiều loại anh đào hơn ngày nay”, Hideaki Tanaka (63 tuổi), một chuyên gia về hoa anh đào đang cố quảng bá nhiều giống cây hơn, nói.
Mong muốn của ông xuất phát từ việc 90% số cây anh đào được trồng ở Nhật Bản hiện nay là giống cây "somei yoshino" với hoa trắng phớt hồng thanh nhã. Thời điểm nở hoa của chúng thường chỉ kéo dài khoảng một tuần và nở cùng một lúc ở những khu vực nhất định, vì các cây trong cùng một khu vực thường là cây con được phát triển từ một cây gốc.
Ông Tanaka quản lý một trang trại ở Yuki, thuộc tỉnh Ibaraki, miền Đông Nhật Bản, với khoảng 1.000 cây mẫu thuộc 400 giống anh đào khác nhau, với đủ sắc thái hồng, thậm chí có cả sắc xanh lục quý hiếm. Mục tiêu của ông là thuyết phục quan chức địa phương trên khắp Nhật Bản xem xét các lựa chọn thay thế để mùa anh đào ở đất nước trở nên đa sắc hơn.
Ngồi trên bãi cỏ giữa những tán cây của mình, ông Tanaka ngắm nhìn cánh hoa màu hồng nhạt nhỏ cỡ móng tay, rung rinh trong làn gió nhẹ, trong khi nghĩ ngợi về những bông hoa khác đang lần lượt chuẩn bị nở rộ ở khắp nơi. Đó là khung cảnh giống với các mùa hoa anh đào mà người Nhật từng thưởng thức từ vài thế kỷ trước. Mỗi giống hoa nở rải rác vào các thời điểm khác nhau, khiến mùa hoa trên khắp đất nước dường như kéo dài hơn.
Trang trại của ông Tanaka đã phân phối khoảng 3 triệu cây non, bao gồm giống somei yoshino, nhưng đang quảng bá giống jindai akebono có khả năng kháng bệnh cao hơn, và có kích thước trưởng thành nhỏ hơn, giúp việc cắt tỉa dễ dàng hơn. Hoa của jindai akebono nở sớm hơn hoa somei yoshino khoảng 4 ngày và có màu hồng đậm hơn.
Tuy nhiên, thuyết phục Nhật Bản thay thế somei yoshino có thể không dễ dàng. Trong giai đoạn Nhật Bản phát triển đô thị mạnh mẽ trên khắp đất nước những năm 1950 - 1980, các thành phố đua nhau trồng hàng triệu cây somei yoshino phát triển nhanh. Nhiều thập kỷ trôi qua, không ít cây trong số đó không được cắt tỉa đúng cách, khiến chúng dễ bị nhiễm bệnh làm biến dạng cành cây, không ra hoa và dẫn đến cây chết.
Somei yoshino cũng có thể phát triển cao ngang ngửa với các tòa nhà 5 tầng. Thân cây khổng lồ của chúng có thể bị rỗng ruột và bộ rễ cồng kềnh làm nứt vỉa hè. Những cây cổ thụ cũng gặp rủi ro trong mùa bão của đất nước.
Ở Kunitachi, phía tây Tokyo, các quan chức đã mất ba thập kỷ để loại bỏ khoảng 80 trong số 210 cây được chỉ định là cần phải đốn hạ hoặc thay thế. Ryusuke Endo, một quan chức chuyên về giao thông và đường bộ của thành phố, cho biết hàng cây tạo thành một đường hầm hoa trang nhã vào mỗi mùa xuân và người dân muốn giữ chúng lại.
Các quan chức Kunitachi đã bắt đầu trồng giống jindai akebono do trang trại của ông Tanaka quảng bá, và cư dân đang dần đón nhận những cây anh đào mới đến.
Hoa anh đào sekiyama tại trang trại của Hiệp hội Hoa Nhật Bản do ông Tanaka quản lý ở Yuki, tỉnh Ibaraki. Tanaka nói rằng ngay cả khi các giống hoa khác được trồng phổ biến hơn, vị trí “vua hoa anh đào” của giống somei yoshino sẽ không bao giờ thay đổi.
Ông Tanaka chỉ hy vọng việc trồng thêm những giống cây khác sẽ khuyến khích mọi người "tìm hiểu về sự đa dạng của anh đào". "Somei yoshino sẽ luôn là giống hoa thu hút mọi người nhất, nhưng tôi muốn giúp cộng đồng tạo ra những nơi mọi người có thể thưởng thức tất cả loại anh đào”.
Hồng Ngọc
Ảnh: AFP