Người nuôi cá khắc khoải chờ đền bù
15 tháng sau vụ cá chết hàng loạt do các doanh nghiệp xả thải, người nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và vẫn đang gồng mình để trả nợ ngân hàng
Kết thúc phiên xét xử sơ thẩm tại TAND TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kết quả 33 hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) được tuyên thắng kiện, 11 doanh nghiệp (DN) xả thải phải đền bù tổng số tiền hơn 13,2 tỉ đồng. Thế nhưng, khi tiền chưa về tay thì người dân vẫn ngày đêm lo lắng bởi lãi suất ngân hàng; tiền nợ con giống, nợ nhân công chưa có để trả.
Gồng mình trả nợ
Trưa 23-12, có mặt tại sông Chà Và, nơi cách đây 15 tháng đã xảy ra 3 đợt cá chết khiến nhiều hộ dân nuôi cá điêu đứng, một số hộ không còn vốn để xoay xở tiếp tục kinh doanh. Lồng bè trước đây tấp nập người mua, người bán mà nay vắng hoe, thỉnh thoảng chỉ có vài người ở lại trông nom.
Người dân vớt cá chết do ô nhiễm
Ông Lê Văn Thuận (45 tuổi; ngụ thôn 7, xã Long Sơn) là một trong những hộ thiệt hại nặng nề nhất với số tiền hơn 3 tỉ đồng. Trước đây, ông Thuận nuôi hàng chục lồng cá chim, cá bớp nhưng nay chỉ còn vài lồng cá bớp, nhân công cũng chỉ thuê 1-2 người.
Nhìn lồng cá để lâu ngày bám đầy rong rêu, ông Thuận nghẹn lời: “Đợt đó, tôi thiệt hại tới hơn 3 tỉ đồng, con số thống kê còn nhỏ hơn so với thực tế. Đến nay, tiền nợ ngân hàng rồi nợ ngoài vẫn chưa thể trả nổi. Hằng tháng, tôi kiếm tiền trả lãi ngân hàng cũng đủ mệt rồi”.
Bà Tào Thúy Liễu (45 tuổi) cầm cố tài sản của gia đình, họ hàng để đầu tư nuôi cá bớp, cá chim nhưng khi chuẩn bị tới kỳ xuất bán thì chúng thi nhau chết. Bán không ai mua, cho không ai lấy, bà Liễu cùng hàng chục hộ dân khác ngậm ngùi mang đi đổ, thiệt hại gần 200 triệu đồng.
Nhưng khi vụ kiện đã thắng, bà Liễu vẫn chưa hết lo lắng: “Khi nào chúng tôi mới nhận được tiền, có kịp trong Tết không?”. Khi được giải thích rằng bản án có thể bị kháng cáo nên để nhận được tiền đền bù thì vẫn còn một chặng đường phía trước, bà Liễu thở dài.
Nhiều hộ nuôi cá sau đợt cá chết năm 2015 đã bỏ lại lồng và đang ngày đêm mong mỏi tiền đền bù từ các DN để trang trải một phần lãi suất ngân hàng; một phần mua thức ăn, con giống, vệ sinh lồng kinh doanh trở lại.
Chưa có hồi kết
Trở lại phiên xét xử vụ kiện giữa 33 hộ dân và 11 DN xả thải, trong 3 ngày, phiên tòa khá căng thẳng khi luật sư các bên đưa ra bằng chứng, lập luận để bảo vệ quan điểm của mình, HĐXX đã phải hội ý trong 1 tuần mới tuyên án.
Khi xảy ra vụ việc cá chết, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mời Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG TP HCM) về khảo sát, xác định nguyên nhân. Căn cứ vào báo cáo của Viện Môi trường và Tài nguyên, có nhiều nguồn khiến cá chết như do khoảng cách giữa các bè nuôi quá gần; hoạt động xả thải từ các ao, đầm nuôi thủy sản; nước thải sinh hoạt của các hộ nuôi… Thế nhưng, nguyên nhân chiếm đến 76,64% là do hoạt động xả thải từ cống số 6, cụ thể là từ 14 DN chế biến hải sản tại xã Tân Hải.
Luật sư phía DN lại cho rằng báo cáo của Viện Môi trường và Tài nguyên xác định nguyên nhân cá chết và quy trách nhiệm thuộc về việc xả thải của các DN là không chính xác, không khách quan và yêu cầu hoãn phiên tòa để giám định lại. Theo luật sư phía bị đơn, các hóa đơn, chứng từ mua bán cá giống, thức ăn đều không hợp lệ nên không thể làm căn cứ để yêu cầu DN bồi thường.
Thậm chí, các DN đều từ chối trách nhiệm, khẳng định nguyên nhân cá chết là do nuôi dày đặc, không khoa học, việc xả thải không phải là nguyên nhân chính nên yêu cầu bác đơn của các hộ dân.
Tuy nhiên, HĐXX nhận thấy việc cá chết là có thật, báo cáo của cơ quan chức năng cũng hợp lệ. HĐXX cũng đã mời đại diện Viện Môi trường và Tài nguyên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham gia suốt quá trình diễn ra vụ kiện để giải thích, đối chất những thắc mắc của luật sư các bên nên 33 hộ dân được tuyên thắng kiện.
Vụ án vẫn chưa thể đi đến hồi kết bởi một số DN cho biết không đồng ý với bản án trên và sẽ kháng cáo lên TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
11 DN phải bồi thường thiệt hại cho 33 hộ dân là: Công ty TNHH Thủy sản Hòa Thắng, Công ty TNHH Thịnh An, Công ty TNHH Phước An, DNTN Phúc Lộc, DNTN Gia Hòa, DNTN Tân Thành, DNTN Trọng Đức, DNTN Đại Quang, DNTN Trung Sơn, DNTN Thương Thương, DNTN Đông Hải; đều có địa chỉ tại xã Tân Hải, huyện Tân Thành.
Rút đơn khởi kiện 3 doanh nghiệp
Theo thống kê, thiệt hại của người dân trong 3 đợt cá chết là 18,1 tỉ đồng. Căn cứ vào báo cáo của cơ quan chức năng, tại phiên tòa, người dân đã thay đổi số tiền khởi kiện từ 18,1 tỉ đồng xuống còn 13,8 tỉ đồng (tương đương với tỉ lệ đóng góp ô nhiễm của DN là 76,64%). Ngoài ra, trong quá trình hòa giải, người dân đã nhận tiền đền bù và rút đơn khởi kiện đối với Công ty TNHH Nghê Huỳnh và DNTN Mỹ Sương, với tổng số tiền bồi thường gần 300 triệu đồng. Trong quá trình diễn ra phiên tòa, các hộ dân cũng rút đơn khởi kiện DNTN Thành Đạt nên số tiền khởi kiện tiếp tục giảm còn 13,2 tỉ đồng.
Bài và ảnh: Ngọc Giang
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/nguoi-nuoi-ca-khac-khoai-cho-den-bu-20161223224854668.htm