Người phụ nữ bảo tồn nghề dệt thổ cẩm Mường

Đến làng Nhỏi, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) hỏi thăm cơ sở sản xuất thêu dệt hàng thổ cẩm dân tộc Mường Bảo Hằng, người dân ở đây ai cũng vui vẻ chỉ đường. Chủ cơ sở là bà Phạm Thị Bảo, người phụ nữ đã có nhiều năm tâm huyết với công việc bảo tồn nghề dệt thổ cẩm Mường và có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Bà Phạm Thị Bảo luôn tận tình giúp đỡ chị em thêu dệt thành thạo.

Trong gian nhà chật hẹp nhưng được bố trí rất khoa học, cơ sở sản xuất thêu dệt thổ cẩm dân tộc Mường của bà Bảo hầu như lúc nào cũng đông kín các bà, các chị em đến làm việc. Lúc thì bà hướng dẫn cho người này, lúc lại chỉ bảo cho người kia, miễn sao ai cũng biết dệt, ai cũng biết thêu cho đẹp. Bà Bảo tâm sự:

“Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã luôn nhìn ngắm mẹ tôi ngồi bên khung cửi dệt. Năm lên 10 tuổi, mẹ đã dạy cho tôi những đường chỉ đầu tiên. Năm 16 tuổi tôi đã có thể ngồi vào khung cửi dệt. Lúc ấy tôi luôn tâm niệm đã là con gái Mường phải biết dệt thổ cẩm đẹp và may những bộ váy áo cho chồng con, và phải có của hồi môn trước lúc về nhà chồng. Nghĩ thế, tôi cứ mải miết trên khung cửi và tìm tòi những nét hoa văn mới, đường nét tinh xảo để thể hiện được sự duyên dáng, khéo léo của người con gái Mường. Càng đam mê với nghề dệt bao nhiêu, tôi lại càng lo lắng một ngày nào đó không xa nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình sẽ bị mai một. Bởi vậy, lúc nào tôi cũng trăn trở suy nghĩ tìm cách để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống trên đất Mường”.

Mong muốn của bà là thoát khỏi đói nghèo, lam lũ quanh năm, cùng với việc không muốn nghề truyền thống thêu dệt thổ cẩm của dân tộc mình bị mai một. Cùng lúc đó, Đảng, Nhà nước có chủ trương gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó có dân tộc Mường; đồng thời cũng là lúc nhu cầu ăn mặc đẹp theo kiểu truyền thống trong những ngày tết, ngày lễ, đám vui, đám buồn..., ngày càng phát triển, người dùng hàng thổ cẩm ngày càng nhiều. Nhìn thấy nhiều chị em có tay nghề đã được học từ cha mẹ, nhưng không có điều kiện để phát triển nghề do kinh tế khó khăn, vừa bỏ phí tay nghề vừa lãng phí thời gian nhàn rỗi. Từ thực tế trên, bà đã nảy ra ý tưởng sẽ đầu tư nguyên, vật liệu để khôi phục nghề dệt thổ cẩm. Bà bàn với gia đình, được chồng con ủng hộ, với số vốn ban đầu ít ỏi chỉ có 15 triệu đồng, chỉ đủ đầu tư cho 5 khung dệt. Bà vận động thêm 4 chị em có tay nghề nữa trong làng cùng với mình tham gia vào cơ sở sản xuất.

Những ngày đầu thành lập, cơ sở khó khăn trăm bề, do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất, khung cửi chưa có, nhưng vì lòng đam mê, bà vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ của mình. Muốn thoát khỏi đói nghèo cho mình và bà con dân bản thì càng phải quyết tâm đứng vững để làm. Có 5 người là có 10 bàn tay cần mẫn, khéo léo, làm ra các sản phẩm với đường kim, mũi chỉ tinh xảo, khéo léo và duyên dáng. Sản phẩm làm ra ngày càng đông khách đến mua. Bản thân bà vừa may, vừa dệt ra các thành phẩm và đem đi tiêu thụ ở các chợ vùng quê trong huyện. Bán được cái khăn thì khách lại hỏi mua thêm cái áo, vậy là bà lại làm bổ sung thêm để bán. Qua những lần đem ra chợ bán, bà lại tiếp xúc với nhiều khách hàng hơn, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của họ để bổ sung vào các mặt hàng còn thiếu.

Do kiên trì theo đuổi mục tiêu, sau 3 năm (2007-2010), bà đã tích góp được thêm 50 triệu đồng, có điều kiện đầu tư thêm các khung cửi dệt và nguyên liệu. Bà tiếp tục phối hợp với chị em phụ nữ trong làng và vận động thêm một số chị em chưa có tay nghề, vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành cho họ mà không thu học phí. Vừa dạy, vừa học, vừa làm, sản phẩm phong phú hơn, số lượng nhiều hơn, nhưng khó khăn nhất của bà lúc này là trả công cho lao động. Tay nghề không đồng đều, sản xuất thủ công nên tiến độ chậm. Nhưng rồi “cái khó ló cái khôn”, bà bàn với chị em vì lý do thực tế nên chỉ trả công cho chị em bằng sản phẩm làm ra và căn cứ trên chất lượng, số lượng của sản phẩm. Sản phẩm làm ra được phân công theo tay nghề, ai khéo công đoạn nào thì làm công đoạn ấy.

Chị Phạm Thị Thành, thành viên tham gia sản xuất vui vẻ cho biết: “Tôi đã gắn bó với cơ sở được 5 năm rồi. Chị Bảo dạy tôi từng bước, mắc từng cái khung cửi, rồi vận động chị em khác tham gia. Từ ngày tham gia vào công việc này, gia đình tôi có thêm thu nhập để chăm lo cho con cái ăn học đầy đủ. Song, bản thân tôi cũng mong muốn có thêm vốn để mở rộng diện tích cơ sở, có chỗ làm rộng rãi và đầu tư thêm các khung dệt cho chị em có việc làm”.

“Tôi làm công đoạn quay tơ và may các vỏ đệm ngồi tại cơ sở. Tôi mong muốn học được kỹ thuật thành thạo để đạt được mong ước của mẹ, cũng như gìn giữ và kế thừa được nghề truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời mong muốn ai cũng có thể học và làm được để nghề dệt không bị thất truyền”. Chị Phạm Thị Hải – con gái của bà Bảo chia sẻ.

Tiếng lành đồn xa, khách hàng tiêu dùng hàng thổ cẩm ngày càng đông lên, có khách mua về dùng, có khách mua sỉ để về bán lại. Thế là hàng ra - tiền vào, có lợi nhuận để trả công cho chị em hợp lý, tiền công tuy không nhiều nhưng cũng góp phần cải thiện cuộc sống, gia đình và giúp ích cho xã hội. Vì vậy, từ năm 2010 đến nay, số chị em tham gia cơ sở của bà đã lên tới 36 người, với mức thu nhập 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Một năm bình quân làm ra 700 - 800 sản phẩm, có thời điểm cao nhất lên tới 1.000 sản phẩm. Một số sản phẩm như: váy áo, chăn, gối, đệm, túi, khăn... bán khá “chạy”. Đặc biệt, các sản phẩm làm ra đều do bà tự tay thiết kế với nhiều mẫu mã đa dạng, bắt mắt. Với những đóng góp không nhỏ trong việc bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của địa phương, năm 2014 bà đã được bình chọn là hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã, huyện và cấp tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đã có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc giai đoạn 2009-2014. Năm 2015, bà được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng Bằng khen vì có sản phẩm xuất sắc tham gia Ngày Phụ nữ sáng tạo...

Ông Phạm Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Ngọc, cho biết: Chính quyền địa phương rất quan tâm đến việc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc và đưa nội dung này vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ này. Tới đây, trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xã sẽ chọn sản phẩm thêu dệt thổ cẩm để xây dựng thành sản phẩm OCOP của địa phương. Khi đó, chắc chắn sẽ phải nhờ đến sự đóng góp của bà Phạm Thị Bảo – chủ cơ sở sản xuất thêu dệt hàng thổ cẩm dân tộc Mường Bảo Hằng.

Bài và ảnh: Ngọc Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nguoi-phu-nu-bao-ton-nghe-det-tho-cam-muong/133359.htm