Người nhiễm HIV dễ bị lây nhiễm COVID-19 đột phá hơn

Những người nhiễm HIV đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 thì có nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19 đột phá cao hơn 28% so với người không nhiễm HIV.

Theo kết quả nghiên cứu mới đây đăng trên Tạp chí JAMA Network Open, ngay cả khi đã tiêm vaccine phòng COVID-19, những người nhiễm HIV vẫn có nguy cơ bị nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn so với người không nhiễm HIV.

Tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đột phá liên quan tới nhiễm HIV

Nghiên cứu cho thấy, những người nhiễm HIV đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 thì có nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19 đột phá cao hơn 28% so với người không nhiễm HIV. Mặc dù vậy, nguy cơ mắc COVID-19 nói chung ở những người đã được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine phòng COVID-19 vẫn ở mức thấp, bất kể tình trạng có bị nhiễm HIV hay không.

Tác giả nghiên cứu Keri Althoff, phó giáo sư tại Khoa dịch tễ học thuộc Trường đại học y tế công cộng Johns Hopkins, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy có sự gia tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đột phá ở những người nhiễm HIV do tác động của HIV đối với hệ thống miễn dịch và vai trò của hệ thống miễn dịch trong việc đáp ứng với tiêm chủng và lây nhiễm virus SARS-Cov-2".

Những người nhiễm HIV đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 thì có nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19 đột phá cao hơn 28% so với người không nhiễm HIV.

Những người nhiễm HIV đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 thì có nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19 đột phá cao hơn 28% so với người không nhiễm HIV.

"Vì vậy nhóm nghiên cứu không ngạc nhiên khi thấy cứ 100 người thì có khoảng 4 người nhiễm HIV đã từng bị lây nhiễm COVID-19 đột phá, so với 3 trên 100 người không nhiễm HIV. Nhưng điều đáng mừng là 9 tháng sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19, tỷ lệ và nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đột phá ở những người được tiêm chủng có nhiễm và không nhiễm HIV là thấp, chỉ khoảng 4%". – Althoff cho biết thêm.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của gần 114.000 nam giới và phụ nữ đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó 33.000 người nhiễm HIV, phần lớn từ 55 tuổi trở lên, 70% là người da trắng và hơn 9/10 là nam giới. Họ tập trung vào phân tích nguy cơ mắc COVID-19 trong nửa cuối năm 2021, khi biến thể Omicron dễ lây lan hơn xuất hiện. Các ca lây nhiễm COVID-19 đột phá xuất hiện nhiều hơn (bất kể tình trạng có nhiễm HIV hay không) vào tháng 12, khi Omicron trở thành biến thể thống trị.

Ngoài việc xác định nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đột phá cao hơn 28% ở những người nhiễm HIV, nhóm nghiên cứu lưu ý rằng một số người nhiễm HIV phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đột phá cao hơn những người khác, như người chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ ba (mũi tăng cường),…

Bên cạnh đó, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đột phá ở những người nhiễm HIV cũng tăng khi số lượng tế bào T giảm. Theo Thư viện y khoa quốc gia Mỹ, tế bào T là tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng quan trọng và thường bị HIV tấn công (Khi số lượng tế bào T của bệnh nhân HIV giảm xuống mức rất thấp, đó thường là dấu hiệu chuyển sang giai đoạn AIDS).

Biện pháp đối phó tình trạng này

Althoff và cộng sự đưa ra giả thuyết rằng: "Rối loạn chức năng miễn dịch do HIV gây ra có thể đóng một vai trò trong việc làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đột phá. Do đó, mũi vaccine phòng COVID-19 tăng cường có thể rất quan trọng đối với những bệnh nhân này".

"Hiện tại, mũi vaccine tăng cường được khuyến nghị cho những người nhiễm HIV chưa được điều trị hoặc đã tiến triển. Do vậy, để tăng cường khả năng bảo vệ chống lại lây nhiễm COVID-19 đột phá, tất cả những người nhiễm HIV cần được nhận mũi vaccine bổ sung vào nhóm liều vaccine cơ bản".- Althoff nhấn mạnh.

Quan điểm này cũng nhận được sự đồng thuận của Tiến sĩ Joel Blankson, giáo sư y khoa tại Bệnh viện Johns Hopkins, người không thuộc nhóm nghiên cứu. Blankson cho biết: "Vì nghiên cứu cho thấy có giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đột phá ở những bệnh nhân đã được tiêm mũi vaccine thứ ba, nên điều quan trọng là những người nhiễm HIV cần được tiêm 1 mũi vaccine tăng cường khi đủ điều kiện".

Phân tích sâu hơn của nhóm nghiên cứu đã cho thấy nguy cơ nhập viện đối với các trường hợp lây nhiễm COVID-19 đột phá cao hơn ở những người nhiễm HIV so với những người không nhiễm HIV. Vì vậy, Althoff và nhóm nghiên cứu đã đưa ra lời khuyên giành cho những người nhiễm HIV: "Hãy tiêm vaccine phòng COVID-19 và tiêm mũi vaccine tăng cường. Duy trì và thực hiện các biện pháp an toàn để giúp giảm thiểu nguy cơ lây bệnh như đeo khẩu trang, hạn chế tụ họp trong phòng,…. dựa trên mức độ nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng và tình trạng sức khỏe của bản thân".

Tiến sĩ Thomas Gut, phó chủ tịch y khoa tại Trường đại học y Zucker ở Thành phố New York (Mỹ), người không thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết: "Nguy cơ tái nhiễm COVID-19 liên quan đến HIV được dự đoán phần nào. Trong nhiều bệnh truyền nhiễm khác ngoài COVID-19, người ta đã biết rằng bệnh nhân nhiễm HIV thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và tình trạng bệnh trầm trọng hơn".

"Những bệnh nhân nhiễm HIV có số lượng tế bào miễn dịch cao thường được bảo vệ tốt hơn khỏi nhiễm trùng so với những người có số lượng tế bào miễn dịch thấp, và có vẻ như nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cũng theo mô hình này. Do đó, điều quan trọng là phải kiểm soát tình trạng nhiễm HIV một cách tốt nhất có thể" - Gut cho biết thêm.

Nhật Nam (Theo HealthDay)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//nguoi-nhiem-hiv-de-bi-lay-nhiem-covid-19-dot-pha-hon-169220609124025181.htm