Người nông dân phát triển kinh tế từ cây trà hoa vàngTin khácNgành dân số Lạng Sơn: 60 năm xây dựng và phát triểnĐội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - lực lượng tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Là người tiên phong đưa cây trà hoa vàng từ rừng về vườn nhà trồng, thời gian qua, ông Triệu Tiến Minh (sinh năm 1957), thôn Đoàn Kết, xã Ái Quốc (huyện Lộc Bình) đã nhân rộng và phát triển mô hình trà hoa vàng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo tồn nguồn giống cây dược liệu quý trên địa bàn.

Những ngày giữa tháng 12/2021, vượt hơn 60 km, chúng tôi tìm đến thôn Đoàn Kết gặp và tham quan mô hình trà hoa vàng của ông Triệu Tiến Minh. Hơn 60 tuổi nhưng ông vẫn rất nhanh nhẹn, vừa kiểm tra những bông hoa vàng óng xen trong kẽ lá, ông Minh vừa kể cho chúng tôi nghe về những ngày lặn lội vào rừng để tìm cây trà hoa vàng đưa về vườn nhà trồng.

 Ông Triệu Tiến Minh chăm sóc trà hoa vàng

Ông Triệu Tiến Minh chăm sóc trà hoa vàng

Ông Minh tâm sự: Khoảng 10 năm trước, thương lái Trung Quốc tìm đến bản để hỏi mua cả rễ, hoa, lá cây với giá cao. Vậy là người dân bắt đầu vào rừng đào cả rễ cây. Từ khi có thương lái đến mua thì chỉ sau 2 đến 3 năm, các cánh rừng dần khan hiếm cây trà hoa vàng. Để phát huy giá trị của loại cây này, tôi đã lặn lội khắp các cánh rừng tìm kiếm để đưa loại cây này về trồng trong vườn nhà. Sau quá trình gian truân vất và tìm kiếm được 300 gốc trà, sau 3 năm, tôi đã nhân giống và trồng được tổng số 2.000 gốc trà hoa vàng.

Để cây phát triển tốt như ngoài tự nhiên, ông đã tìm đọc rất nhiều thông tin trên sách báo và xem ti vi để hiểu “bản tính” của cây. Cùng đó, qua thực tế chăm sóc, ông đã đúc rút kinh nghiệm: cây trà hoa vàng ưa bóng râm và độ ẩm cao. Vì vậy, ông đã quyết định trồng xen cây chuối rừng để tạo tán râm cho cây trà hoa vàng phát triển. Đồng thời, ông tự chế phân bón từ chất thải của lợn bón cho cây và tưới nước thường xuyên khi bước vào mùa khô. Nhờ vậy, cây sinh trưởng và phát triển rất tốt, cứ đến tháng 10 dương lịch, hoa sẽ bắt đầu nở rộ, vàng rực, hương thơm ngát.

Hiện nay, một số diện tích trà hoa vàng của gia đình ông Minh đã cho thu hoạch năm thứ tư, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu hoạch và tiêu thụ từ 2 đến 3 tạ hoa trà. Giá bán sản phẩm này rất cao, đối với hoa tươi, có giá từ 600 đến 700 nghìn đồng/kg, hoa khô hơn 3 triệu đồng/kg. Nhận thấy trà hoa vàng giá trị cao mà lại tốt cho sức khỏe, cuối năm 2019, ông đã ươm giống từ quả của cây để bán cho bà con quanh vùng trồng và nhân rộng. Từ mô hình trà hòa vàng, trung bình mỗi năm, gia đình thu được trên 100 triệu đồng.

Ngoài mô hình trà hoa vàng, với lợi thế đất đai rộng, khoảng 25 năm trước, ông đã đầu tư trồng và chăm sóc trên 10 ha rừng thông. Sau 12 năm, thông bắt đầu cho khai thác nhựa. Trung bình mỗi năm, gia đình ông khai thác từ 5 đến 6 tấn nhựa thông, thu nhập đạt khoảng 150 triệu đồng/năm.

Mô hình trồng trà hoa vàng và thông đã đem lại thu nhập trên 250 triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông Minh. Nhờ đó, đời sống gia đình ngày càng được nâng lên. Ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ái Quốc nhận xét: Ông Triệu Tiến Minh là người tiên phong đưa cây trà hoa vàng vào phát triển kinh tế. Ông là điển hình trong phát triển kinh tế gia đình, nhiều năm liền được UBND xã tặng giấy khen về phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn năng động, chia sẻ kinh nghiệm cho người dân quanh vùng khi có nhu cầu. Từ mô hình của ông Minh, nhiều hộ dân trên địa bàn đã mở rộng diện tích trồng trà hoa vàng, vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo tồn nguồn cây dược liệu quý trên địa bàn.

CÁT TIÊN

TRIỆU THÀNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nguoi-tot-viec-tot-2/469718-nguoi-nong-dan-phat-trien-kinh-te-tu-cay-tra-hoa-vang.html