Người ở quê ăn bữa cơm mười mấy ngàn, dân văn phòng một ngày chỉ tiêu 70k để tiết kiệm
Mỗi người có cách giải bài toán tiết kiệm khác nhau. Dù là ở nông thôn hay thành phố, ai cũng cần có những khoản tiền dự phòng cho trường hợp rủi ro.
Không kể là ở quê hay thành thị, dù ở đâu bạn cũng phải học cách tiết kiệm để kéo bản thân ra khỏi tình trạng rỗng túi cuối tháng. Tiết kiệm mang tính cá nhân rất cao, vì nó còn phụ thuộc vào hoàn cảnh, nhu cầu và thu nhập. Nhưng dù bạn là ai, đang trong hoàn cảnh nào thì hãy luôn có cho mình một khoản phòng thân để phòng ngừa rủi ro bất chợt ập đến.
Lương 10 triệu cũng cố gắng tiết kiệm 1/3
Mây Mây (25 tuổi, Hà Nội) từng trải qua khoảng thời gian cứ nhận lương là hết. Bản thân cô nàng cũng thường xuyên mệt mỏi vì vấn đề cân đo đong đếm làm sao cho đủ.
"Trải qua khoảng thời gian cứ nhận lương là hết, bản thân mình mệt mỏi vì chuyện tiền nong cuối tháng. Động lực đó giúp mình cố gắng hơn trong việc tính toán chi tiêu. Lựa chọn chuyển sang căn phòng trọ nằm ở vùng ven ngoại thành với mức 1,5 triệu/tháng, giúp mình nhẹ nhõm hơn với số tiền thuê nhà gấp đôi trước đó. Mình cũng chỉ phải nuôi bản thân thôi, nên chỉ cần tiết chế chính mình lại, không tụ tập, không ăn chơi, chi tiêu dè xẻn thêm chút, thì lương 10 triệu/tháng cũng để được tầm 3 triệu."
Có những tháng, đỉnh điểm Mây Mây còn tiết kiệm được 6 triệu, khi mà cô nàng chỉ chi trả tiền nhà và tiền ăn: "Đây là thời điểm tiền mình làm ra chỉ cần lo cho cuộc sống của mình, không cần phụ ba mẹ."
Trong tất cả các khoản chi tiêu của mình, Mây cho biết tốn kém nhất là tiền phòng trọ. Với mức lương nhận được là 10 triệu/tháng, cô nàng đã lựa chọn nhà thuê rẻ bằng 1 nửa so với hồi còn được ba mẹ chu cấp. Theo đó, những khoản chi tiêu khác như mua sắm hoặc ăn uống, cô cũng hạn chế lại rất nhiều: Tiền ăn ngoài gấp đôi so với việc tự nấu ăn, nên dù có bận đến đâu, Mây cũng cố gắng để nấu được những bữa cơm nhà. Vừa tiết kiệm lại đủ dinh dưỡng. Còn khoản ăn mặc, vì là con gái nên cũng cần gọn gàng sạch sẽ. Cô nàng theo đuổi phong cách tối giản, một năm chỉ có khoảng chục bộ quần áo phù hợp xuân hạ thu đông. Khoản cuối cùng là chi tiêu cho những mối quan hệ chất lượng. Đây có thể nói là khoản tiền đầu tư có thể đẻ ra tiền nên cô nàng không cắt giảm.
Dân văn phòng tiêu 70k/ngày: Không cafe, không tiêu tiền cho nhu cầu vật chất
Quốc Khánh (1999, Hà Nội) cho biết: "Mình đang hạn chế những chi tiêu không quá cần thiết trong cuộc sống trong thời gian vừa qua."
Thay vì uống cafe, Khánh chọn uống 1 ly nước chanh tươi vào buổi sáng để tỉnh táo hơn, làm việc có giờ giấc, chăm tập thể dục để không còn mệt mỏi và học cách ăn uống lành mạnh. Bây giờ, cuộc sống của Khánh gần như không cần phụ thuộc vào bất cứ thứ gì: cafe, quần áo, phụ kiện hay những món đồ,... những thứ chi phối cuộc sống của anh chàng trước đây.
Đây cũng là cách giúp Quốc Khánh tối giản chi tiêu từng ngày. Có ngày Khánh chỉ tiêu hết 70k khi chưa tính tiền sinh hoạt cố định như điện nước nhà cửa (vì khoản này đã được tính riêng): 1 cốc smoothie đầy đủ chất dinh dưỡng chỉ tốn khoảng 20k tự làm ở nhà; 1 bữa ăn trưa tự tay chuẩn bị đủ dinh dưỡng chỉ khoảng 30k, buổi tối thường sẽ ăn nhẹ bằng rau củ quả và sinh tố để nhẹ bụng, quy ra tiền thì khoảng 20k nữa. Rau củ do bố mẹ gửi lên.
Quốc Khánh cũng phân chia chi tiêu thành từng khoản khác nhau: Chi phí cố định - Chi phí biến đổi - Tiết kiệm và Đầu tư. Trong đó:
- Chi tiêu cố định cho tiền nhà, tiền điện, internet, tiền phòng tập, các chi phí phát sinh khác là 1/3 thu nhập.
- Chi phí biến đổi là những khoản như gặp gỡ bạn bè, đám đình hay bất chợt cần dùng đến tiền mà không có ở tháng trước: Khoản này cũng chỉ tiêu trong 1/3 thu nhập. Nếu không cần đụng đến, Khánh sẽ chuyển sang "Tiết kiệm và Đầu tư".
Chia đều tiền lương làm 3 phần giúp Khánh quản lý tài chính cá nhân tốt hơn hẳn.
Lương có thấp thế nào cũng luôn phải có khoản dự phòng xa
Không sống ở thành phố như Mây hay Khánh, nhưng chị Mè Ngọc (Thái Bình) với mức lương dao động từ 3-5 triệu/tháng vẫn luôn có cách quản lý chi tiêu của mình. Thậm chí, chị luôn chuẩn bị 1 khoản tiền để dành dự phòng cho rủi ro tương lai.
Chị Ngọc cân đối cho sinh hoạt phí gia đình như sau:
“Nhận lương về một cái là mình phải để riêng những khoản cố định. Ví dụ như: 3,3 triệu thì phải để riêng ra 2 triệu: Tiền ăn của con 700k, tiền thuê đón con 500k, 800k là tiền ăn thêm ở nhà, vì các bé cần có chế độ ăn riêng cho đủ chất. Còn lại 1,3 triệu đồng mình lo sắm sửa những món đồ thiết yếu như mắm, muối, mì chính, dầu ăn,... Sau khi sắm sửa đồ dự phòng, còn bao nhiêu thì mình mới tính đến ăn uống hàng ngày. Rồi điều chỉnh số tiền cho phù hợp."
Vì ở quê nên cuộc sống đơn giản, không có quá nhiều nhu cầu vật chất phải chạy theo. Những bữa cơm của chị Ngọc tính ra cũng chỉ mười mấy ngàn. Vì đa số nguyên liệu đều có sẵn. Ví dụ như mâm cơm chỉ tốn 2k: Mua một mớ rau mồng tơi để nấu canh tép, tép thì được cho nên không tốn tiền, mà lúc nào không có tép thì ăn canh không, cá dưới ao, gừng tự trồng. Tất nhiên đây là chi phí chưa kể điện, nước hay công nấu, vì chị Ngọc cũng không biết tính thế nào cho chính xác.
Mỗi người ở một hoàn cảnh và môi trường khác nhau, nên chi tiêu và tiết kiệm theo đó cũng cân đo làm sao để phù hợp với thu nhập. Dù mức lương hàng tháng không nhiều, nhưng chị Ngọc vẫn luôn dành ra một ít để tiết kiệm: "Có tháng làm nhiều thì mức lương nhận được cao hơn, khoảng 5-6 triệu. Lúc này mình sẽ có dư để tiết kiệm từ vài trăm đến 1 triệu." Đây là khoản tiền dự phòng chị dùng cho những trường hợp khẩn cấp.
Cách chi tiêu và tiết kiệm của chị Ngọc cho thấy: Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Dù thu nhập bao nhiêu cũng có cách cân đối cho mọi hoàn cảnh!