Người nuôi heo gặp khó

'Hiện giá heo dao động ở mức 40 ngàn đồng/kg, mức giá này chỉ bằng 1/3 so với thời điểm cách đây 2 năm. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đột biến, tính bình quân để có 1 con heo xuất chuồng, người nuôi phải đầu tư khoảng 3,5 triệu đồng tiền cám. Với giá bán hiện nay, mỗi con heo xuất chuồng, người nuôi phải bù lỗ gần 1 triệu đồng bởi còn chi phí con giống, tiền thuốc và công chăm sóc' - ông Vi Văn Thân ở ấp Hiệp Hoàn A, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh cho biết.

Mỗi con heo xuất chuồng thời điểm này, người nuôi lỗ gần 2 triệu đồng. Trong ảnh: Đàn heo gần 120kg của gia đình ông Vi Văn Thân vẫn chưa xuất chuồng vì giá xuống thấp

Càng nuôi càng lỗ

Vừa xuất bán lứa heo trọng lượng mỗi con 100kg với giá 38 ngàn đồng/kg, ông Vi Văn Thân cho biết: Thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, giá heo vẫn còn ở mức 65-70 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, thời điểm đó đàn heo chưa đủ trọng lượng xuất chuồng, chần chừ chưa bán thì nay giá heo đã giảm mạnh. Với mức giá khoảng 40 ngàn đồng/kg như hiện nay, người nuôi phải bù lỗ.

Ông Thân tính toán, lứa heo này gia đình ông đầu tư giống thời điểm giá còn cao, mỗi con giống từ 2-2,5 triệu đồng tùy trọng lượng. Từ khi nuôi cho đến khi xuất chuồng với trọng lượng 100kg, ông đã đầu tư khoảng 3,5 triệu đồng tiền thức ăn, khoảng 400 ngàn đồng tiền tiêm vắc xin phòng bệnh, điện, nước… mỗi con heo tính bình quân hết gần 6 triệu đồng chi phí, chưa kể công chăm sóc. Theo giá heo hơi hiện tại, 1 con trọng lượng 100kg gia đình ông bán được khoảng 4 triệu đồng, như vậy mỗi con heo thua lỗ khoảng 2 triệu đồng.

“Gia đình tôi đang còn 15 con heo thương phẩm, do giá thấp, tiếc của nên chưa bán. Hiện mỗi con trọng lượng lên đến 120kg, nếu xuất bán với giá như hiện nay, gia đình tôi lỗ trên 20 triệu đồng. Trong khi đó, nếu tiếp tục nuôi càng thêm lỗ nặng vì giá cám tăng cao, cùng với đó trọng lượng heo càng lớn, tiểu thương càng ép giá” - ông Thân buồn rầu nói.

Theo khảo sát, giá heo hơi hiện tại ở các địa bàn trong tỉnh dao động từ 38-42 ngàn đồng/kg (tùy loại). Mức giá này chỉ bằng 1/3 thời điểm cách đây 2 năm, thấp hơn cả trước thời điểm dịch tả heo châu Phi bùng phát. Anh Nguyễn Văn Hòa ở xã Lộc Hiệp, thương lái chuyên thu mua heo thịt cho biết: Thời điểm này, giá heo hơi đang lao dốc, với mức giá hiện tại, những trang trại quy mô lớn còn đỡ, đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì chấp nhận lỗ nặng.

Lý giải nguyên nhân giá heo xuống thấp, anh Hòa cho rằng: Thời điểm sau khi dịch tả heo châu Phi được khống chế, giá heo tăng chót vót, các trang trại, gia trại và chăn nuôi nông hộ đều tập trung tái đàn, do đó heo đến kỳ xuất chuồng khá nhiều. Thêm vào đó, số lượng thịt đông lạnh nhập khẩu từ các nước về còn tồn dư nhiều nên nguồn cung tăng cục bộ, đưa giá heo trong nước xuống thấp.

Giá heo xuống thấp, người nuôi lỗ nặng. Tuy nhiên, có một nghịch lý là giá thịt heo được bán cho người tiêu dùng vẫn còn ở mức cao. Thực tế này đã kéo dài nhiều năm nay và cho đến hiện tại. Cụ thể, thịt heo ở các chợ dân sinh vẫn dao động từ 80-120 ngàn đồng/kg tùy loại, mức giá này có giảm nhưng chỉ giảm “nhỏ giọt”. Nguyên nhân được cho là thịt heo từ người chăn nuôi đến tay người tiêu dùng phải qua quá nhiều khâu trung gian.

Mạo hiểm tái đàn

Sau gần 3 năm “trắng chuồng” bởi dịch tả heo châu Phi càn quét, gia đình ông Lộc Văn Oan ở ấp Hiệp Hoàn A, xã Lộc Hiệp đang sửa soạn lại chuồng trại để chuẩn bị tái đàn. Ông Oan cho biết: Sau khi đàn heo của gia đình bị dịch tả heo châu Phi, trong thời gian dài đã nhiều lần có ý định tái đàn nhưng do giá heo giống quá cao nên gia đình không đủ vốn. Thời gian trước, để có 1 con heo mẹ làm giống cũng phải đầu tư gần 10 triệu đồng, đối với heo con cũng phải mất trên 5 triệu đồng mỗi cặp. Gia đình làm nông, vườn rẫy ít, rất khó có số vốn lớn để tái đàn.

“Hiện giá heo thịt giảm, kéo theo giá con giống cũng giảm gần một nửa nên gia đình tôi đang mua tôn sửa lại chuồng trại để chuẩn bị tái đàn, lúc giá heo rẻ tranh thủ nuôi, hy vọng lúc xuất chuồng giá sẽ tăng trở lại” - ông Oan cho biết.

Dù lỗ nặng khi vừa bán đàn heo thương phẩm nhưng gia đình ông Vi Văn Thân vẫn quyết định giữ lại 2 đàn heo giống để nuôi. Ông Thân lý giải: “Từ trước đến nay, chăn nuôi là thu nhập chính của gia đình, trong khi con giống tự sản xuất được nên gia đình giữ lại một ít để nuôi. Lứa heo này, gia đình chỉ nuôi khoảng 30 con, với hy vọng đến khi xuất chuồng giá heo sẽ tăng trở lại để gỡ vốn cho lứa heo vừa qua”.

Lượng heo của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chủ yếu tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh. Dịch bùng phát, thành phố thực hiện giãn cách, các chợ đầu mối đóng cửa nên lượng thịt tiêu thụ giảm nhiều. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, các hoạt động kinh doanh ăn uống ngưng trệ, bếp ăn tập thể, trường học ngừng hoạt động nên nhu cầu tiêu thụ thịt heo giảm mạnh, điều này tác động khiến heo thịt khó tiêu thụ.

Anh NGUYỄN VĂN HÒA ở xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh

Theo thống kê của ngành chăn nuôi, 9 tháng năm 2021, tổng đàn heo trong tỉnh khoảng 2 triệu con, trong đó trên 90% số heo được nuôi trang trại. Đối với số heo của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ chiếm khoảng 10%, với tổng khoảng 157 ngàn con. Hiện giá heo thịt giảm, kéo theo giá con giống cũng giảm mạnh, đây là thời điểm nhiều người chọn phương án tái đàn để giảm chi phí con giống. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, người dân cần phải cẩn trọng khi chọn phương án tái đàn vào thời điểm này. Có tái đàn cũng cần chủ động thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí sản xuất, cần thiết hình thành chăn nuôi theo chuỗi, giảm rủi ro và thua lỗ. Bởi theo dự báo của các chuyên gia, giá heo thịt sắp tới có thể được cải thiện song chắc chắn sẽ không tăng nhanh, đột biến như thời gian qua.

Xuân Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/50/128271/nguoi-nuoi-heo-gap-kho