Người Nhện rời khỏi vũ trụ anh hùng Marvel vì tranh chấp tiền bạc?

Những tranh chấp, mâu thuẫn về tiền bạc đã khiến Spider-Man của Tom Holland phải rời khỏi Marvel.

Tối 20/8, trang Deadline đưa ra thông tin độc quyền rằng Spider-Man của Tom Holland sắp sửa rời khỏi Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU). Nguyên nhân là Sony - bên giữ bản quyền Người Nhện trên màn ảnh với Disney - phía sở hữu Marvel Studios, không đạt được thỏa thuận chung về mặt doanh thu cho các tác phẩm tiếp theo.

Trước đó, Sony đã cho phép Marvel Studios khai thác hình ảnh Spider-Man qua các tác phẩm Captain America: Civil War (2016), Spider-Man: Homecoming (2017), Avengers: Infinity War (2018), Avengers: Endgame (2019) và Spider-Man: Far from Home (2019). Chuỗi tác phẩm kể trên đều giành thắng lợi giòn giã tại phòng vé.

Hiện Sony đã xác nhận Kevin Feige - người đứng đầu Marvel Studios - sẽ không tiếp tục tham gia đóng góp cho các phim Người Nhện tiếp theo. Điều đó đồng nghĩa với việc xưởng phim siêu anh hùng hàng đầu không còn cơ hội tiếp tục đưa nhân vật vào trong MCU.

Cuộc hợp tác khiến fan thỏa lòng

Khi Marvel gặp khó khăn về tài chính trong cuối thế kỷ XX, họ buộc phải bán bản quyền điện ảnh các nhân vật nổi tiếng của mình. Nếu như X-Men hay Fantastic Four về với Fox, thì Spider-Man đầu quân cho Sony. Thành quả đầu tiên chính là bộ ba phim Người Nhện của đạo diễn Sam Raimi và tài tử Tobey Maguire.

Được coi là chuỗi tác phẩm góp công mở đường cho thể loại siêu anh hùng trong thế kỷ XXI, Spider-Man của Raimi gặt hái thành công lớn về mặt doanh thu. Tuy nhiên, chất lượng có phần sút giảm của phần 3 khiến dự án Spider-Man 4 của nhà làm phim rốt cuộc đổ bể. Cuối cùng, Sony quyết định tái khởi động thương hiệu bằng The Amazing Spider-Man cùng Andrew Garfield.

Trong vòng 10 năm, Sony đã trình làng ba nhân vật Spider-Man do ba diễn viên khác nhau thể hiện. Ảnh: Outnow.

Trong vòng 10 năm, Sony đã trình làng ba nhân vật Spider-Man do ba diễn viên khác nhau thể hiện. Ảnh: Outnow.

Song, hai tập phim do đạo diễn Marc Webb nhào nặn không tạo ra quá nhiều điều đột phá trên màn ảnh và phòng vé. Khán giả không mấy ấn tượng với hai bộ phim ra mắt năm 2012 và 2014, ngoại trừ mối tình đẹp như mơ giữa Peter Parker và Gwen Stacy vốn do Andrew Garfield cùng Emma Stone - đôi uyên ương ngoài đời thực khi ấy - thể hiện.

Cũng trong quãng thời gian đó, Marvel Studios bắt đầu khẳng định vị thế của mình và dần vươn lên. Chính đỉnh cao The Avengers (2012) là một nguyên nhân khiến The Amazing Spider-Man trở nên lu mờ hồi mùa hè 2012. Ngay trước đó, Disney nhận ra tiềm năng và sớm mua quyền sở hữu hãng phim.

Trước sức ép ngày một lớn hơn, Sony quyết định nhượng bộ. Họ cho phép Marvel Studios cùng Disney khai thác bản quyền nhân vật Spider-Man và Tom Holland được tuyển chọn. Như vậy, chỉ trong vòng một thập kỷ, khán giả được được chứng kiến tới ba tài tử khác nhau vào vai siêu anh hùng nhả tơ.

Mới góp mặt ở MCU được khoảng ba năm, nhưng Spider-Man của Tom Holland để lại nhiều thiện cảm cho khán giả. Ảnh: Disney.

Mới góp mặt ở MCU được khoảng ba năm, nhưng Spider-Man của Tom Holland để lại nhiều thiện cảm cho khán giả. Ảnh: Disney.

Thỏa thuận giữa hai bên là Spider-Man được phép góp mặt bên cạnh nhóm Avengers trong MCU, và Marvel Studios sẽ tham gia vào quá trình sáng tạo nghệ thuật cho các bộ phim riêng về nhân vật do Sony phát hành.

Về mặt doanh thu, với các phim như Spider-Man: Homecoming Spider-Man: Far from Home mới đây, Disney nhận 5% doanh thu ngay từ ngày khởi chiếu tại mỗi thị trường (first dollar gross) dù chưa biết thành phẩm lãi hay lỗ, cùng doanh thu từ các vật phẩm ăn theo (merchandise).

Một số nguồn tin cho biết thỏa thuận này kéo dài khoảng ba năm, và hai bên sẽ xem xét lại các điều khoản trong năm 2019.

Ai cũng có cái lý của mình

Khi Marvel Studios rầm rộ “tấn công” sự kiện San Diego Comic-Con 2019 hồi tháng 7, họ không hề nhắc tới Spider-Man 3. Nhiều fan đã tỏ ra lo ngại về tình huống xấu liên quan tới Người Nhện.

Trở lại năm 2018, Sony tung ra Venom xoay quanh nhân vật cùng tên do Tom Hardy thể hiện. Đây là gương mặt phản anh hùng và là kẻ thù truyền kiếp của Người Nhện. Trái với nhiều tin đồn, Tom Holland hoàn toàn không xuất hiện trong phim.

Ý tưởng thực hiện vũ trụ điện ảnh về các đối thủ của Người Nhện mà Người Nhện không tham gia thực sự kỳ quặc. Nhưng Venom rốt cuộc lập nên kỳ tích doanh thu hơn 856 triệu USD toàn cầu, bất chấp sự chê bai thậm tệ từ giới phê bình.

Tuy không có sự xuất hiện của Spider-Man, bộ phim Venom vẫn thu tới hơn 856 triệu USD. Ảnh: Sony.

Tuy không có sự xuất hiện của Spider-Man, bộ phim Venom vẫn thu tới hơn 856 triệu USD. Ảnh: Sony.

Chưa hết, tới cuối năm, tác phẩm Spider-Man: Into the Spider-Verse của Sony thu hơn 375 triệu USD, cũng như giành giải Oscar cho Phim hoạt hình xuất sắc. Dường như tương lai của thương hiệu Người Nhện trong tay Sony bỗng sáng sủa hơn bao giờ hết.

Hồi tháng 4, Marvel Studios cùng Disney tung ra tác phẩm đỉnh cao Avengers: Endgame. Sau hơn ba tháng phát hành, bom tấn đạt doanh thu 2,79 tỷ USD toàn cầu, chính thức trở thành tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất mọi thời đại khi không tính lạm phát.

Như được “hưởng sái” từ Endgame, Spider-Man: Far from Home do Sony phát hành mới đây sớm thu hơn 1,1 tỷ USD, qua đó trở thành tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất lịch sử hãng khi vượt qua Skyfall (2012).

Cần phải nói rõ rằng với Homecoming hay Far from Home, Sony hoàn toàn bỏ tiền đầu tư thực hiện và chi phí marketing. Còn phía Marvel Studios tham gia với vai trò sáng tạo nghệ thuật để hai tập phim có thể thống nhất với MCU mà họ đang theo đuổi.

Nhưng thông tin mới nhất cho thấy cuộc hợp tác đã tan vỡ. Disney là phía chủ động đưa ra yêu cầu mới. Họ muốn bỏ tiền đầu tư sản xuất cho các phim Spider-Man tiếp theo, hay thậm chí là các phim ngoại truyện của nhân vật, ở mức 50/50 kèm theo tỷ lệ doanh thu tương ứng.

Trong một năm mà Disney gần như hoàn toàn thống trị phòng vé, việc họ muốn tiếp tục thể hiện “sự bành trướng” là điều không quá ngạc nhiên. “Nhà chuột” nay nuôi mộng nhúng tay sâu hơn vào Spider-Man và các bộ phim ăn theo kiểu Venom của Sony.

Spider-Man vẫn đang giúp nhà sản xuất hái ra tiền, nhưng tương lai của cậu hiện là dấu hỏi lớn. Ảnh: Outnow.

Spider-Man vẫn đang giúp nhà sản xuất hái ra tiền, nhưng tương lai của cậu hiện là dấu hỏi lớn. Ảnh: Outnow.

Ở phía ngược lại, Sony đã cảm thấy tự tin trở lại nhờ hơn 856 triệu USD của Venom. Các nguồn tin của Deadline cho biết hãng phim cảm thấy họ có thể tiếp tục giành thắng lợi phòng vé mà không cần đến Marvel Studios nữa.

Đây chưa chắc đã là hồi kết cho cuộc thương lượng giữa Disney và Sony. Nếu một bên nhún nhường và cả hai phía tìm thấy tiếng nói chung, Spider-Man của Tom Holland sẽ lại đường hoàng xuất hiện trong MCU, bởi cậu đang được xây dựng như người thay thế Iron Man sau khi nhân vật của Robert Downey Jr. ra đi.

Tom Holland hay đạo diễn Jon Watts vẫn còn hợp đồng làm tiếp phim Người Nhện. Còn nếu thương vụ thực sự đổ bể, tương lai của hậu truyện Far from Home thực sự là dấu hỏi lớn, nhất là sau đoạn mid-credits đầy gợi mở khi Peter Parker bị lộ danh tính trước công chúng. Và người chịu thiệt lớn hơn cả, có lẽ chính là các fan của Spider-Man.

Ngọc Nhi

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nguoi-nhen-roi-khoi-vu-tru-anh-hung-marvel-vi-tranh-chap-tien-bac-post980985.html