Người nông dân vùng cao nêu gương sáng thoát nghèo
Ngoài 40 tuổi, là lao động chính trong gia đình có 5 nhân khẩu, anh Bùi Văn Dực, xóm Cha, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) từng trải qua không ít lần
Ngoài 40 tuổi, là lao động chính trong gia đình có 5 nhân khẩu, anh Bùi Văn Dực, xóm Cha, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) từng trải qua không ít lần "đứt bữa”. Nhờ cần cù, ý thức chủ động vươn lên, anh đã tạo dựng được cơ ngơi khang trang, điều kiện kinh tế vững chắc, cuộc sống no ấm.
Tiếng là vùng trung tâm xã nhưng địa hình xóm Cha khá gập ghềnh, khu dân cư tản mát, điều kiện hạ tầng, đời sống, thu nhập của các hộ cũng không nhỉnh hơn các xóm khác là bao. Là con thứ 3 trong gia đình thuộc hộ nghèo có tới 8 người con, xuất phát điểm khi anh Dực lập gia đình riêng gần như từ con số 0. Anh Dực kể: Hồi mới tách hộ, thứ duy nhất tôi được gia đình hai bên hỗ trợ là khoảnh đồi cằn cỗi, bỏ hoang. Trải qua thử thách thời gian đầu, vợ chồng tôi động viên nhau cố gắng dùng sức mình cải tạo khu đất đồi, xoay sở ít vốn mua hạt giống ngô. Tích cực làm lụng rồi cũng nhận về "quả ngọt”, cuộc sống dần ổn định hơn, không còn cảnh phải lo ăn từng bữa.
Ở xã Ngọc Sơn nói chung, xóm Cha nói riêng, khí hậu và thổ nhưỡng tương đối thích hợp để trồng màu. Ngoài diện tích cây ngô lai, các hộ trong xóm trồng mía nguyên liệu, một số diện tích phát triển cây mía tím. Như nhiều gia đình khác, anh Dực cũng lựa chọn thâm canh cây ngô lai. Để phát triển kinh tế, không bằng lòng với cuộc sống chỉ ở mức bình bình, anh tính toán, vận dụng khả năng tự thân để mở mang diện tích đất trồng. Cứ thế, diện tích ngô thâm canh 2 vụ của gia đình anh duy trì ổn định hơn 1ha, mỗi vụ xuống giống khoảng 20kg.
Nhờ đầu tư chăm sóc theo đúng quy trình nên sản xuất mang lại hiệu quả cao, năng suất đảm bảo. Trong đó, năng suất vụ xuân hè đạt trên 10 tấn/ha, vụ đông đạt khoảng 6 tấn/ha. Tại địa phương, tình hình tiêu thụ ngô trong nhiều năm qua khá thuận lợi, tư thương đến tận nơi để thu gom. Anh Dực thường bán ngô tươi, việc thu hoạch và tiêu thụ ngay tại khu sản xuất. Vài năm gần đây, để nâng cao giá trị cây trồng vụ đông, anh thử nghiệm trồng cây lạc thấy hiệu quả tốt nên mở rộng diện tích trồng lạc. Anh Dực chia sẻ: Từ khi chuyển đổi sang trồng lạc vụ đông nguồn thu đem lại trội hẳn. Lạc nhổ tại vườn, bán tươi có giá thấp nhất 10.000 đồng/kg, cao nhất từ 15.000 - 18.000 đồng/kg. Với 2.000 m2 tôi thu trên 10 triệu đồng mỗi vụ.
Có được phần vốn tích lũy từ trồng trọt, anh đầu tư sang chăn nuôi nhằm một phần tự cung, tự cấp trong gia đình, phần nhiều phục vụ phát triển kinh tế trên cơ sở tận dụng nguồn thức ăn trên rừng và các sản phẩm phụ từ nông nghiệp. Hiện gia đình anh nuôi 6 con trâu, bò, gần chục con lợn thịt, hàng trăm con gà, ngan và sản lượng cá nuôi trong ao mỗi năm trên 1 tạ. Anh Dực cho biết: Việc kết hợp đầu tư chăn nuôi góp phần đáng kể tăng nguồn thu từ hoạt động nông nghiệp. Từ đồi cỏ tự nhiên, diện tích cỏ VA6, phần thân - lá cây ngô tươi và ngô hạt, tôi chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Sau hàng chục năm kiên trì với phát triển kinh tế nông nghiệp, cuộc sống của gia đình anh Dực thay đổi rõ rệt. Ngoài sở hữu ngôi nhà sàn to, đẹp nhất xóm, gia đình anh còn nắm giữ khối tài sản gồm mặt bằng sản xuất, đàn vật nuôi phong phú mang lại giá trị không nhỏ.
Theo anh Bùi Văn Hoản, Trưởng xóm Cha, đặc thù địa bàn vùng đặc biệt khó khăn nên đời sống của người dân trông vào trồng trọt, chăn nuôi là chính. Cả xóm có 146 hộ thì 37 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo và hộ có mức sống trung bình chiếm đa số. Anh Bùi Văn Dực là hộ điển hình từ nghèo vươn lên giàu. Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của anh được nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong xóm học hỏi. Anh trở thành tấm gương tuyên truyền, vận động đầy thuyết phục, góp phần khích lệ hộ nghèo chủ động, tự tin vươn lên thoát nghèo.