Người nhặt nỗi niềm dọc triền sông
Không chờ những giấc mơ*, Bùi Phan Thảo đi tìm hình bóng của mình ngay trên những trang viết. Ấy là sự sắc sảo trong các trang báo, nét tinh tế ở từng trang thơ và nỗi trăn trở về cuộc đời qua những dòng văn xuôi đầy hoài niệm. Nhà phê bình văn học Nhật Chiêu từng nhận định: 'Thơ đã thôi thúc Bùi Phan Thảo như một con ong thôi thúc những bông hoa, những phù dung đời. Vì thôi thúc ấy mà Thảo viết. Viết - để thôi thúc những nụ vô hình'.
Một “dấu triện” riêng
Sinh ra và lớn lên tại làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, Bùi Phan Thảo luôn nặng tình với quê hương. Năm 1980, ông cùng gia đình chuyển vào Đắk Lắk. Đây có lẽ là sự xáo trộn đầu tiên trong cuộc đời của cậu bé 17 tuổi. Nhưng vì tương lai, gia đình ông vẫn phải “dứt áo”, rời nơi “chôn nhau cắt rốn” để tìm cuộc sống mới ổn định hơn. Dường như, đó là lý do khiến cảm thức quê hương trở đi trở lại trong các sáng tác của Bùi Phan Thảo.
Ông chia sẻ: “Dòng máu Quảng Trị vẫn luân lưu chảy trong tôi. Thế nên, những gì tôi viết ra ít nhiều đều có chất Quảng Trị trong đó”. Đọc truyện ngắn ông viết, độc giả mãi nhớ về một vùng đất gió Lào và cát trắng trong Cỏ huyết hồng hay Trăm sông về biển… Mỗi sáng tác là một nỗi hoài niệm da diết về quê hương, là tình yêu thiết tha với xứ sở, là những suy tư, đau đáu về phận đời, phận người. Có thể nói, trên “dấu triện” mang tên Bùi Phan Thảo có một nét thể hiện thật rõ cốt cách của người con Quảng Trị.
Trân trọng từng thông điệp, từng câu thơ ông viết ra luôn được diễn đạt dưới lớp vỏ ngôn từ đắt đỏ và hàm súc nhất. Ông tâm niệm: “Làm thơ là phải mới. Nhà thơ nên tránh dùng những từ sáo mòn, thi tứ cũ kỹ. Ta phải tạo được cái riêng và dấu ấn của chính mình thì mới có thể chinh phục cả những bạn đọc khó tính”.
Thơ đã thôi thúc Bùi Phan Thảo cần mẫn như một con ong biến trăm hoa từ cuộc đời thành mật ngọt. Chính sự chỉn chu ấy đã giúp ông đóng một “dấu triện” riêng trên văn đàn. Năm 1990, ông cùng vợ con vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống. Từ đó đến nay, ông công tác tại Báo Người Lao Động. Cái mộng, cái khiếu của ông là viết văn. Nhưng ông có đầy đủ tố chất để trở thành một nhà báo chuyên nghiệp. Dấu ấn của Bùi Phan Thảo thể hiện rõ trong những bài phóng sự, tùy bút và bình luận. Ông viết nhiều và viết hay về đề tài người lao động. Bằng sự tâm huyết và tử tế với nghề, ông đã đạt được nhiều giải thưởng báo chí cấp quốc gia và địa phương.
“Với nghề báo, tôi đã đi cùng nó một cách trọn vẹn”, ông nói với ánh mắt kiên định. Ở Việt Nam, không thiếu những nhà báo làm văn hay nhà văn viết báo. Nhưng với Bùi Phan Thảo, người ta vẫn nhớ về một cá tính khác biệt. Cá tính ấy được chắt chiu bằng những tinh túy từ nghề văn và nghiệp báo. Nói như đồng nghiệp của ông, nhà văn Thu Trân, trên “dấu triện” mang tên Bùi Phan Thảo, con chữ “man mác những quãng đời, những sự thật được nói lại, được bóc trần trong cuộc sống đa chiều, cuối cùng chỉ để hướng người đọc đến cách nghĩ nhân văn hơn, cho những phận người lênh đênh”.
Vin vào sự bao dung
Gặp Bùi Phan Thảo, tôi vừa thấy được cái phóng khoáng, điềm tĩnh của người làm báo, vừa cảm nhận được nét tinh tế, lãng mạn của kẻ say thơ. Ông trăn trở: “Sống ở đời phải làm việc có ích cho đời. Tôi làm nghề báo là để giúp đỡ nhiều cảnh ngộ trở nên tốt hơn, làm nghề văn là để xoa dịu những vết thương”. Điều này đã trở thành mục đích sống cao cả và thôi thúc ông theo đuổi nghiệp viết.
Khi được hỏi về thứ tự ưu tiên trong cuộc sống, Bùi Phan Thảo chẳng ngần ngại, đáp: “Trước hết là gia đình, sau đó là công việc, tiếp đến là bạn bè”. Ông đặc biệt đề cao giá trị gia đình. Dẫu bận rộn, ông vẫn luôn dành thời gian cho vợ con. Lúc rảnh rỗi, ông thường tụ tập cùng bạn bè.
Nhà thơ Trương Nam Hương, một người bạn thân thiết của ông, từng bộc bạch: “Bạn bè thân thiết đều nhận xét Bùi Phan Thảo hiền lành, luôn sống nhân hậu, có trước có sau, hết lòng với bạn bè và quan tâm tới những người thân quý”.Thơ của Bùi Phan Thảo luôn chất chứa những cảm nghiệm về cuộc sống. Theo ông, cuộc đời vốn đa sự, con người lại đa đoan nên sẽ không tránh khỏi những lúc phải hoài nghi. Nhưng ông hoài nghi mà không mất đi niềm tin.
Ông cũng chẳng đốn “cây hoài nghi”. Ông cần nhìn cây để tỉnh táo sống. Và ông tin vào sự bao dung, tin vào thiện lương giữa người với người để sống yêu đời hơn: “Và tôi vin vào sự bao dung với ý nghĩ có thể đánh đổi cánh rừng nghi ngại lấy một nụ mầm yêu thương vừa hé đời mất mát hư hao đời đẫm lệ vẫn đáng sống cho nhau khi mặt trời lên” (Bên cây hoài nghi)
Vin vào sự bao dung là cách mà Bùi Phan Thảo đối đãi với mọi người. Tuy nhiên, với ông, bao dung không đồng nghĩa với dễ dãi. Ông thẳng thắn: “Tôi bao dung nhưng rất rõ ràng. Có những chuyện cần tách bạch. Chẳng hạn, kẻ nào gây ra điều ác, lọc lừa thì phải trả giá”. Quả thực, đọc thơ ông, người ta có thể hình dung về một con người ngay thẳng, luôn mạnh mẽ khi đối diện với những điều tiêu cực trong xã hội.
Lần giở những trang viết của Bùi Phan Thảo, tôi cảm nhận được tình yêu và tâm huyết trong từng con chữ. Thật không dễ dàng để đứng vững trước ranh giới của báo chí và văn chương. Hẳn phải rất say mê và kiên định, ông mới có thể dành trọn đời mình cho nghề báo. Và hẳn phải tha thiết với cuộc đời, với nghệ thuật lắm, Bùi Phan Thảo mới nguyện “nếu trở lại làm người lần nữa”, ông vẫn “đi bên triền sông đời mình/ nhặt nhạnh nỗi niềm gói vào những bài thơ” (Nhặt).
Ngọc Khánh
(*) Không chờ những giấc mơ. Bùi Phan Thảo -NXB Hội Nhà văn, 2017