Người nuôi tôm còn đối diện nhiều khó khăn
Sản lượng tôm nuôi nước ta vẫn tăng, tuy nhiên, nghề nuôi tôm tiếp tục đối diện nhiều khó khăn, trong đó, có vấn đề dịch bệnh.
Theo Cục Thủy sản, sản lượng tôm 9 tháng năm 2024 đạt hơn 234 ngàn tấn, tăng hơn 1% so với cùng kỳ. Trong Hội thảo tham vấn giải pháp nuôi tôm hiệu quả các tháng cuối năm 2024, kết quả đánh giá sơ bộ triển khai Quyết định 79/QĐ-TTg giai đoạn 2018-2023” vừa được tổ chức tại Cà Mau, Cục Thủy sản cho biết, lợi thế của ngành tôm nước ta là có công nghệ chế biến tốt; có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng; thị trường rộng, với các hiệp định thương mại đã được ký kết.
Tuy nhiên, khó khăn gặp phải cũng không nhỏ, do: Giá thành sản xuất cao; Sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, liên kết lỏng lẻo và Hạ tầng chưa đồng bộ. Thực tế, giá thành tôm nước ta đang cao hơn, trong khi sản lượng, hiệu quả sản xuất thấp hơn, dẫn đến tôm nước ta khó cạnh tranh.
Tại Cà Mau, tỉnh có diện tích nuôi tôm đứng đầu cả nước, với khoảng 280.000 ha, sản lượng tôm 10 tháng năm 2024 ước đạt hơn 200 ngàn tấn, đạt 82% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 960 triệu USD, đạt khoảng 87% kế hoạch năm. Tuy nhiên, thực tế tại Cà Mau nhiều năm qua hạ tầng phục vụ phát triển nghề nuôi tôm còn thiếu và yếu; lợi nhuận của người nuôi cũng như doanh nghiệp đều thấp.
Còn Cục Thú y đánh giá, năm nay diễn biến thời tiết tiêu cực, khó dự báo tiếp tục diễn ra gây nhiều thiệt hại cho ngành nuôi trồng thủy sản, thường trực nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh. Thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản chủ yếu xảy ra đối với ngành hàng tôm nuôi nước lợ. Trong đó, hai loại bệnh hoại tử gan tụy và đốm trắng đã làm thiệt hại hơn 2.000/tổng khoảng 3.600 ha tôm nuôi bị thiệt hại của cả nước. Thời gian tới, vấn đề dịch bệnh, nhất là 2 loại bệnh vừa nêu vẫn là một trong những khó khăn của người nuôi tôm.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nguoi-nuoi-tom-con-doi-dien-nhieu-kho-khan-post1133070.vov