Người nước ngoài ở TP.HCM: Cần có quy định về vật nuôi trong chung cư

Nhiều người nước ngoài cẩn trọng tìm hiểu chung cư cho phép nuôi thú cưng thì mới chuyển đến. Họ cũng đề xuất một số quy định từ cách mà nước ngoài đã làm.

Anh Johannes (27 tuổi, người Đức) nuôi một con chó đực tên Mono nặng 13 kg ở căn hộ chung cư Masteri An Phú (TP Thủ Đức). Biết chung cư không cấm cư dân nuôi thú cưng, anh mới mang Mono về từ khi nó còn là chó con.

“Hơn một năm ở đây, tôi chưa thấy ai phàn nàn vấn đề gì nghiêm trọng do vật nuôi gây ra như mùi hôi, lông rụng bay lung tung, tiếng chó sủa thì không đáng kể. Riêng tầng tôi ở đã có 4-5 nhà nuôi chó”, Johannes cho biết.

Một cư dân sợ chó, dị ứng với lông thú hoặc đơn giản là không thích chúng có thể đã chọn sống trong chung cư một phần vì chính sách nghiêm ngặt về vật nuôi. Khi càng nhiều chó mèo di chuyển vào các tòa nhà không cho phép vật nuôi, căng thẳng có thể bùng phát.

Tìm cách sống chung

Quận 7 và TP Thủ Đức có nhiều chung cư và cũng đông người nước ngoài sinh sống. “Nếu chung cư nào không cho nuôi thú cưng, cư dân ngoại quốc như chúng tôi sẽ tìm chung cư khác, tránh để xảy ra tranh cãi, một phần vì bất đồng ngôn ngữ”, Johannes nói.

 Chú chó Mono của Johannes có chuồng và chỗ vệ sinh ở ban công, tuy nhiên chưa từng bị ai phản ánh có mùi hôi hay tiếng ồn. Ảnh: NVCC.

Chú chó Mono của Johannes có chuồng và chỗ vệ sinh ở ban công, tuy nhiên chưa từng bị ai phản ánh có mùi hôi hay tiếng ồn. Ảnh: NVCC.

Chàng trai Đức kể lại thời gian trước từng ở chung cư bên quận 7. Ban quản lý không đả động gì đến việc cư dân nuôi thú cưng. Tuy nhiên, nhiều cư dân khác có ánh nhìn kỳ thị, xua đuổi dù vật nuôi chưa gây ảnh hưởng gì đến họ.

Khu chung cư này không khép kín, các hàng quán, đường đi có không gian mở, người bên ngoài có thể đi trên vỉa hè. Các chủ nuôi cũng ý thức dắt chó đi vệ sinh ở bồn cây bên đường, hạn chế loanh quanh khu vực bên trong.

Khi nghe tin vụ căng thẳng về vật nuôi gần đây, Johannes bày tỏ ý kiến rằng cư dân cần tìm cách sống chung, bên nuôi thú phải có ý thức hơn, cư dân còn lại nên thông cảm.

“Ban quản lý không được đem chuyện cắt điện nước ra để cưỡng chế, điều này không liên quan gì đến hạng mục vật nuôi và có thể vi phạm luật. Vì ngay từ đầu không có văn bản nào quy định mức phạt hay cách xử lý, nên không thể nào người ta mua hay thuê xong rồi mới cấm đoán”, chàng trai nêu quan điểm.

Vợ chồng anh Oscar (người Colombia, đang ngụ TP Thủ Đức) từng nuôi chó trong căn hộ một chung cư ở quận 7. Anh chị đã tự nguyện rời khỏi chung cư do cư dân phản ánh. “Vì chung cư không cho nuôi, tôi mới chịu chuyển đi”, vợ anh Oscar giải thích.

“Tuy nhiên, nghe vụ việc ở chung cư muốn cưỡng chế đem thú cưng ra khỏi nhà, tôi không đồng tình với cách giải quyết của ban quản lý. Đó là quy định vượt quá quyền hạn của đội ngũ quản lý. Việc buộc người khác phải bỏ thú cưng họ đang nuôi là một cách vi phạm nhân quyền. Sao không cấm từ lúc họ mang con vật về”, Oscar bày tỏ.

Anh Oscar đồng ý việc cấm nuôi thú ở chung cư với điều kiện quy định đó phải rõ ràng từ đầu. Anh cho rằng ban quản lý có thể tạo ra nhiều quy tắc hơn về trách nhiệm của chủ sở hữu vật nuôi và phạt họ, thay vì cấm đoán giữa chừng.

Quy định ở một số quốc gia

Tranh cãi phản đối thú nuôi trong chung cư cũng xảy ra ở nhiều quốc gia, họ đã có nhiều biện pháp giải quyết.

Tây Ban Nha có đến 13 triệu thú cưng, trong đó chiếm 93% là chó, 6% là mèo. Các chủ căn hộ hoặc ban quản lý chung cư ở nước này cũng dễ chịu nếu người thuê hay mua nhà nuôi thú, nhưng họ có thể chỉ định loại vật nuôi.

Nếu con vật gây ra phiền toái vì tiếng ồn hoặc làm hỏng tài sản khu vực chung, bị chủ nhà phát hiện hoặc hàng xóm phản ánh, chủ nhà cũng có quyền chấm dứt hợp đồng với người thuê.

 Ban quản lý các khu chung cư hay chủ nhà sẽ dễ chịu hơn nếu người nuôi thú cưng có ý thức, không gây ảnh hưởng đến cư dân xung quanh. Ảnh: Zen Nguyễn.

Ban quản lý các khu chung cư hay chủ nhà sẽ dễ chịu hơn nếu người nuôi thú cưng có ý thức, không gây ảnh hưởng đến cư dân xung quanh. Ảnh: Zen Nguyễn.

Nhiều địa phương ở Mỹ phổ biến việc tính phí vật nuôi khi thuê căn hộ. Người thuê phải trả 25-50 USD/tháng cho thú cưng của họ, trừ khi có chứng nhận thú nuôi là động vật hỗ trợ về y tế thì có thể được miễn.

Theo luật Công bằng Gia cư và Bình đẳng Cơ hội (Fair Housing and Equal Opportunity), chủ nhà được quyền biết thông tin về thú cưng như giấy chứng nhận giống loài, sức khỏe, tiêm chủng, mục đích nuôi... Từ đó họ cho phép người thuê được nuôi hoặc không.

Theo Bộ luật Dân sự bang California, về mặt pháp lý chủ nhà có thể tính tiền đặt cọc vật nuôi. Tiền này sẽ được hoàn lại nhưng thường bị khấu trừ cho việc sửa chữa và dọn dẹp liên quan đến vật nuôi. Người thuê nhà cũng có thể mua bảo hiểm thiệt hại nhà ở do vật nuôi gây ra.

Nói đến phí vật nuôi, tại Ireland, một số khu dân cư ở Dublin tính thêm 50-80 euro/tháng cho con vật và yêu cầu đặt cọc thêm hàng trăm euro đối với những người thuê nhà nuôi thú cưng, chỉ áp dụng cho vật nuôi di chuyển nhiều như chó và mèo. Khoản phí được chi cho việc dọn dẹp, sửa chữa tài sản, các khu vực chung của căn hộ hoặc khu vườn do vật nuôi làm hao mòn.

Ở Anh, từ tháng 1/2021, việc đồng ý cho người thuê nuôi thú cưng ở căn hộ sẽ là mặc định trong hợp đồng. Những người thuê nhà phải đảm bảo trách nhiệm không gây ảnh hưởng đến dân sinh. Nếu chủ nhà muốn phản đối sẽ phải gửi văn bản khiếu nại trong vòng 28 ngày kể từ khi người thuê nhà có yêu cầu về vật nuôi, đưa ra lý do chính đáng.

 Quy định về vật nuôi ở chung cư The Gold View (quận 4). Ảnh: BQL chung cư cung cấp.

Quy định về vật nuôi ở chung cư The Gold View (quận 4). Ảnh: BQL chung cư cung cấp.

Các quy định về việc nuôi thú cưng ở Australia dễ thở hơn, không có lệnh cấm nuôi thú cưng trong chung cư, nhưng cư dân có quyền khiếu nại và ban quản lý có thể yêu cầu chủ nuôi phải mang con vật đi nếu chúng bị cho là hung dữ với hàng xóm, làm hư hỏng tài sản hoặc có mùi khó chịu.

Tại bang Victoria, người thuê hoặc mua căn hộ phải làm đơn đăng ký cho thú cưng. Trong đó họ phải tuân theo một số yêu cầu về giống loài, cam đoan trách nhiệm về vệ sinh và an toàn. Chẳng hạn, chủ nuôi sẽ được giám sát khi ra vào sảnh, hàng lang, thang máy và sân bãi.

"Có nhiều cách để các chung cư ở TP.HCM nói riêng và ở Việt Nam giải quyết ổn thỏa về việc nuôi thú cưng trong căn hộ, không nhất thiết phải gây tranh cãi căng thẳng. Điều quan trọng là mọi thỏa thuận phải được làm rõ ngay từ đầu”, Johannes nói.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Ý Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-nuoc-ngoai-o-tphcm-can-co-quy-dinh-ve-vat-nuoi-trong-chung-cu-post1275248.html