Người ở lại
1 Cơ duyên đầu tiên của tôi với Dạ - đứa em nuôi duy nhất, đến trong một bữa mưa dầm tháng 6. Ðơn vị vừa hành quân qua một đoạn đường dài và dừng chân nghỉ đêm ở một ngôi làng hoang tàn vì pháo giặc. Lác đác một vài thanh niên trở về thám thính tình hình. Bằng mớ tiếng Việt pha Khmer lơ lớ, họ kể rằng làng vừa xảy ra một cuộc giao tranh, và quân Khmer đỏ đã không nương tay trút những loạt pháo vào ngôi làng, kể cả những ngôi chùa mà nhiều người dân chạy vào trú ngụ.
1 Cơ duyên đầu tiên của tôi với Dạ - đứa em nuôi duy nhất, đến trong một bữa mưa dầm tháng 6. Ðơn vị vừa hành quân qua một đoạn đường dài và dừng chân nghỉ đêm ở một ngôi làng hoang tàn vì pháo giặc. Lác đác một vài thanh niên trở về thám thính tình hình. Bằng mớ tiếng Việt pha Khmer lơ lớ, họ kể rằng làng vừa xảy ra một cuộc giao tranh, và quân Khmer đỏ đã không nương tay trút những loạt pháo vào ngôi làng, kể cả những ngôi chùa mà nhiều người dân chạy vào trú ngụ.
Ðêm xuống, mưa lắc rắc làm cây lá lao xao. Khó mà đoán được rạch ròi những âm thanh trong mớ hỗn độn tiếng mưa và tiếng lá. Tôi đã chìm vào giấc ngủ sâu, nhưng sao vẫn nghe mồn một tiếng rên rỉ từ xa xa vọng lại, lúc dày lúc thưa. Tiếng rên ngày một rõ ràng hơn, làm cả đơn vị hoang mang. Ðến khi mọi người ai cũng nghe thấy cả, thì biết chắc rằng không phải ma rừng nhát, mà là tiếng người. Những khẩu súng được cầm chắc hơn. Thật tình lúc ấy, tôi vẫn chưa phân định rõ rành đây là tiếng quỷ ma hay tiếng của bọn trinh sát Khmer đỏ?
Lần vào trong ngôi tháp thì phát hiện ra một đứa trẻ khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, tóc bết lại, mặt mày xanh xao; tay nó đang ôm lấy đầu gối, rọi đèn vào kỹ mới thấy lúc nhúc những con giòi trăng trắng rợn người. Ðứa trẻ hốt hoảng gọi “mẹ ơi, mẹ ơi”. Tôi cố gắng trấn an nó, đứa trẻ dần bớt đi sự lo âu. Rất lâu sau nó mới nói được rằng đã trốn ở đây ba ngày, chỉ ăn lá cây mà sống. Hơi thở nó như cũng bết lại, loãng ra, chìm đi trong tiếng mưa tầm tã.
Anh em trong đơn vị thay nhau cõng đứa trẻ về trạm quân y đóng cách đó vài cây số. Hơn tuần sau, khi vết thương đã lành và đứa trẻ đã tỉnh táo hơn, nó kể với tôi rằng nó tên Chau Dạ, là đứa con lai, cha Khmer, mẹ là người Việt. Cha mẹ nó trú trong chùa, bị pháo dập. Nó may mắn sống sót và đã lôi xác cha mẹ đem ra phía sau chùa chôn, rồi trốn trong ngôi tháp. Sức sống lạ kỳ của đứa trẻ bị thương và đói khát suốt gần ba ngày làm tôi cảm thấy vừa đau xót vừa thương cảm.
2 Mấy hôm sau thì Dạ trở về làng. Sáng đó nó về thì trưa đến, một vị sư dắt tay Dạ đến nơi chúng tôi. Sư đứng trang nghiêm, Dạ bỗng quỳ xuống: Xin hãy nhận Dạ vào đơn vị để nó có được miếng cơm và khôn lớn. Tôi đỡ Dạ đứng dậy, lòng nặng trĩu.
Câu chuyện được tôi trình bày với thủ trưởng, suy nghĩ hồi lâu, thủ trưởng nói, thôi cứ nhận nó vào, dù sao Dạ biết nói cả hai thứ tiếng thì cũng đỡ đần cho đơn vị. Tôi nhận Dạ làm em nuôi, làm hồ sơ lý lịch cho Dạ được mấy hôm thì đơn vị có lệnh chuyển quân. Lúc ra đi, Dạ cứ nhìn mãi lại phía sau lưng, nơi ngôi làng quê nội với những cây cổ thụ bị pháo chém cụt đầu, những ngôi tháp cổ uy nghiêm bị đạn bắn nham nhở và ngôi chùa linh thiêng giờ thành đống gạch đá nằm im lìm như đang ôm bao nỗi niềm hóa khói.
3 Dạ theo đơn vị cũng gần một năm, bắt đầu trổ mã, cao lớn và dạn dĩ. Dạ có trí nhớ lạ thường về những nơi nó đi qua. Dạ cũng là đứa gan góc, không ngại gian khổ cũng không sợ đau đớn. Có lần nó đánh con rắn hổ mây dài gần hai thước, khi con rắn đã ngoạm vào tay, nó vẫn cố cầm, đập đầu con rắn vào đá cho đến chết, rồi xách con rắn về đơn vị. May mà anh em đưa nó đến nhà ông thầy thuốc trong núi gần đó điều trị suốt cả tuần mới cứu sống được nó.
Mấy hôm ở nhà ông thầy thuốc, Dạ nằm như chết, rên rỉ gọi tên tôi. Nó vẫn mấp máy môi nhưng đôi khi chỉ hớp được chút cháo anh em trong đơn vị mang cho. Cha con ông thầy tận tình chăm sóc đến lúc Dạ khỏe hẳn. Nó vẫn thường hay nói, đời nó mang ơn đơn vị và ông thầy thuốc không biết bao giờ mới trả hết được.
Dạ còn có cảm tình đặc biệt với cô con gái của ông thầy thuốc. Tôi biết chuyện, nửa mừng vui mà cũng nửa lo âu. Tối nằm ngủ bên cạnh, tôi nói với Dạ, “chinh chiến đang hồi đổ lửa, anh Hai cũng lo cho mầy, ráng đến khi yên bình rồi, anh sẽ cưới vợ cho mầy, sẽ làm đám đàng hoàng tử tế”. Dạ im nhưng qua đôi mắt sáng rực, tôi tin lòng nó đang mừng vui như lượm được vàng.
Sau đó không lâu đơn vị lại chuyển quân. Lần này chúng tôi đóng quân gần một mé rừng. Nơi đây địa hình tương đối phức tạp. Có vẻ như cảm thấy điều gì đó bất an trong lòng, Dạ nói với tôi rằng, nó thấy bụng cứ lo lo. Nhưng nó không sợ hãi. Dạ tin rằng chiến thắng sẽ không xa.
Không lâu sau khi đến đây, Dạ đi công tác xa trở về qua suối, nó và hai chiến sĩ khác bị phục kích. Dạ may mắn thoát chết. Nó cõng từng người đưa ra đến mé rừng rồi về đơn vị báo tin. Trời chạng vạng tối, chúng tôi làm thủ tục mai táng anh em ở tại mé rừng. Dạ vừa khóc vừa đào huyệt, những giọt nước mắt rơi không thôi trên lòng đất lạnh.
Sau lần đó, Dạ có những biểu hiện khác lạ. Nó ít nói hơn, dường như đang giấu kín một nỗi niềm gì đó. Cứ mỗi khi cơn mưa rừng đến là Dạ lại lặng im không nói lời nào. Ðôi mắt nó đăm chiêu như giấu kín điều gì đó. Tôi càng để ý Dạ, thì nó lại càng né tránh tôi nhiều hơn. Một lần nửa đêm, khi đơn vị đã ngủ hết, tôi thấy Dạ và Hùng, cũng cùng trang lứa với nhau, ra khỏi lán. Lần đi theo, tôi nghe được trong cuộc trò chuyện đó, hai đứa rủ nhau trốn về xuôi, về nơi nhà ông thầy thuốc núi. Lòng tôi như lửa đốt, giận nhưng cố gắng kiềm chế để tìm cách giải quyết. Nhưng chưa kịp làm gì thì gần sáng hôm sau, đơn vị bị phục kích trước giờ chuyển quân không lâu.
Trận đụng độ bất ngờ, cả hai bên đều có thương vong. Hùng bị thương ở gần tim, tắt thở ngay trên tay Dạ. Hai đồng chí khác cũng hy sinh. Ðơn vị được lệnh tiến công truy quét. Dạ xin tôi cho ở lại cùng các anh em Ban Chính sách để chôn cất Hùng. Tôi đồng ý, Dạ hứa chôn cất Hùng xong, nó sẽ tìm cách trở về đơn vị ngay. Lòng tôi cũng có chút lo âu, nhưng giao Dạ lại cho Ban Chính sách ở phía sau, tôi cũng phần nào yên lòng.
Nhưng ròng rã suốt cả mấy tháng sau, khi tôi trở lại mé rừng, một hàng mộ cỏ đã phủ xanh, nhưng vẫn không tìm được tin tức gì về Dạ. Anh em Ban Chính sách nói, hôm đó chôn cất vừa xong thì bị một đám lính Khmer đỏ phục kích. Anh em không chống trả được nên phải rút nhanh. Trong lúc đêm đen và bị đánh úp, chỉ có duy nhất cái len (cái xẻng) của đơn vị, Dạ đã biến mất một cách lạ kỳ!
Tôi giận Dạ vô cùng, tại sao Dạ lại đào ngũ ngay lúc này? Tôi quyết tâm trước ngày về nước, tìm về nơi ông thầy thuốc trong núi. Nhà ông vừa mới gả đứa con gái đi xa. Ông nói con ông theo chồng về U Minh Miệt Thứ xa xôi lắm, ông cũng không biết rõ nơi đó là ở đâu. Còn Dạ, ông quả quyết rằng sau lần khỏi bệnh trở về đơn vị, Dạ chưa hề đến đây. Mặc dù trước ngày cưới, con ông có nhờ người nhắn gửi mời Dạ về chơi, nhưng nó vẫn bặt tăm. Và mọi tin tức về Dạ kể từ đó như một sợi dây bị cắt đi một cách phũ phàng ngang trái.
4 Bốn mươi năm sau ngày Dạ rời đi, tôi và anh em Ban Chính sách năm nào có chuyến trở về chiến trường xưa, để tìm và đưa anh em mình về Ðất Mẹ. Dấu vết mé rừng xưa không còn bất cứ manh mối nào; bởi con đường lộ lớn được mở ngang qua, và nhà cửa đông đúc. Cứ nghĩ rằng sẽ bó tay, nhưng lần mò suốt mấy ngày cũng ra thông tin rằng khi làm đường lộ, người ta có đụng trúng một bộ hài cốt chôn trong mấy lớp ni-lông dầu. Lần theo hướng người dân chỉ, đào kiếm suốt cả tuần thì tìm được anh em. May mắn rằng có ngôi mộ chôn cùng một lọ thuốc đựng tờ giấy ghi thông tin của Hùng. Ðoán ra được Hùng, nhờ vậy mà theo sơ đồ mới xác định được các anh em còn lại. Nhưng không ai biết, ai đã để vào túi áo Hùng lọ thuốc trong đêm tối mịt mù hôm đó?
Ðem bốn bộ hài cốt về đến trại thì trời đổ mưa. Lòng tôi chợt dậy lên những cảm xúc khó tả. Trong mớ cảm xúc đó, nỗi nhớ Dạ thường trực và ám ảnh lòng. Tôi bỗng thấy giận nó vô cùng. Ðêm càng về khuya, gió càng xào xạc, tôi thiêm thiếp đi vào giấc ngủ. Trong chập chờn sáng - tối, Dạ từ đâu bước đến, đứng trước võng của tôi, hai tay khoanh trước ngực, áo quần bê bết đất:
- Dạ, em thưa anh Hai mới lên. Anh Hai lên đây mấy hôm, mà nay em mới dám đến thăm.
Không hiểu sao tôi lại không quát nạt Dạ, như tôi từng nghĩ mình sẽ quát nó một trận khi gặp. Tôi hỏi:
- Mầy đi đâu mà anh Hai tìm mầy suốt mấy chục năm trời không gặp?
- Dạ, em vẫn ở đây chờ anh Hai - Im lặng hồi lâu, Dạ nói tiếp:
- Anh Hai lên đưa anh em về, sao anh không đưa em về?
Tôi ngồi bật dậy, hỏi Dạ:
- Mầy ở đây mà ở đâu, sao anh Hai tìm không gặp.
Dạ nói, “Dạ, em ở vườn cam!”. Tôi bỗng nổi giận:
- Mầy xạo, ở đây làm gì có vườn cam.
Dạ đứng đó nghe xong thì cúi mặt rồi từ từ tan biến vào mầu xanh rêu, mầu của núi rừng, mầu của áo Dạ, mầu của áo tôi, mầu của tấm cao-su giăng làm trại… Lúc đó tôi mới phát hiện rằng mình vừa qua một cơn mơ. Giật mình nhìn ra ngoài thấy trời đã mờ sáng.
Tôi lâng lâng ý nghĩ về Dạ, và mang một nỗi hy vọng lạ kỳ. Tôi hỏi bà con ở xóm, rằng ở quanh đây có vườn cam nào không? Người ta chỉ rằng phía trước, cách đây hơn một cây số, năm xưa có một vườn cam.
Tôi tìm đến được chỉ thấy một ngôi nhà khang trang với hàng rào khép kín. Chủ nhà là một ông lão ngoài bảy mươi. Nghe tôi kể lại chuyện giấc mơ, mắt ông mở to, trầm ngâm hồi lâu, rồi ông kể lại rằng: Ông có biết một người lính hy sinh ở vườn cam. Khi ông đến đây lập nghiệp sau chiến tranh khoảng ba, bốn năm thì xác ấy đã khô mà trên tay vẫn còn cầm cái len, lá cam bỗng dưng rơi đầy trên xác người lính như ngôi mộ lá. Ông cảm thương, đem xác ấy chôn ở ngay chỗ mộ lá phủ lên…
Mở những lớp đất lên, Dạ ở đây chứ ai. Chiếc len có khắc tên đơn vị và Dạ trong bộ đồ năm nào, chiếc áo trắng Dạ vẫn hay mặc, tay áo xắn cao. Và ở bờ ngực áo của Dạ, có một hũ thuốc, phía trong là một tờ giấy ghi họ tên và đơn vị. Hộp thuốc và chữ viết y hệt chiếc hộp ở mộ Hùng! Cũng nơi túi áo bờ ngực trái có một đầu đạn xuyên qua, vẫn còn đó ghim trong xương nhiều năm bị rễ cây ôm chặt…Tôi ngước mặt về phía núi, nơi đơn vị năm xưa tiến quân, thảng thốt gọi “Dạ ơi!”.
Hình như có tiếng Dạ đáp lại: “dạ, dạ...”, như nó vẫn ở lại nơi đây, đáp lời núi sông đồng vọng.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/truyen-ngan/nguoi-o-lai-621733/