Người phụ nữ khuyết tật tố chính quyền xã bắt đập nhà mới cho nhận trợ cấp!?

Được công nhận là đối tượng khuyết tật nặng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng kể từ tháng 5/2019, bà Lĩnh chưa nhận được đồng trợ cấp nào, cũng chưa được nhận tờ quyết định thì 3 tháng sau, quyết định này lại bị thu hồi…

Ra quyết định trợ cấp rồi lại thu hồi

Bà Lương Thị Lĩnh (thôn 3, xã Hương Giang, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) phản ánh: sau thời gian đề nghị, năm 2019, bà được xã làm danh sách trình lên huyện và được xét hưởng chế độ trợ cấp người khuyết tật nặng.

Theo bà Lĩnh trình bày thì gia đình bà có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bà lại là người khuyết tật bẩm sinh. Khi nhận được thông tin sắp được hưởng chế độ, bà xem đây như là sự an ủi cho bản thân. Có được khoản hỗ trợ này coi như là khoản trợ cấp ổn định để lo cho cuộc sống bao năm lăn lộn làm thuê.

Bà Lĩnh (và chồng) cho rằng vì muốn bà đập phần nhà của mình để nới rộng khuôn viên nhà văn hóa nên chính quyền mới "giữ" tiền trợ cấp.

Bà Lĩnh (và chồng) cho rằng vì muốn bà đập phần nhà của mình để nới rộng khuôn viên nhà văn hóa nên chính quyền mới "giữ" tiền trợ cấp.

Thế nhưng, niềm vui này của bà Lĩnh “ngắn chẳng tày gang”. "Khi nhận được thông báo lên UBND xã để nhận quyết định trợ cấp xã hội, tôi lên xã thì Chủ tịch xã nói phải về đập nhà thì sẽ cho nhận quyết định và xã sẽ hỗ trợ gia đình thêm 3 triệu đồng để đập nhà. Bản thân tôi rất buồn, nhưng nghĩ ngôi nhà tạm hai vợ chồng phải chịu khổ làm thuê, làm mướn, cộng với sự giúp đỡ của bà con mới dựng lên được và đã ở đây 27 năm rồi nên tôi nhất quyết không đập”, bà Lĩnh kể.

“Với số tiền hỗ trợ 3 triệu đồng và điều kiện gia đình hết sức khó khăn, gia đình tôi không biết phải ở đâu nên tôi không nhất trí với điều kiện mà ông Chủ tịch xã đưa ra” - bà Lĩnh cho biết thêm.

Ông L.H.N., một người dân gần nhà bà Lĩnh khẳng định ông là người được Chủ tịch UBND xã nhờ đến thuyết phục bà Lĩnh đập nhà để làm hội quán thôn. "Thực tình là ông Hùng, Chủ tịch xã có nhờ tôi hai lần… Tôi có nói lại với ông Hùng là tôi nói thì chưa chắc nó (bà Lĩnh) đã nghe, nhưng nhờ thì tôi nói. Còn quyền là quyền của vợ chồng chúng.

Tiếp đó, sau khi có quyết định về thì ông Hùng lại gọi điện cho tôi ra Ủy ban xã, cho tôi xem quyết định rồi bảo tôi về nói với hai vợ chồng Lĩnh, nhưng không hiểu sao chính quyền không giao quyết định cho Lĩnh. Tôi nghĩ trường hợp Lĩnh hết sức tội và vất vả vì nếu đúng là phải được, bởi tôi thấy bao nhiêu người đã đến nỗi như vợ chồng nó đâu mà vẫn được. Nên tôi vẫn khuyên hai đứa làm sao để kêu cho thấu”… Ông N. cho biết.

Cần xem xét lại việc thu hồi quyết định

Trao đổi với PV, ông Phan Đình Hùng – Chủ tịch UBND xã Hương Giang, huyện Hương Khê khẳng định việc xét duyệt hồ sơ, thẩm định các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội trên địa bàn xã quản lý là theo đúng quy trình và đúng đối tượng.

Ông Hùng cũng cho biết, đối với việc xét duyệt đối tượng và mức độ khuyết tật thì sau khi hội đồng lập danh sách các đối tượng đủ điều kiện xét duyệt thì chính quyền xã thành lập hội đồng chấm điểm. Riêng địa bàn xã Hương Giang có hơn 300 đối tượng được hưởng chế độ bảo trợ xã hội dành cho người nghèo, người trên 80 tuổi và khuyết tật theo các mức độ.

Theo quy định, có 7 người gồm đại diện tổ chức đoàn thể, cán bộ y tế, lãnh đạo Ủy ban trực tiếp mời các đối tượng khuyết tật lên hoặc đến tận nhà đối tượng do Chủ tịch xã chủ trì để chấm điểm độc lập, và phân loại khuyết tật.

Khi PV hỏi về trường hợp bà Lương Thị Lĩnh phản ánh việc Chủ tịch xã yêu cầu bà đập nhà để mở rộng hội quán rồi mới giao quyết định, ông Hùng lý giải: "Việc hội quán thôn là cách đây mấy năm rồi, mấy năm trước thì không bàn nhưng do năm nay là năm về đích nên mới bàn quyết liệt là vì có tiêu chí văn hóa, mà trong xã có thôn 3 là chưa làm được. Nếu muốn đạt được thôn văn hóa thì phải xây dựng thêm một gian nữa nên xã đã ra làm việc trực tiếp với bà Lĩnh nhiều lần. Quan điểm là phân tích cho bà Lĩnh hiểu đất đó (bà Lĩnh đang ở) là đất hành lang giao thông, đề nghị bà nên thu hồi cái quán đó để trả lại đất. Chúng tôi cũng chỉ lấy đủ diện tích thêm một gian khoảng 3 mét thôi. Nếu bà Lĩnh trả lại thì chúng tôi sẽ hỗ trợ gia đình bà một ít tiền, khoảng 3 triệu đồng.

Còn về việc chế độ, vừa rồi xã đã xây dựng hồ sơ theo quy trình như đã trao đổi. "Khi tham gia chấm điểm thì do việc nắm chưa chính xác nên đã chấm cho bà Lĩnh sai mức độ, từ khuyết tật nhẹ chuyển sang khuyết tật nặng nên bà được xây dựng hồ sơ. Cho nên vào tháng 5/2019, bà Lĩnh có quyết định nhận bảo trợ xã hội này với mức hưởng 405.000đồng/tháng. Sau đó, do có thông tin đề nghị UBND xã xem xét lại trường hợp bà Lĩnh vì bà còn đi làm được nên tôi đã họp Hội đồng chính sách đặt vấn đề vừa rồi chấm chưa đúng và đã làm tờ trình đề nghị Phòng Lao động, UBND huyện xem xét lại. UBND huyện đã cử Phòng Lao động về xác minh tận nơi nhà ở và mời bà Lĩnh thực hiện lại quy trình để chấm lại thì bà Lĩnh rơi vào thang điểm khuyết tật nhẹ nên xã đã trình huyện ra quyết định thu hồi vào tháng 8/2019" - trích lời của ông Hùng.

Tuy nhiên, khi PV hỏi về biên bản tại thời điểm hội đồng chấm điểm cho bà Lĩnh và danh sách các hộ nhận chế độ bảo trợ khuyết tật trên địa bàn thì ông Hùng lại hẹn sẽ cung cấp sau “vì đồng chí cán bộ giữ biên bản đang nghỉ sinh”.

Trước sự việc trên, Báo Bảo vệ pháp luật đề nghị các cấp ngành, đơn vị có trách nhiệm của huyện Hương Khê vào cuộc xác minh, xem xét lại trường hợp của bà Lương Thị Lĩnh nêu trên để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân, nếu có sự xem xét thiếu khách quan ở đây.

Đặng Thùy - Bá Thanh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-luat-ban-doc/dieu-tra-theo-don-thu/nguoi-phu-nu-khuyet-tat-to-chinh-quyen-xa-bat-dap-nha-moi-cho-nhan-tro-cap-79563.html