Người phụ nữ dân tộc Phù Lá với hành trình nâng cao giá trị cho quả mận tam hoa
Mận tam hoa ở Bắc Hà chỉ cho thu hoạch 1 mùa/năm trong thời gian khoảng 2 tháng và chỉ được tiêu thụ dưới dạng quả tươi, ăn ngay. Nhìn thấy khó khăn này, chị Sải Thị Bích Huế, người dân tộc Phù Lá đã thành lập HTX Quang Tom, từ đó đẩy mạnh chế biến ra nhiều sản phẩm từ quả mận tam hoa đạt chứng nhận OCOP, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và nâng tầm thương hiệu nông sản Bắc Hà.
Huyện Bắc Hà là thủ phủ mận tam hoa của tỉnh Lào Cai và vùng Tây Bắc, với hơn 500ha, trong đó có khoảng 350ha đang cho thu hoạch ổn định, với sản lượng hơn 3.000 tấn quả/năm.
Cây trồng xóa đói giảm nghèo
Là một huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, vùng thượng huyện Bắc Hà nằm ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển. Khí hậu quanh năm mát mẻ. Nhờ đó, cây mận Tam Hoa đã bén rễ và hợp duyên với huyện vùng cao này. Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Hà cho biết, mận Tam hoa Bắc Hà trồng tập trung chủ yếu ở các xã: Na Hối, Tà Chải, Lầu Thí Ngài, Thải Giàng Phố, Bản Phố và thị trấn Bắc Hà...
Giống mận tam hoa đem lại năng suất cao cho người trồng, khẳng định là loại cây ăn quả số một trên địa bàn huyện, là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho nông dân vùng cao Bắc Hà.
Tại xã Thải Giàng Phố (huyện Bắc Hà), bà Vàng Thị Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết, nắm bắt được lợi thế cạnh tranh của quả mận Tam Hoa trên thị trường, chị em phụ nữ ở xã Thải Giàng Phố cũng đã đầu tư phát triển mạnh về loại cây đặc sản này. Đồng thời chị em cũng đã đúc kết ra các kinh nghiệm trồng và chăm sóc mận, từ đó chất lượng quả mận ngày càng nâng cao hơn.
Cụ bà Chảo Chử Chấn, dân tộc Phù Lá, ở thôn Na Hối Tày, xã Na Hối, cho biết: "Cái tên mận Tam Hoa có thể là do thiên nhiên ưu đãi nên quả mận nơi đây có 3 lớp: Lớp phấn trắng, lớp vỏ, rồi đến thịt mận".
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Giang, mặc dù được thiên nhiên ưu đãi, nhưng đã trải qua gần nửa thế kỷ khai thác những ưu điểm vốn có của cây mận tam hoa giảm dần ưu thế do biến đổi khí hậu, đô thị hóa, điều kiện canh tác; đồng thời giá trị gia tăng còn thấp.
Mận tam hoa ở đây bắt đầu chín từ đầu tháng 5, nhưng chín rộ nhất vào đầu tháng 6. Tuy nhiên, mận chỉ cho thu hoạch 1 mùa/năm trong thời gian khoảng 2 tháng và chỉ được tiêu thụ dưới dạng quả tươi, ăn ngay. Mặt khác, quả mận rất khó bảo quản do vỏ mỏng, dễ dập vỡ và hỏng khi vận chuyển đi xa.
Do vậy, việc đẩy mạnh chế biến sâu sản phẩm từ trái mận tam hoa có ý nghĩa cực kỳ lớn để nâng cao giá trị. Nhận thấy điều này, chị Sải Thị Bích Huế (sinh năm 1986, người dân tộc Phù Lá, xã Tà Chải đã mạnh dạn đứng ra thu mua sản phẩm để chế biến sâu. Chị Huế đã kỳ công nghiên cứu, chế biến ra những sản phẩm đặc sản từ quả mận tam hoa, như mận sấy khô, sấy dẻo, rượu mận tam hoa lên men; xây dựng các sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và nâng tầm thương hiệu nông sản Bắc Hà.
Gia tăng giá trị cho quả mận tam hoa
Đáng chú ý, để đưa quả mận tam hoa đi xa, tháng 6/2021, HTX Quang Tom với 7 thành viên do chị Huế điều hành chính thức đi vào hoạt động. Cuối năm 2021, chị Huế đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao là mận tam hoa sấy dẻo, đưa thành công sản phẩm ra thị trường, được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng.
Chị Sải Thị Bích Huế, Giám đốc HTX Quang Tom cho biết, cùng với mận Tam hoa tươi thì mận sấy dẻo giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn với loại quả đặc sản của Bắc Hà.
“Trước kia, nhà tôi cũng có trồng mận. Tôi lớn lên và được đi học cũng là nhờ cây mận. Sau mỗi mùa thu hái, chị em tôi lại được bố mẹ mua cho quần áo, giày dép mới… Vì những năm gần đây quả mận to thì được giá còn loại vừa vừa giá rất thấp trong khi bà con hái không kịp để quả rụng đầy gốc rất lãng phí. Thế nên tôi nghĩ những quả vừa vừa sẽ chế biến thành sản phẩm khác, tận dụng được những quả đó để tiêu thụ phần nào cho bà con”, bà Sải Thị Bích Huế nói.
Mỗi mùa mận, HTX Quang Tom có thể chế biến khoảng 50 tấn quả mận tươi. Hộp mận sấy dẻo là 250g, được làm từ 1 kg quả mận tươi. Từ loại mận xô, chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, qua chế biến, giá trị đã nâng lên thành 60.000 đồng. Quả tươi sẽ được khía, ngâm nước, xào đường và gừng để thành mứt mận. Tại thời điểm này, HTX đang tập trung nhân lực chế biến, cất trữ để có đủ hàng cung ứng cho cả năm, nhất là vào dịp lễ, Tết.
Trước đó, năm 2022, chị Huế tiếp tục đầu tư nghiên cứu và tìm hiểu kỹ thuật chế biến rượu mận lên men. Các dòng sản phẩm của rượu được sản xuất với quá trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, hàm lượng và các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm đạt tiêu chuẩn. Sản phẩm rượu mận tam hoa lên men tự nhiên với giá cả hợp lý. Hiện sản phẩm rượu mận tam hoa lên men của HTX Quang Tom đang tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Rượu mận tam hoa lên men của HTX Quang Tom sử dụng trái mận tam hoa Bắc Hà nổi tiếng thơm ngon, chất lượng, chưng cất trong môi trường khí hậu miền cao nguyên đặc trưng ôn đới, trong lành, mát mẻ, kết hợp với hương vị mật ong rừng.
Cần thêm hỗ trợ để đưa quả mận đi xa
Trong đợt xếp hạng lần 2 sản phẩm OCOP năm 2022 của tỉnh Lào Cai, HTX Quang Tom của chị Huế có 2 sản phẩm được Hội đồng thẩm định công nhận đạt 3 sao, đó là sản phẩm chè shan tuyết cổ thụ và rượu tam hoa lên men. Trong đó, rượu mận tam hoa lên men của HTX được Sở Công Thương Lào Cai công nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định cũng như đã xây dựng được tem nhãn, thương hiệu...
"Sản phẩm thơm ngon, giá cả phù hợp túi tiền nên dù mới ra mắt song rượu mận đã được người tiêu dùng đón nhận. Ngay đầu năm mới 2023 này, chúng tôi sẽ xây dựng sản phẩm OCOP rượu mận tam hoa lên men để tiếp tục tham gia đánh giá, phân hạng ngay trong đợt 1 của tỉnh Lào Cai", chị Huế chia sẻ.
Tuy nhiên, để phát triển hơn nữa, trước mắt HTX Quang Tom vẫn còn đó những khó khăn về cơ sở vật chất chưa được đầu tư nhiều về quy mô, nguồn vay còn hạn chế để mở rộng… Ngoài ra, thị trường tiêu thụ cũng là một vấn đề cần quan tâm bởi khi sản xuất lớn khâu này đặc biệt quan trọng.
Giám đốc HTX Quang Tom cho biết: "Hiện tại HTX cần hỗ trợ về thị trường để phát triển được mạnh hơn và hỗ trợ về vốn để mở rộng cơ sở sản xuất. Cùng với việc chủ động tìm thị trường tiêu thụ thì việc chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm chế biến từ quả mận đang góp phần đưa quả mận Tam hoa Bắc Hà đi xa hơn đến với người tiêu dùng trong cả nước”.
Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bắc Hà cho biết: "Về nguyên tắc bảo quản, đặc biệt là quả vỏ mọng như quả mận thì chỉ dùng các biện pháp chế biến như si rô, sấy khô, sấy dẻo là một trong những hướng đi rất tốt trong việc đa dạng hóa sản phẩm cây ăn quả ôn đới trong đó có cây mận Tam hoa".
Quả mận Tam hoa được chế biến thành nhiều sản phẩm đang giúp Bắc Hà tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ, bảo đảm thu nhập cho mỗi hộ trồng mận; đồng thời góp phần quảng bá thương hiệu nông sản, thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, thưởng thức nông sản trên cao nguyên trắng Bắc Hà. Theo đó, Bắc Hà cũng như tỉnh Lào Cai cần có những chính sách hỗ trợ để HTX Quang Tom đưa sản phẩm chế biến từ quả mận đi tới thị trường trong và ngoài nước.