Người ở châu Âu ào ào bay sang Mỹ trước lệnh cấm bay
Liên minh châu Âu chỉ trích Mỹ đơn phương ra lệnh cấm bay mà không tham vấn EU trước.
Lệnh cấm bay từ châu Âu (trừ Anh) sang Mỹ sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 13-3 (giờ Mỹ), theo lệnh của Tổng thống Donald Trump nhằm ngăn ngừa sự lây lan dịch COVID-19.
Trong bối cảnh lệnh cấm bay từ châu Âu ông Trump đưa ra quá đột ngột, một lượng lớn dân Mỹ ở châu Âu và cả dân châu lục này vội vàng tìm cách mua vé sang Mỹ trước khi lệnh cấm bay được áp dụng, theo hãng tin Reuters.
Dân Mỹ vội vàng bay về
Ông John Eckard, 66 tuổi, kể lại chuyện của mình khi máy bay chở ông vừa hạ cánh xuống sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York (Mỹ) ngày 12-3.
Ông Eckard kể ông từ nhà ở New York sang thăm con trai ở TP Frankfurt (Đức). Tối 11-3, ông đang ngủ ngon tại nhà con trai thì 3 giờ sáng vợ ông từ Mỹ gọi điện sang báo tin “phải bay về ngay bây giờ”.
“Tôi lúc đó còn ngái ngủ nhưng vẫn phải vô ngay trang web của hãng Singapore Airlines. Tôi đoán tôi là người cuối cùng mua được chiếc vé cuối cùng, vì tôi ngồi ở cái ghế cuối của hàng cuối” - ông Eckard kể lại.
Ông Eckard nói ông “rất buồn” khi phải cắt ngắn chuyến thăm con và cháu trai nhưng cũng nói ông không còn cách nào khác vì sợ rằng lệnh cấm bay không chỉ kéo dài một tháng như lời ông Trump nói ban đầu mà sau đó sẽ còn kéo dài thêm.
“Tôi có thể sẽ phải ở lại thêm 30 ngày nữa nhưng tôi nghĩ nó có khả năng sẽ trở thành 60 ngày và cũng có thể tôi phải ở tới tận giao thừa năm mới” - ông Eckard nói với hãng tin AFP khi về tới sân bay John F. Kennedy.
Anh Peter Stults - chuyên viên thiết kế đồ họa 37 tuổi tại New York đi cùng chuyến bay với ông Eckard. Anh sang Đức để công tác kèm nghỉ dưỡng hai ngày trước khi ông Trump bất ngờ ra lệnh cấm.
“Tôi đã muốn ở lâu hơn nhưng không ngạc nhiên gì (về lệnh cấm bay - PV). Ở đây (Đức) người ta vẫn cho rằng chuyện đó (cấm bay) sẽ đến, chỉ là khi nào thôi” - anh Stults nói với AFP.
Nhiều người từ châu Âu trở về nói họ đã tưởng quang cảnh sân bay John F. Kennedy ở New York khi họ về chắc sẽ hỗn loạn lắm, ai dè vẫn tĩnh lặng.
Lượng người tại sân bay không đông mà còn ít hơn mọi ngày. Điều duy nhất khác với ngày thường, theo AFP, đó là có một số hành khách mang khẩu trang - điều khó thấy ở Mỹ.
“Trên máy bay người ta truyền tai nhau là chúng tôi sẽ phải lau người và được đo nhiệt độ khi máy bay hạ cánh nhưng mọi thứ vẫn yên tĩnh bình thường. Tôi đã tưởng quang cảnh sẽ náo loạn lắm” - AFP dẫn lời một hành khách trở về từ châu Âu.
Căng thẳng và mất ngủ, dân Mỹ và dân châu Âu tại sân bay Barajas ở Madrid (Tây Ban Nha) chầu chực chờ mua vé, đổi vé để được lên các chuyến bay cuối cùng về Mỹ.
“Nó (lệnh cấm bay) gây một sự hoảng loạn kinh khủng” - nữ sinh viên Mỹ Anna Grace lần đầu sang châu Âu du lịch cùng bốn người bạn đã phải vội vàng đổi vé từ Tây Ban Nha về thẳng Mỹ thay vì đến Pháp như lịch trình.
“Người thân và tất cả bạn bè đều nói chúng tôi phải quay về Mỹ. Chúng tôi đã ra sân bay từ 5 giờ sáng” - cô Grace kể.
Cô Grace đổi được vé nhưng bốn người bạn đi cùng cô thì không may mắn bang.
“Tôi đã phải đổi vé và bay sớm vì nếu không biên giới sẽ đóng cửa” - Reuters dẫn lời anh Miguel Paracuellos người Tây Ban Nha làm việc tại Mỹ.
Có khoảng 20 chuyến bay từ Tây Ban Nha sang Mỹ trong ngày 12-3.
Dân châu Âu cũng vội kéo sang Mỹ
Tại sân bay Barajas ở Madrid, bà Cristina Elvira người Tây Ban Nha đang phấn chấn chờ bay qua Mỹ.
“Chúng tôi may mắn có thể rời châu Âu” - bà Elvira nói.
Tây Ban Nha đang là nước có dịch lớn thứ ba châu Âu, sau Ý và Pháp.
Tại sân bay John F. Kennedy ở New York ngày 12-3 có cả một số du khách Đức, vội bay sang Mỹ trước thời hạn cấm bay.
Cặp vợ chồng trẻ Niklas và Sabrina Schwichtenberg quyết định không để lệnh cấm bay của ông Trump làm ảnh hưởng kế hoạch du lịch của mình.
“Khi nghe thông báo chúng tôi cực kỳ lo và kiểm tra lịch bay mình ngay. Khi thấy các chuyến bay của mình không bị hủy, chúng tôi nghĩ cứ cố thử tới đó xem có được không. Và cho tới khi ra khỏi khu kiểm soát nhập cảnh, chúng tôi cũng chưa dám chắc 100% mình được phép vào Mỹ” - người chồng Schwichtenberg nói.
Cặp vợ chồng nói họ hy vọng sẽ có một tuần vui vẻ ở Mỹ nhưng cũng chuẩn bị tâm lý chuyến du lịch mùa dịch sẽ không được trọn vẹn vì khả năng lớn nhiều điểm tham quan sẽ đóng cửa.
Nhiều dân châu Âu cũng bất an, không biết điều gì sẽ đến khi họ qua Mỹ.
Từ Mỹ về châu Âu cũng không dễ
Cặp đôi Schwichtenberg cười to khi được hỏi liệu có lo lắng cho chuyện quay lại Ý hay không: “Đó là vấn đề sắp tới của chúng tôi. Chúng tôi sẽ nghĩ tới vào tuần tới”.
Tuy nhiên, cũng tại sân bay John F. Kennedy, cặp đôi Oskar và Juliane cũng đến từ Ý tỏ ra lo lắng về chuyện khi nào họ được về nhà. Cả hai từ Ý đến Mỹ trước khi ông Trump ra lệnh cấm bay và vé về Ý của họ phải tới tuần tới. Ngày 12-3, cặp đôi đến sân bay để tìm hiểu thông tin liệu họ có đổi vé bay sớm hơn trước khi lệnh cấm bay có hiệu lực hay không.
“Chúng tôi đến đây để lấy thông tin vì đường dây nóng luôn bận. Không biết chuyện gì sẽ xảy ra làm người ta bực bội và lo lắng” - anh Oskar chia sẻ với AFP.
Tại sân bay Dulles ở thủ đô Washington, ông John Gover - người gốc Anh nhưng sống ở miền Nam Pháp cùng vợ - chờ đợi và hy vọng sẽ có được chiếc vé cuối cùng để bay về Nice (Pháp).
“Chúng tôi có chuyến bay vào tuần tới nhưng vì không có nhiều chuyến bay tới đây và chúng tôi lo rằng sẽ không có bất kỳ máy bay nào quay lại” - ông Gover lo lắng.
Châu Âu phản đối lệnh cấm bay của ông Trump
Khi ban hành lệnh cấm, ông Trump nói ông phải quyết định thế vì Liên minh châu Âu (EU) đã không có biện pháp quyết liệt để ngăn đà lây lan của virus. Lệnh cấm của ông Trump không áp dụng với công dân Mỹ.
Tuy nhiên, anh Paracuellos, người Tây Ban Nha làm việc tại Mỹ, cho rằng lệnh cấm bay của ông Trump là “vớ vẩn”, rằng ông Trump không công bằng khi không chịu nỗ lực chống dịch trong nước mà đổ lỗi cho bên ngoài - trong trường hợp này là châu Âu.
Theo Reuters, tuyên bố cấm bay từ châu Âu của ông Trump không những ảnh hưởng đến kế hoạch đi lại của hàng chục ngàn người mà còn làm trầm trọng hơn chuyện kinh doanh của các hãng bay vốn đã rất khó khăn trong mùa dịch, chưa kể làm xấu hơn quan hệ của Mỹ với EU.
Ngày 12-3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cùng ra tuyên bố chung thể hiện sự không đồng tình với lệnh cấm bay của Mỹ vốn được quyết định đơn phương và không có sự tham vấn nào. Tuyên bố cũng khẳng định EU đang thực hiện các biện pháp mạnh để hạn chế đà lây của virus.