Người nông dân là chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
Ngày 28/8, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo 'Nông dân Việt Nam – 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng mẫu hình người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế'.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Trong Di chúc, Người căn dặn, “khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, cần miễn thuế cho nông dân”.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện sáng tạo Di chúc của Người và Chiến lược phát triển con người xuyên suốt của Đảng ta, trong giai đoạn đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta tiếp tục quan tâm xây dựng và phát triển con người toàn diện trên tất cả các mặt, với việc ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết để lanh đạo việc phát triển tam nông nói chung và nông dân nói riêng. Cụ thể, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) năm 2008 đã ban hành Nghi quyết số 26-NQ/TW về phát triển nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới.
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 26, các cấp Hội nông dân đã thể hiện được vai trò là “trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới”. Người nông dân Việt Nam với những phẩm chất cao đẹp, như lòng yêu nước; lòng nhân ái, vị tha, hòa hiếu, khoan dung; tình làng, nghĩa xóm, truyền thống đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau; bản chất dũng cảm, kiên cường, bất khuất, mưu trí, sáng tạo, cần cù, chịu khó đã thực hiện sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông sản; nhiều sản phẩm nông nghiệp do nông dân Việt Nam làm ra đã góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế về mặt kinh tế, thể hiệ thể lực, trí lực người nông dân cũng được nâng cao.
Bên cạnh đó, cùng với việc nông dân Việt Nam đẩy mạnh các phong trào nông dân tham gia phát triển kinh tế, xã hội nông thôn, đã hiệu triệu trên 10 triệu hội viên, thuộc hơn 16 triệu hộ; 60,85 triệu người ở nông thôn tham gia phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, mạnh khỏe, hạnh phúc; hằng năm tuyên truyền, vận động trên 6,2 triệu hộ nông dân đăng ký tham gia và có 3,5 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”. Đây là một trong những tiêu chí mẫu hình người nông dân mới – người nông dân thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Qua đó tạo tâm lý tự tin, ý chí thoát nghèo và làm giàu bền vững của người nông dân.
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, trao đổi, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nông dân và Hội nông dân; nội dung, giải pháp xây dựng hình mẫu người nông dân trong giai đoạn hiện nay.
Với tham luận “Xây dựng bộ máy tổ chức và phát triển hội viên Hội Nông dân theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, TS Trần Thị Nhẫn, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Từ quan điểm đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giai cấp nông dân Việt Nam và tầm nhìn mang tính chiến lược của Người về việc xây dựng tổ chức của giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam - tiền thân là Tổng Nông hội Đông Dương, được ra đời trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và không ngừng lớn mạnh cùng với tiến trình đi lên của cách mạng Việt Nam. Đảng và Nhà nước đã nhận thức đầy đủ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển Hội Nông dân Việt Nam để lãnh đạo, tổ chức Hội đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong mỗi thời kỳ cách mạng của dân tộc.
Trải qua 89 năm xây dựng và phát triển Hội Nông dân Việt Nam, Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là kim chỉ nam soi đường cho Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phát triển, đáp ứng được yêu cầu mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, nhằm xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, phồn vinh như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Để phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng và phát triển văn hóa nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Công Thao nhấn mạnh: Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn là tạo ra những giá trị mới về vật chất và tinh thần với một nông thôn văn minh, hiện đại nhưng vẫn phải bảo tồn, gìn giữ bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…
Tại Hội thảo các đại biểu cũng cho rằng: người nông dân mới thời kỳ CNH, HĐH đòi hỏi phải là những nông dân có trình độ, kiến thức và khoa học kỹ thuật tiên tiến; phải lành nghề về sản xuất nông nghiệp. Họ cũng phải là những nông dân biết ngoại ngữ, có kỹ năng sử dụng máy móc, tin học và dịch vụ công tốt, hiểu biết về hội nhập quốc tế, phải có sự liên kết hợp tác chặt chẽ, tích cực trong sản xuất, kinh doanh không chỉ nông dân với nông dân, mà còn với cả nhà nước, nhà khoa học, các doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân nước ngoài. Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành cần hỗ trợ, đào tạo người nông dân đáp ứng được những năng lực trên./.