Người nước ngoài vi phạm pháp luật tăng ở Đà Nẵng

Năm 2019, án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tại Đà Nẵng giảm nhưng người nước ngoài vi phạm tăng, với đủ các loại tội phạm.

Theo thống kê, năm 2019, TP Đà Nẵng có hơn 3,7 triệu lượt khách nước ngoài đăng ký lưu trú, tăng hơn 22% so với năm 2018. Du khách tăng, phát sinh nhiều vấn đề về quản lý cư trú, lưu trú và đặc biệt là khách Trung Quốc chọn Đà Nẵng làm nơi hoạt động phạm tội xuyên quốc gia.

Tội phạm xuyên quốc gia sống tại thành phố

Theo Công an TP Đà Nẵng, năm 2019, tội phạm về trật tự xã hội giảm 8,1% so với năm 2018, tỉ lệ điều tra, khám phá án đạt hơn 82,6% (tăng 2,7% so với năm 2018). Trong đó án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng giảm mạnh và 100% được điều tra làm rõ.

Tuy nhiên, tình trạng du khách nước ngoài vi phạm pháp luật tăng gấp hai lần với hơn 500 trường hợp, trong đó chủ yếu là người Trung Quốc và họ vi phạm hầu hết các tội liên quan công nghệ cao, an ninh trật tự khác.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho hay việc vi phạm của người nước ngoài rất đa dạng như tổ chức đánh bạc, trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản, tội phạm công nghệ cao…

Trong những vi phạm đó, nổi bật là các vụ tổ chức đánh bạc. Đơn cử, ngày 6-6-2019, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Công an, sáu tổ công tác của Công an TP Đà Nẵng bất ngờ kiểm tra các địa điểm hoạt động phi pháp. Tại những nơi này, 35 người Trung Quốc bị phát hiện sử dụng visa du lịch để lưu trú tại Việt Nam. Họ tổ chức cờ bạc qua mạng xuyên biên giới đến các nước Trung Quốc, Philippines, Campuchia… với gần 300 tài khoản cá độ. Hoạt động này lôi kéo hàng trăm ngàn người tham gia.

Hay ngày 16-10, công an bắt Ban Wei Bing, Ban Shan Ke (38 và 44 tuổi, cùng quốc tịch Trung Quốc) chuyên lẻn vào các công ty trong khu công nghiệp ở Đà Nẵng để đục két sắt, trộm tài sản. Cả hai khai đã thực hiện ít nhất năm vụ với giá trị tài sản hàng tỉ đồng và nhiều ngoại tệ.

Đặc biệt là vụ nhóm người Trung Quốc tổ chức quay clip đồi trụy. Cụ thể, từ tháng 2 đến giữa tháng 9-2019, nhóm này câu kết với người Việt Nam sử dụng mạng xã hội dụ dỗ, lôi kéo, thỏa thuận với một số em gái dưới 18 tuổi tham gia hoạt động kích dục, quan hệ tình dục. Các em này bị quay phim, đăng tải trực tiếp (livestream) trên các trang mạng xã hội Trung Quốc.

Nhóm người Trung Quốc lợi dụng visa du lịch đến Đà Nẵng tổ chức đánh bạc. Ảnh: Công an cung cấp

Nhóm người Trung Quốc lợi dụng visa du lịch đến Đà Nẵng tổ chức đánh bạc. Ảnh: Công an cung cấp

100% công an khu vực phải thạo ngoại ngữ

“Công an TP Đà Nẵng cũng sơ hở trong việc quản lý cư trú và người nước ngoài lợi dụng sơ hở để vi phạm” - Thiếu tướng Viên thẳng thắn thừa nhận.

Theo ông Viên, tội phạm người nước ngoài được sự tiếp tay của người dân trong việc cho thuê phòng, cung cấp dịch vụ. Có người dân lập doanh nghiệp được vài tháng thì chuyển nhượng cho người nước ngoài, khi công an kiểm tra thì mới thấy dấu hiệu người nước ngoài núp bóng, đầu tư chui, đầu tư trá hình.

Một tình trạng nữa là dân cho người nước ngoài thuê nhà nguyên căn nhưng trốn tránh việc khai báo tạm trú, tạo kẽ hở để phía thuê nhà hoạt động phi pháp.

Để khắc phục những hạn chế này, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cho hay Công an TP Đà Nẵng đã triển khai rất nhiều biện pháp quản lý, trong đó giải pháp chính và căn cơ là quản lý cư trú trên cơ sở quản lý địa bàn.

Theo đó, Công an TP Đà Nẵng sẽ tổng rà soát các cơ sở lưu trú đối với người nước ngoài và cùng với việc cho đăng ký lưu trú qua mạng, công an cũng sẽ áp dụng giải pháp đăng ký thủ công, gặp trực tiếp người đăng ký.

Một giải pháp nữa, là tăng cường tập huấn cho công an khu vực, phấn đấu đến hết quý III-2020, 100% cán bộ công an khu vực cơ bản giao tiếp được với người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc.

“Kế hoạch này đã được thống nhất về mặt chủ trương và công an đang xây dựng đề án, lập danh sách người đi học. Tôi rất tâm đắc với đề án này, vì người trực tiếp làm nhiệm vụ hiểu được người nước ngoài nói gì thì mới giải quyết thấu đáo được vấn đề” - vị giám đốc Công an TP Đà Nẵng nói.

Nhóm tội phạm sau rút kinh nghiệm nhóm trước

Thượng tá Huỳnh Đức Ngô, Phó phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Đà Nẵng, cho hay: Năm qua, những người Trung Quốc sử dụng công nghệ cao vi phạm pháp luật trên lĩnh vực chứng khoán, cung cấp các dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề, tín dụng, quay phim đồi trụy… có chiều hướng gia tăng.

Một số nhóm tội phạm có công ty mẹ tại Trung Quốc, sử dụng phần mềm giao diện như một số sàn chứng khoán nhưng bị cấm bên Trung Quốc, họ đem sang Việt Nam hoạt động. Họ chia thành các nhóm nhỏ (mỗi nhóm 6-10 người) tạo một nhóm Wechat, phân công nhiệm vụ lôi kéo khách Trung Quốc tham gia nộp tiền rồi đánh sập sàn ảo này để chiếm đoạt. Họ thường thuê trọn khách sạn, căn hộ để thực hiện hành vi phạm tội nhằm trốn tránh sự theo dõi, điều tra của cơ quan chức năng Trung Quốc.

Đặc biệt, do những nhóm trước thuê trọn một cơ sở lưu trú rồi đóng cửa, không hoạt động dễ bị phát hiện. Nên gần đây, những nhóm đến sau đã rút kinh nghiệm, là vẫn mở cửa hoạt động, bố trí nhân viên canh gác và đón khách nhưng có người đến thuê thì nói hết phòng.

HẢI HIẾU

Nguồn PLO: https://plo.vn/an-ninh-trat-tu/nguoi-nuoc-ngoai-vi-pham-phap-luat-tang-o-da-nang-883423.html