Người phụ nữ được in hình trên tiền của Nhật Bản, mở đường đến tương lai

Nhật Bản thông báo phát hành tiền giấy mới, in bằng công nghệ 3D và sẽ lưu hành từ năm 2024.

Tờ tiền 5.000 Yên in hình bà Umeko.

Tờ tiền 5.000 Yên in hình bà Umeko.

Trong đó, tờ tiền mệnh giá 5.000 Yên sẽ in hình bà Tsuda Umeko - người đi đầu trong phong trào giáo dục cho phụ nữ ở Nhật.

Nữ du học sinh trẻ tuổi

Bà Tsuda Umeko du học Mỹ từ năm 6 tuổi.

Bà Tsuda Umeko du học Mỹ từ năm 6 tuổi.

Là người sáng lập ra Trường Đại học Tsuda, Tokyo, bà Umeko đã mang tiếng Anh đến cho nhiều thế hệ nữ sinh Nhật Bản và giúp họ kiếm sống bằng tri thức.

Sinh ngày 31/12/1864, bà Tsuda Umeko lớn lên trong gia đình làm nghề nông tại Edo, nay là thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Cha của bà, Tsuda Sen vốn là một viên quan trong chính quyền Mạc phủ nhưng sau cuộc cách mạng Minh Trị, ông bị tước chức vị, chuyển sang làm nghề khai hoang tại Hokkaido, hòn đảo phía Bắc Nhật Bản.

Thời điểm gia đình bà Umeko chuyển đến Hokkaido, do nghe danh ông Sen từ lâu, ông Kuroda Kiyotaka, người đứng đầu hòn đảo, đã tiếp đón và chăm lo cho gia đình họ rất nồng hậu, chu đáo. Ông Sen cùng Kuroda nhanh chóng trở thành đôi bạn thân. Cả hai đều quan tâm đến giáo dục, nhất là giáo dục nữ giới.

Ông Kuroda từng đến thăm Mỹ và có ấn tượng mạnh với việc phụ nữ ở đây được học hành cẩn thận, có địa vị xã hội cao. Ông đã chia sẻ với người bạn thân mong muốn những người phụ nữ Nhật Bản cũng được học hành và được phép tham gia hoạt động chính trị, xã hội. Có như vậy, Nhật Bản sẽ có cơ hội sánh ngang với các nước phương Tây.

Về phía Sen, ông từng học tiếng Anh để làm thông dịch viên cho Mạc phủ. Ông cũng từng đến Mỹ, được tham quan nhiều ngôi trường tại Mỹ và hiểu được tầm quan trọng của giáo dục đối với người dân. Giống như ông Kuroda, cha của Umeko luôn mong muốn phụ nữ Nhật Bản được học hành đến nơi đến chốn.

Sau này, ông Kuroda đã kiến nghị với chính phủ lúc bấy giờ cho phép phụ nữ đến Mỹ du học theo chương trình Iwakura. Đây là một phái đoàn với hơn 100 nhà lãnh đạo, quan chức được chính phủ cử đi tham quan và học tập phương Tây, sau đó trở về xây dựng đất nước. Nhờ ông Kuroda thuyết phục, chính phủ đã cho phép 5 nữ sinh được tham gia cùng phái đoàn.

Chớp lấy cơ hội, ông Sen liền đăng ký cho con gái Umeko tham gia. Lúc này, bà mới chỉ 6 tuổi và là nữ sinh nhỏ tuổi nhất đoàn. Phái đoàn Iwakura xuất phát từ tháng 11/1871 và cập bến thành phố San Francisco, Mỹ, sau 22 ngày lênh đênh trên biển.

Trước khi đến Mỹ, bà Umeko chỉ biết vỏn vẹn 3 từ “thank you” (cảm ơn), “yes” (có), “no” (không). Nhờ sự chăm chỉ và nỗ lực, bà đã thành thạo tiếng Anh và những môn học bằng tiếng Anh. Trong thời gian rảnh, bà học thêm tiếng Latinh, tiếng Pháp, lĩnh vực tâm lý học và nghệ thuật.

Năm 1882, bà Umeko trở về Nhật Bản sau 11 năm du học. Tuy nhiên, do sống xa gia đình và quê hương lâu ngày, tiếng Nhật của Umeko rất kém. Bà gần như không thể giao tiếp với mẹ nếu không có cha làm thông dịch viên.

Thời gian đầu, Umeko làm giáo viên tiếng Anh bán thời gian cho một trường phổ thông tại Edo, nay là thủ đô Tokyo. Sau đó, bà được ông Ito Hirobumi, thành viên của phái đoàn Iwakura, sau này là Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản, thuê làm gia sư tiếng Anh cho các con gái.

Khuôn viên Trường Đại học Tsuda ngày nay.

Khuôn viên Trường Đại học Tsuda ngày nay.

Mở trường tư dành cho phụ nữ

Dưới sự giảng dạy nhiệt tình của bà Umeko cùng nhiều người phụ nữ tài giỏi khác, các thế hệ nữ sinh Trường Joshi Eigaku Juku đã đạt thành tích tốt về tiếng Anh và tìm được công việc được trả lương xứng đáng. Họ thậm chí được miễn các kỳ thi chứng chỉ sư phạm tiếng Anh do Chính phủ Nhật Bản tổ chức, từ đó, nâng cao vị thế và lan tỏa sức ảnh hưởng trong xã hội.

Thông qua Hirobumi, bà Umeko được tiếp xúc với giới chính trị gia và làm quen với nhiều người đàn ông giàu có, quyền lực và địa vị xã hội. Tuy nhiên, càng tiếp xúc với họ, bà càng thất vọng khi biết đối với nhiều nam giới Nhật Bản lúc bấy giờ, phụ nữ không hề được tôn trọng.

Bà Umeko tin rằng, việc không thể học đại học đã ngăn cản bà thăng tiến trong công việc. Vì vậy, tháng 7/1889, bà trở lại Mỹ du học với học bổng bán phần tại Trường Cao đẳng Bryn Mawr, bang Philadelphia.

Giống như Nhật Bản, vào thời điểm đó, Mỹ có các chương trình giảng dạy dành riêng cho nam giới và nữ giới. Trường Cao đẳng Bryn Mawr là một trường đại học nữ sinh lâu đời và có tiếng tại đây.

Bà theo học chuyên ngành nghệ thuật và sinh học. Đến năm 1882, khi 28 tuổi, bà Umeko trở lại Nhật Bản và tiếp tục dạy tiếng Anh tại Trường Peeresses. Song song, bà quyết tâm tìm cách nâng cao địa vị xã hội cho phụ nữ Nhật Bản thông qua giáo dục.

Thời điểm đó, trường đại học duy nhất dành cho nữ sinh tại Nhật là Trường Sư phạm Nữ sinh Tokyo, nay là Trường ĐH Ochanomizu – một trường đại học do chính phủ thành lập. Nhưng bà Umeko hy vọng có thể thành lập một trường đại học tư thục dành cho nữ dù phải đối mặt với nhiều trở ngại.

Khó khăn lớn nhất là nguồn tài chính. Là phụ nữ, bà Umeko được trả lương tương đối thấp. Do đó, bà đã phải kêu gọi các nguồn hỗ trợ từ bạn bè là những người có địa vị xã hội tại Nhật Bản và những người quen cũ tại Mỹ.

Sau khi giải quyết được khó khăn tài chính, người phụ nữ trẻ phải đối mặt với các thách thức gồm nhu cầu giáo dục dành cho nữ giới và khả năng thu hút sinh viên tiềm năng thấp. Ngoài ra, không có nhiều nữ giáo viên có năng lực do Nhật Bản không có các cơ sở giáo dục dành riêng cho phụ nữ.

Cuối cùng đến năm 1900, bà Umeko đã khánh thành trường tư thục đầu tiên dành cho nữ sinh Nhật Bản, Joshi Eigaku Juku. Trọng tâm của trường là nghiên cứu ngôn ngữ Anh.

Chưa từng kết hôn, bà Umeko dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục và nâng cao địa vị xã hội cho phụ nữ thông qua giáo dục. Năm 1929, bà Umeko qua đời, hưởng thọ 64 tuổi.

Để vinh danh bà, Trường Joshi Eigaku Juku đã được đổi tên thành Trường Đại học Tsuda. Cho đến nay, đây vẫn là ngôi trường nổi tiếng hàng đầu về giáo dục phụ nữ tại Nhật Bản. Trường chuyên giảng dạy và nghiên cứu về giáo dục, nghệ thuật tự do, đặc biệt là ngôn ngữ Anh.

Theo Nippon

Phạm Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-phu-nu-duoc-in-hinh-tren-tien-cua-nhat-ban-mo-duong-den-tuong-lai-post616703.html