Người phụ nữ chèo lái nền kinh tế Nga

Chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina đã có hai lần chèo lái nền kinh tế bị đe dọa của Nga.

Theo New York Times, năm 2014, dù mới trải qua một năm nhậm chức, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina vẫn quyết định mạnh tay nâng lãi suất nhằm củng cố vị thế đồng RUB và giải quyết lạm phát. Động thái này nhanh chóng kiểm soát cơn sốt giá cả bất chấp rủi ro làm chậm nền kinh tế.

Với khả năng sử dụng chính sách chính thống để quản lý nền kinh tế đầy bất ổn và phụ thuộc nặng vào giá dầu, bà Nabiullina sớm nổi tiếng trong giới điều hành ngân hàng trung ương và được biết đến như một hoạch định gia đầy cứng rắn trên trường quốc tế.

Năm 2015, bà được tạp chí Euromoney vinh danh là Thống đốc Ngân hàng Trung ương của năm. Ba năm sau, Christine Lagarde, khi ấy là người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ca ngợi bà Nabiullina có thể làm cho “các ngân hàng trung ương trở nên nổi tiếng”.

"Bài thuốc" cho nước Nga

Một lần nữa, nhiệm vụ đưa nền kinh tế Nga vượt qua suy thoái và giữ nguyên vẹn hệ thống tài chính đang bị cô lập khỏi phần còn lại của thế giới lại nằm trong tay vị lãnh đạo này. Đứng trước hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây, bà đã dành nhiều năm để tăng cường khả năng phòng thủ tài chính cho đất nước.

Đối với đồng nội tệ, sau khi bốc hơi 1/4 giá trị chỉ trong vài ngày kể từ thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, ngân hàng trung ương đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát vốn, ngăn chặn dòng tiền chảy khỏi đất nước, sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán và làn sóng rút vốn ngân hàng.

Vào cuối tháng 4, Quốc hội Nga xác nhận vị lãnh đạo 58 tuổi sẽ giữ tiếp chức vụ thêm 5 năm (nhiệm kỳ thứ 3) sau khi được Tổng thống Vladimir Putin đề cử.

“Bà là minh chứng cho sự ổn định trong hệ thống tài chính của Nga. Việc tái bổ nhiệm mang giá trị biểu tượng”, Elina Ribakova, Phó kinh tế trưởng của Viện Tài chính Quốc tế, nhận xét.

 Vị nữ thống đốc (vest xám) có vị thế quan trọng trên thế giới. Ảnh: Reuters.

Vị nữ thống đốc (vest xám) có vị thế quan trọng trên thế giới. Ảnh: Reuters.

Trong cuộc khủng hoảng gần đây nhất, bà Nabiullina đã chuyển hóa thảm họa thành cơ hội.

Năm 2014, nước Nga hứng chịu hai cú sốc kinh tế lớn gồm giá dầu sụt giảm và các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây sau khi sáp nhập Crimea.

Để giải quyết việc đồng RUB suy giảm giá trị, vị lãnh đạo từ bỏ các chính sách truyền thống như dành dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ tỷ giá hối đoái. Thay vào đó, bà chuyển trọng tâm ngân hàng trung ương sang quản lý lạm phát, đồng thời nâng lãi suất lên 17%.

Chính sách nhanh chóng đưa nền kinh tế Nga bước vào cuộc suy thoái kéo dài một năm rưỡi. Song, đến giữa năm 2017, tỷ lệ lạm phát giảm mạnh xuống dưới 4%, mức thấp nhất trong thời kỳ hậu Xô Viết.

Thanh lọc ngành ngân hàng

“Bà ấy là hình mẫu của người đứng đầu ngân hàng trung ương hiện đại. Bà ấy đang làm những gì cần phải làm, ngay cả khi vấn đề đó gặp rắc rối liên quan đến chính trị. Hãy nhìn vào Thổ Nhĩ Kỳ mà xem”, Richard Portes, Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh London, cho biết việc can thiệp chính trị vào ngân hàng trung ương đã khiến lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ vượt khỏi tầm kiểm soát, đạt 70% trong tháng này.

Dưới sự lãnh đạo của bà Nabiullina, ngân hàng trung ương tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa. Đơn vị này cải thiện khả năng truyền thông bằng cách lên lịch cho những chính sách quan trọng, cung cấp hướng dẫn thực thi, gặp gỡ các nhà phân tích và công khai nội dung với phóng viên.

Bà ấy là hình mẫu của người đứng đầu ngân hàng trung ương hiện đại. Bà ấy đang làm những gì cần phải làm

Richard Portes, Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh London

Tại hội nghị thường niên ở St.Petersburg, ngân hàng trung ương đã thu hút các nhà kinh tế từ khắp nơi trên thế giới. Bản thân vị lãnh đạo này cũng tham dự nhiều cuộc họp quốc tế, bao gồm hội nghị chuyên đề thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hay hội nghị thường kỳ dành cho các thống đốc ngân hàng trung ương do Ngân hàng Quốc tế tổ chức ở Thụy Sĩ.

Bên cạnh thành tích về chính sách tiền tệ, bà Nabiullina còn nhận được nhiều lời khen ngợi nhờ thanh lọc toàn diện ngành ngân hàng. Trong năm đầu đương chức, bà đã thu hồi khoảng 400 giấy phép ngân hàng, khoảng 1/3 số ngân hàng ở Nga, nhằm loại bỏ các tổ chức yếu kém, hoạt động mờ ám.

Dưới thời ông Putin, bà là cố vấn kinh tế chính trong hơn một năm trước khi được bổ nhiệm vai trò thống đốc vào tháng 3/2013. Thời điểm ông Putin làm thủ tướng, bà cũng từng giữ chức bộ trưởng phát triển kinh tế.

Theo Sofya Donets, nhà kinh tế học tại Renaissance Capital, người từng làm việc tại ngân hàng trung ương từ năm 2007-2019, Nabiullina là người được chính phủ và tổng thống tin tưởng. Trong những năm gần đây, hầu hết vấn đề chính sách liên quan đến lĩnh vực tài chính đều được giao cho ngân hàng trung ương.

Bảo vệ nền kinh tế thời kỳ cô lập

Để bảo vệ các công ty trong nước và ngân hàng, nữ lãnh đạo này siết chặt hoạt động sử dụng USD cũng như khả năng tiếp cận USD của đất nước. Bà cũng chuyển tỷ trọng kho dự trữ trị giá hơn 600 tỷ USD của ngân hàng sang vàng, EUR và CNY.

Dưới nhiệm kỳ của Nabiullina, tỷ trọng USD trong kho dự trữ đã giảm từ 40% xuống 11%. Bên cạnh đó, bất chấp động thái đóng băng nguồn dự trữ ở nước ngoài của ngân hàng, Nga vẫn có đủ dự trữ vàng và CNY.

Song song, Nga cũng đưa ra các giải pháp thay thế hệ thống nhắn tin liên ngân hàng SWIFT, đồng thời thay đổi cơ sở hạ tầng thanh toán thẻ tín dụng trong nước sau khi những tổ chức cung cấp dịch vụ như Visa và Mastercard rời thị trường.

 Bà Nabiullina đang bảo vệ kinh tế Nga trước nguy cơ suy thoái. Ảnh: New York Times.

Bà Nabiullina đang bảo vệ kinh tế Nga trước nguy cơ suy thoái. Ảnh: New York Times.

Tuy vậy, các lệnh trừng phạt tài chính từ phương Tây buộc bà phải từ bỏ các chính sách kiềm chế lạm phát quen thuộc. Người đứng đầu ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất lên 20%, chặn dòng tiền chảy ra ngoài đất nước, đóng cửa giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch Moscow và nới lỏng các quy định cho vay đối với ngân hàng.

Bước đầu, các biện pháp này đã ngăn chặn thành công sự hoảng loạn của thị trường và giúp đồng RUB phục hồi. Tuy nhiên, về lâu dài, Nga vẫn đứng trước một cuộc suy thoái nghiêm trọng khi nền kinh tế bị cô lập.

“Chúng ta đang ở trong vùng nhiều bất ổn”, bà Nabiullina nhận xét.

Cuối tháng 4, ngân hàng trung ương hạ lãi suất xuống còn 14%. Động thái này được xem như cách giảm thiểu tác động kéo dài của các lệnh trừng phạt đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp khi lạm phát tăng nhanh và cải thiện chuỗi cung ứng.

Ngân hàng này dự báo lạm phát vẫn đang leo dốc và có thể đạt mức 23% hàng năm trong năm nay. Ngoài ra, nền kinh tế có thể giảm tới 10%.

Ngọc Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-phu-nu-cheo-lai-nen-kinh-te-nga-post1316043.html