Người nuôi cá nước lạnh cần cảnh giác trong mùa mưa lũ

Lào Cai có nhiều thuận lợi để nuôi cá nước lạnh. Tuy nhiên, với địa hình đồi núi dốc, người nuôi cá cũng cần để phòng sau những trận mưa lũ, nước bẩn tràn vào ao khiến cá chết hàng loạt.

Những bài học đắt giá

Năm 2020, thời tiết bất thường, mới giữa tháng 3 nhưng trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều trận mưa đá, mưa rào. Những cơn mưa này giúp nhiều diện tích rừng giảm nguy cơ cháy, diện tích nương đồi ẩm ướt để các loại cây trồng như lúa, ngô, đậu, lạc… sinh trưởng, phát triển. Tuy nhiên, với gia đình ông Lý Kin Sinh, thôn Nậm Pung, xã Nậm Pung (huyện Bát Xát) thì đó là một mối họa. Hàng tấn cá hồi lớn, nhỏ của gia đình ông đã chết trắng sau một trận mưa lớn.

Người dân vùng cao Bát Xát chăm sóc cá hồi.

Người dân vùng cao Bát Xát chăm sóc cá hồi.

Gia đình ông Lý Kin Sinh có 5 bể nuôi cá hồi tại thôn Kin Chu Phìn, xã Nậm Pung, mỗi bể rộng khoảng 100 m2. Khu vực bể nuôi nằm ở đầu nguồn nên nước khá đảm bảo, rất hợp để nuôi cá nước lạnh, đặc biệt là cá hồi. Từ năm 2018 đến nay, gia đình ông đã đầu tư hơn 700 triệu đồng xây bể nuôi, lắp đường ống dẫn nước, mua cá giống, thức ăn… Cuối năm 2019, gia đình ông đã bán khoảng 1 tấn cá thương phẩm, thu về 200 triệu đồng. Ông Sinh than thở: Dự định vào cuối tháng 4 xuất bán lứa cá mới, gia đình tôi sẽ thu về gần 1 tỷ đồng và bắt đầu có lãi. Ai ngờ sau một trận mưa, nước bẩn tràn vào bể khiến hàng tấn cá chết. Tôi phải nhờ gần 30 người thân và hàng xóm vớt cá lên, mổ sạch rồi bán, gỡ gạc được hơn 50 triệu đồng. Bây giờ gia đình tôi không biết lấy đâu ra tiền trả nợ ngân hàng.

Năm 2013, trận lũ quét kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của hơn chục người dân xã Bản Khoang (cũ), nay là xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa). Trận lũ cũng khiến hàng chục bể nuôi cá nước lạnh của người dân bị cuốn trôi; một số bể nuôi may mắn hơn chỉ bị nước bẩn tràn vào nhưng cũng khiến cá chết hàng loạt. Ông Chảo Duần Mềnh nhớ lại: Ngày ấy, ao nuôi cá của gia đình tôi tuy không bị lũ cuốn nhưng nước bẩn tràn vào cũng khiến một lượng lớn cá bị chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Chủ động theo dõi nguồn nước nuôi cá

Theo đánh giá của những người nuôi cá nước lạnh thì cá tầm, cá hồi thuộc loại khó tính. Nguồn nước để cá sinh trưởng, phát triển tốt phải luôn trong, sạch; ngưỡng nhiệt độ nước nuôi khoảng 4 - 24 độ C, nếu vượt qua ngưỡng 24 độ C cá sẽ bỏ ăn và chỉ sống được trong thời gian ngắn. Khoảng nhiệt độ tốt nhất để cá phát triển là 12 - 21 độ C.

Ông Lý Siu Dìn, thôn Kin Chu Phìn, xã Nậm Pung (huyện Bát Xát) đã nuôi cá hồi lâu năm cho biết: Các trang trại cá ngoài việc xây các bể nuôi cá giống nhỏ, bể nuôi cá hồi thương phẩm thì cần xây bể chứa nước và bể xử lý nguồn nước đầu vào. Đặc biệt, cần có hệ thống sục khí vì đây là một trong những yêu cầu cần thiết khi có sự cố xảy ra với nguồn nước. Thường xuyên theo dõi nguồn nước, nhất là những ngày trời mưa. “Khi phát hiện nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm, không đảm bảo, tôi lập tức khóa van nước dẫn vào bể, đồng thời dùng máy nén khí, máy bơm, trong bể mắc một số dây sủi để tăng lượng oxy hòa tan trong nước” - ông Dìn nói.
Ông Sí Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: Vào mùa mưa lũ, lượng nước đục, bẩn chảy xuống các khe suối rất lớn, có nguy cơ chảy vào khu vực nuôi cá của người dân. Trong khi đó, cá hồi, cá tầm thuộc loại khó nuôi, chỉ cần chất lượng nguồn nước thay đổi là chết hàng loạt. Vì thế, người nuôi cá cần thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết và kiểm tra khu vực đầu vào nguồn nước, chất lượng nguồn nước để có phương án xử lý kịp thời.

Trung Nguyên

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/nguoi-nuoi-ca-nuoc-lanh-can-canh-giac-trong-mua-mua-lu-z3n2020032714324116.htm