Người phụ nữ có tấm lòng thiện nguyện

Tự mình bỏ ra một lượng tiền không nhỏ để xây dựng Trung tâm Bảo trợ, thu nhận những người già bệnh tật, tâm thần, cô đơn không nơi nương tựa và những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, bị bỏ rơi, mắc bệnh xã hội... về chăm sóc, nuôi nấng - Bà Nguyễn Thị Nguyệt lý giải cho những gì bà đã và đang làm là duyên nợ gắn với cuộc đời bà. Nhiều người thường ca ngợi bà là người đàn bà có tâm 'Bồ Tát'.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc Trung tâm bảo trợ Hường Hà Nguyệt nhận Bằng khen của UBND tỉnh nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc Trung tâm bảo trợ Hường Hà Nguyệt nhận Bằng khen của UBND tỉnh nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập.

Năm nay, bà đã bước sang tuổi 70, cái tuổi xưa nay hiếm. Lẽ ra giờ là lúc bà được nghỉ ngơi và được con cháu chăm sóc nhưng bà vẫn đau đáu tâm nguyện của mình với hoạt động thiện nguyện. Bà tâm sự, mặc dù sức khỏe không còn tốt lắm nhưng bà vẫn đang cố gắng chạy đua với những dự định của mình, ngày đêm lo lắng, băn khoăn, trăn trở khi những mảnh đời kém may mắn ăn chưa ngon, ngủ chưa yên.

Từ lâu bà Nguyệt vẫn coi những con người bất hạnh đến với Trung tâm Bảo trợ Hường Hà Nguyệt do bà vun đắp suốt 7 năm qua như những người thân yêu của mình. Đã trở thành thói quen, mỗi sáng bà luôn dành thời gian để thăm hỏi, động viên từ các cụ già đến những cháu nhỏ. Bà bảo "Ở đây, mỗi cụ một hoàn cảnh, cụ thì bị liệt, cụ thì mắc bệnh tâm thần..., có khi không nhớ mình là ai nhưng các cụ sống tình cảm lắm. Nếu một ngày không thấy tôi đến thăm là các cụ hỏi ngay".

Như định mệnh, cuộc đời bà gắn với 2 người con là những đứa trẻ bị bỏ rơi được bà mang về cưu mang khi bà mới ngoài 20 tuổi. Hai năm tiếp sau đó, bà lại nhận được thêm 2 đứa trẻ do chính bố mẹ chúng mang đến nhờ cưu mang. Thế là 4 đứa con khiến bà ngày đêm xoay vần với chúng trong bộn bề cuộc sống. Và bà chia sẻ: Lúc đó tôi chẳng còn ý định lấy chồng nữa, cứ ở vậy nuôi các con thôi. Đến nay bốn người con do bà Nguyệt nuôi từ tấm bé đều đã trưởng thành và lập gia đình. Có người đã nhận lại được người thân và gia đình, nhưng với họ bà Nguyệt vẫn luôn trong tâm trí, là người mẹ đã có công nuôi dạy họ nên người. Và cuộc đời đã mỉm cười với bà khi bà chịu thương chịu khó làm ăn, làm gì được nấy. Có chút vốn liếng, bà luôn ấp ủ dự định sau này khi các con trưởng thành và yên bề gia thất, bà sẽ dành tất cả số tiền mà mình dành dụm được để xây dựng một Trung tâm Bảo trợ...

Và giờ đây, cái tên Trung tâm bảo trợ Hường Hà Nguyệt đã trở thành một địa chỉ tin cậy cho những mảnh đời kém may mắn không chỉ trong tỉnh mà cả ngoài tỉnh. Với khuôn viên khoảng 3.000 mét vuông thuộc xóm Tân Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ; một nhà 3 tầng có diện tích mặt sàn 1.662 mét vuông, 47 phòng khép kín được trang bị khá đầy đủ tiện nghi, Trung tâm có thể đủ chỗ đón khoảng 50 người cơ nhỡ, người tàn tật, người già và trẻ em không nơi nương tựa. Không chỉ có các phòng ở mà Trung tâm Bảo trợ còn có phòng y tế, phòng phục hồi chức năng và sân chơi.

Nói về lý do bỏ tiền túi để xây dựng một Trung tâm bảo trợ xã hội tư nhân lớn như vậy, bà Nguyễn Thị Nguyệt bộc bạch: Tôi thấy xã hội còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ, trong khi ngân sách chưa thể lo được hết. Dù không quá dư giả, nhưng tôi muốn đóng góp một chút gì đó cho xã hội, làm viện thiện nguyện để tâm mình thanh thản hơn, để thấy cuộc sống thêm ý nghĩa.

Ông Bùi Minh Thông, 66 tuổi sinh sống ở Trung tâm đã hơn 2 năm chia sẻ: Tôi ốm đau, bệnh tật, phải đi bệnh viện thường xuyên, không có ai để nương tựa. Mọi người giới thiệu đến Trung tâm, tôi được đón và chăm sóc tận tình, chu đáo như người trong một nhà. Không biết nói gì, chỉ biết cảm ơn Bà Nguyệt, cảm ơn tất cả mọi người ở đây, những con người thiện nguyện đã dành tình cảm cho chúng tôi, lo lắng cho chúng tôi từng bữa ăn, giấc ngủ. Bà Đinh Thị Lập, sinh năm 1957 tâm sự: “Hơn 2 năm trước tôi bị lừa mất hết nhà cửa, tiền bạc. Hoàn cảnh khó khăn, chồng bỏ, con cái không có khả năng chăm sóc, tôi lại bị bệnh liệt nửa người. Khi bà Nguyệt đón về Trung tâm chăm sóc, tôi như được sống lại, vô cùng cảm động và coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình”.

Chị Phạm Thị Nhu, người được giao nhiệm vụ trông nom, chăm sóc tại Trung tâm: 7 năm qua đã có gần 90 đối tượng, trong đó có 11 trẻ em được tiếp nhận vào Trung tâm. Họ đến Trung tâm với nhiều lý do khác nhau như: Người già không nơi nương tựa, không có con cháu chăm sóc, người khuyết tật, trẻ em bị bỏ rơi hoặc mồ côi... Các đối tượng sinh sống tại Trung tâm không phải đóng bất kỳ một khoản phí nào, đều được chăm sóc bảo đảm với chế độ ăn 1.650.000đ/ tháng. Đến nay, đã có 25 cụ già và các cháu nhỏ được gia đình đón về đoàn tụ, 20 cụ qua đời được Trung tâm phối hợp với gia đình tổ chức mai táng chu đáo.

Nói về tâm nguyện của mình, bà trải lòng: Không biết ông trời cho sống được bao nhiêu năm nữa, nhưng bà chỉ mong muốn Trung tâm sẽ luôn là địa chỉ tin cậy, là nơi nương tựa, là mái nhà che trở cho những mảnh đời kém may mắn. Song có lẽ điều kiện để duy trì còn không ít khó khăn. Bà rất mong được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của các cơ quan chức năng liên quan cấp tỉnh, huyện cùng các nhà hảo tâm gần xa để Trung tâm tiếp tục ổn định và phát triển, góp phần nhỏ bé vào việc xã hội hóa công tác bảo trợ xã hội hiện nay.

Với những đóng góp cho hoạt động thiện nguyện những năm qua, bà Nguyệt đã được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Năm 2019, Trung tâm Bảo trợ Hường Hà Nguyệt do bà Nguyễn Thị Nguyệt làm Giám đốc đã được UBND tỉnh tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua.

Hiện ở Trung tâm Bảo trợ đang có 35 cụ già neo đơn, 7 cháu nhỏ và có tới 9 người phục vụ thường xuyên, trong đó có 1 bác sỹ, 1 điều dưỡng. Nhiều cụ đã ở tuổi 80, 90. Về trẻ em, có 3 cháu bị bỏ rơi được Trung tâm nuôi dưỡng từ bé, giờ đã được đi học bình thường; 2 cháu bị khuyết tật (thiểu năng trí tuệ); 2 cháu bố mẹ bị HIV, không có người chăm sóc.

Việt Khang

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/chuyen-ve-nguoi-phu-nu-co-tam-%E2%80%9Cbo-tat%E2%80%9D-269614-85.html