Người phụ nữ làm đẹp hướng đến vẻ đẹp toàn diện, tự nhiên

Khi người phụ nữ làm đẹp thì họ hướng đến làm đẹp toàn diện, chú ý đến làn da chứ không chỉ đơn thuần là sửa mắt, sửa mũi và trở về với đặc tính đẹp tự nhiên.

 Triển lãm Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam diễn ra từ ngày 27-29/7 - Ảnh: Đình Hưng

Triển lãm Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam diễn ra từ ngày 27-29/7 - Ảnh: Đình Hưng

Đây là thông tin được PGS.TS.BS Lê Hành - Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẫm mỹ TPHCM chia sẻ tại khai mạc Triển lãm Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam diễn ra ngày 27/7 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC - Quận 7, TPHCM).

Theo PGS.TS.BS Lê Hành, sau đại dịch Covid-19, ngành thẩm mỹ ở Việt Nam đã có sự thay đổi khi người dân nhận thấy được tầm quan trọng của sắc đẹp, sức khỏe toàn diện của bản thân.

"Vẻ đẹp bây giờ trở về với cá tính, vẻ đẹp riêng của từng người. Không chỉ phụ nữ, nam giới cũng ngày càng tham gia nhiều hơn vào phẫu thuật thẩm mỹ", bác sĩ Lê Hành nói và cho biết người tiêu dùng ngày càng hướng đến việc làm đẹp sớm, chống lão hóa sớm. Các biện pháp làm đẹp ít xâm lấn, không xâm lấn ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Trong những năm gần đây, thị trường ngành làm đẹp Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Theo Statista (nền tảng trực tuyến chuyên về dữ liệu thị trường và người tiêu dùng), doanh thu của ngành làm đẹp và chăm sóc cá nhân Việt Nam dự kiến đạt 2,36 tỉ USD vào năm 2023, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ước tính 3,32% giai đoạn 2023-2027. Trong đó, 15.4% doanh thu sẽ được thúc đẩy bởi các kênh trực tuyến, đặc biệt là mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da.

Người tiêu dùng tham quan triển lãm Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam - Ảnh: Đình Hưng

Người tiêu dùng tham quan triển lãm Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam - Ảnh: Đình Hưng

Bên cạnh đó, các xu hướng chính trong ngành làm đẹp nước ta phải kể đến sự thay đổi trong tâm lý người tiêu dùng, từ việc ngày càng yêu thích sản phẩm hữu cơ tự nhiên, theo đuổi lối sống lành mạnh, toàn diện hơn.

Việt Nam hiện là điểm đến hấp dẫn của các thương hiệu mỹ phẩm nước ngoài, với 93% sản phẩm chăm sóc cá nhân được nhập khẩu. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia xuất khẩu mỹ phẩm vào Việt Nam lớn nhất, theo sau bởi các nước châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ, một số khác đến từ Singapore và Trung Quốc.

Năm 2019, tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm làm đẹp của Việt Nam đạt mức 950 triệu USD, tập trung chủ yếu vào mặt hàng sữa rửa mặt, kem dưỡng da, son môi cho phụ nữ, cùng các sản phẩm chăm sóc, cạo râu cho nam giới.

Cũng theo báo cáo của Statista, năm 2022, một phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chi trung bình 450.000-500.000 đồng/tháng cho việc trang điểm và chăm sóc da.

Triển lãm Vietbeauty & Cosmobeauté Vietnam sẽ diễn ra đến ngày 29/7.

Đình Hưng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-phu-nu-lam-dep-huong-den-ve-dep-toan-dien-tu-nhien-2023072713482123.htm