Người phát ngôn nói về việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP

Phóng viên đề nghị Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng bình luận về việc Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) lần lượt xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao tổ chức theo hình thức trực tuyến chiều 23-9, phóng viên đề nghị Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng bình luận về việc Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) lần lượt xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh CPTPP là hiệp định thương mại tự do mở, với các cam kết toàn diện nhằm thúc đẩy kinh tế-thương mại giữa các nước thành viên.

Việc CPTPP được các nền kinh tế khác quan tâm và mong muốn trở thành thành viên cho thấy vai trò ngày càng tăng của Hiệp định trong thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế-thương mại khu vực và quốc tế.

Theo các quy định về thủ tục liên quan, các nền kinh tế muốn gia nhập CPTPP cần đáp ứng các tiêu chuẩn của hiệp định như tuân thủ các quy trình, thủ tục gia nhập đối với các thành viên mới.

"Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của mình với Trung Quốc về việc tham gia hiệp định này"- bà Hằng cho biết.

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, ông Wang Wentao hôm 16-9 cho biết nước này chính thức đệ đơn đăng ký làm thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Wang Wentao đã gửi đơn gia nhập CPTPP đến Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết ông Wang và ông O'Connor đã có cuộc điện đàm thảo luận về các bước tiếp theo sau đó.

CPTPP được 11 quốc gia ký kết vào năm 2018, gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Ban đầu, hiệp định có tên là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và được xem là đối trọng kinh tế quan trọng đối với ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc.

TPP khi đó được xem là trọng tâm của Mỹ khi cựu Tổng thống Barack Obama xoay trục chiến lược sang châu Á. Tuy nhiên, người kế nhiệm ông, cựu Tổng thống Donald Trump, đã rút Mỹ khỏi hiệp định vào năm 2017.

Theo hãng tin Reuters, việc gia nhập CPTPP sẽ là một động lực lớn đối với Trung Quốc sau khi ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia vào năm ngoái. Anh và Thái Lan cũng đã có dấu hiệu cho thấy quan tâm đến việc tham gia CPTPP.

Động thái đăng ký gia nhập của Trung Quốc theo sau động thái tương tự của Anh hồi tháng 1.

Về việc Đài Loan (Trung Quốc) xin gia nhập CPTPP, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho lưu ý lại rằng CPTPP là một hiệp định thương mại tự do mở. Các thành viên CPTPP đã thống nhất những quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình và thủ tục gia nhập. Việt Nam sẽ tham vấn chặt chẽ với các thành viên khác của CPTPP về các đề nghị tham gia hiệp định này.

Trước đó, truyền thông Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, vùng lãnh thổ này chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và việc này sẽ được công bố công khai vào hôm nay 23-9.

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nguoi-phat-ngon-noi-ve-viec-trung-quoc-xin-gia-nhap-cptpp-20210923163617043.htm