Người phụ nữ gửi con thơ cho bố mẹ chồng để đi chống dịch Covid-19
Khi lượng người Việt ở nước ngoài về nước, vào khu cách ly đông, những phụ nữ này đã gác công việc gia đình sang một bên để tham gia cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Mẹ và con trai chung chiến tuyến chống Covid-19
Năm nay 60 tuổi, về hưu được 5 năm nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, máu nghề nghiệp nổi lên, cô Nguyễn Thị Hoa (nguyên Phó khoa Kiểm soát bệnh dịch- Trung tâm Y tế quận Thủ Đức, TP.HCM) quyết định sẽ góp sức mình vào việc đẩy lùi dịch bệnh.
Nghĩ là làm, cô đem tâm nguyện bàn với chồng con. Do cả gia đình đều làm nghành y nên không một ai phản đối mà nhiệt tình ủng hộ cô.
Sắp xếp công việc gia đình, giao lại quầy thuốc cho chồng quản lý, cô Hoa làm đơn xin với Ban giám đốc Trung tâm Y tế quận Thủ Đức, tình nguyện đến làm việc tại khu cách ly.
Thời điểm này, khu cách ly KTX Đại học Quốc gia TP.HCM thành lập, cô Hoa được phân công về quản lý kho thực phẩm và trang thiết bị y tế ở đây.
'Tôi công tác trong ngành đã lâu, đã từng trải qua thời kỳ chống đại dịch Sars nên tôi muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình cùng các đồng nghiệp trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh lần này”, cô Hoa tâm sự.
Không chỉ mình cô Hoa tham gia trong trận chiến chống lại đại dịch, con trai cô hiện là cán bộ tại Trung tâm Y tế quận Thủ Đức cũng đang thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly khác. Dù vậy, hơn nửa tháng qua 2 mẹ con cô chưa từng gặp mặt nhau vì công việc nối tiếp, giờ giấc khác nhau nên khi con về cơ quan nghỉ thì mẹ đi làm và ngược lại.
'Mẹ con chả gặp được nhau, lâu lâu cô gửi chút đồ ăn lại cho con trai để động viên tinh thần, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao', cô Hoa nhắc về con trai với ánh mắt tự hào.
Nữ điều dưỡng gửi con cho cha mẹ chồng đi chống dịch
Sau khi giúp các công dân làm thủ tục chứng nhận hoàn thành đủ thời gian cách ly, chị Lê Thị Ngọc Loan (điều dưỡng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức) tần ngần đứng nhìn từng người đang hối hả, hân hoan trở về với gia đình. Chị thấy vui lây vì những công dân này hoàn toàn khỏe mạnh, không ai bị dương tính với Covid-19.
Ngày nhận quyết định từ ban lãnh đạo Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức điều xuống khu cách ly KTX Đại học Quốc gia TP.HCM, chị Loan và các đồng nghiệp không hề bất ngờ hay hoang mang bởi ngay khi dịch bệnh bùng phát, mọi người đã xác định chắc chắn sẽ phải đối mặt và tham gia vào việc chống lại đại dịch này.
Nhận nhiệm vụ, chị Loan quay về nhà thu xếp hành lý và sắp xếp việc nhà. May mắn, chị có cha mẹ chồng tâm lý. Khi nghe chị thông báo phải vào khu cách ly làm việc, cha mẹ chồng chị chỉ nhỏ nhẹ nói 'Con cứ đi đi, 2 đứa nhỏ để ba mẹ lo, cố gắng giữ sức khỏe và hoàn thành nhiệm vụ'.
Trước khi tới điểm cách ly, chị Loan cũng khá lo lắng về vấn đề bảo hộ trong quá trình làm việc, bởi coi qua tivi, chị thấy đội ngũ y tế ở các nước trên thế giới mặc đồ bảo hộ đầy đủ mà không biết mình vào khu cách ly có được như vậy không?
Thế nhưng, ngay khi tới nơi, chị và các đồng nghiệp đã được trang bị đầy đủ và an toàn các thiết bị bảo hộ nên chị rất an tâm làm việc.
Những ngày đầu chăm sóc cho các công dân cách ly, chị Loan và các đồng nghiệp khá áp lực, bởi số lượng người quá đông, mỗi người mỗi tính. 'Có nhiều người khó khăn về việc ăn uống, có người ăn chay thì phải đặt đồ ăn chay cho họ, nhiều người nước ngoài theo đạo Hồi thì cũng phải cung cấp đồ ăn theo đạo Hồi cho họ. Chúng tôi đáp ứng cho họ đầy đủ để họ cảm thấy thoải mái khi cách ly ở đây', chị Loan cho hay.
Có một kỷ niệm chị Loan nhớ mãi đó là lần tới đo thân nhiệt cho một cựu chiến binh năm nay đã ngoài 70 tuổi. Người cựu binh này không những nhiệt tình hợp tác với cán bộ y tế, ông còn động viên ngược lại: 'Chú là bộ đội Trường Sơn, đối mặt với cái chết nhiều lần rồi, lần này không có gì là sợ cả'.
Vừa tươi cười vẫy tay chào từng người như chia tay người thân, chị Loan tâm sự: 'Khi nhận nhiệm vụ, tôi xác định, công việc ở đây có những nguy hiểm vì mình không biết trong số này có ai nhiễm bệnh hay không. Vì vậy, khi làm việc, chúng tôi phải biết tự bảo vệ mình, giữ khoảng cách nhưng luôn chào hỏi vui vẻ để người cách ly không cảm thấy bị kỳ thị'.