Người phụ nữ mang 'H' và hành trình phòng chống HIV/AIDS
Âm thầm với công việc của mình, người phụ nữ mang 'H' chia sẻ câu chuyện vui, buồn của bản thân. Vì sức khỏe cộng đồng trước nguy cơ của đại dịch HIV/AIDS, bà T. phải trải qua nhiều khó khăn, ẩn chứa nguy hiểm để tuyên truyền, vận động những đối tượng có nguy cơ cao biết cách phòng chống.
Số phận nghiệt ngã !
Gần 20 năm trước, khi con gái út mới 1 tuổi, bà Ngô Thị Thanh T. (SN 1959, trú xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đau xót khi biết nguyên nhân cái chết của chồng là do HIV. Chua xót hơn khi bà cùng con gái cũng mang trong mình "căn bệnh thế kỷ". Nỗi đau liền nỗi đau, người phụ nữ ấy gục ngã. Những đêm trắng với hàng nước mắt, những bữa cơm chẳng buồn đụng đũa. Từ người phụ nữ lực điền, bà T. cũng dần hao mòn vì bệnh tật và buồn tủi.
Năm 2004, khi mà nhận thức của xã hội về "căn bệnh thế kỷ" chưa nhiều, làng xóm xa lánh, dị nghị, xua đuổi khiến cuộc sống rơi vào thế cùng cực. Nhưng rồi nghĩ về các con, đặc biệt là đứa con út tội nghiệp, bà T. tìm lại mục đích sống.
Dù nỗ lực làm lụng, điều trị bệnh và thực hiện các biện pháp chống lây truyền nhưng sự xa lánh, kỳ thị vẫn kéo dài. Ở miền quê nghèo, để nuôi con út bệnh tật cùng đưa cháu mồ côi, bà T. chỉ có đám ruộng để cấy cày. Bởi khi biết bà mang H, ai cũng xa lánh, không có một công việc nào khác để bà có thể kiếm tiền.
Đôi lúc bà than trời, rằng tai họa này đâu ai muốn gánh lấy. Sự tủi hờn, trách móc với xã hội cũng có, nhưng rồi bà nhận ra rằng sự xa lánh đó phần lớn là do sự kém hiểu biết về căn bệnh.
"Ngày đó, biết gia đình tôi có người bị HIV, làng xóm họ chửi rủa, còn muốn đuổi chúng tôi khỏi làng. Tôi đi làm ruộng người ta thấy còn lùi ra xa không muốn lại gần mà. Rơi vào hoàn cảnh đó tôi buồn vô cùng, nhưng sau cũng hiểu là vì họ chưa có nhận thức nhiều về căn bệnh này. Tôi suy sụp một thời gian dài, nhưng vì nghĩ đến con, nên mới có đọng lực để gượng dậy mà sống", bà T. chia sẻ.
Sau vài năm được các cán bộ y tế tư vấn, điều trị bệnh có hiệu quả, khi biết bản thân có thể góp sức trong công tác tuyên truyền phòng, chống HIV, bà T. xin tham gia ngay. Bà mong cộng đồng hiểu và sẻ chia nỗi buồn tủi cùng những người bị H, giúp những trường hợp có nguy cơ cao nhiễm HIV thực hiện các biện pháp phòng, tránh.
"Tôi làm nhân viên tiếp cận cộng đồng cũng hơn 15 năm nay. Tôi phù hợp bởi hơn ai hết, bởi vì tôi là người "trong cuộc", tôi lấy dẫn chứng từ bản thân gặp phải ra để chia sẻ cùng mọi người. Những gì thực tế thường được người ta tin tưởng hơn", bà T. chia sẻ.
Nhưng số phận vẫn chưa hết ác nghiệt với người phụ nữ tội nghiệp này. Khi đến tuổi vị thành niên, với những biến chuyển trong tâm sinh lý, người con gái có biểu hiện chống đối việc điều trị. Cùng với đó là sự hờn dỗi, chửi bới người mẹ bởi vì cho rằng căn bệnh mình mang trong người là lỗi do mẹ. Nỗi đau giấu kín bấy lâu lại bị đào lên. Bà giải thích, khuyên nhủ con đủ đường.
Tai họa cứ liên tục ập đến, bà lại thắt ruột gan khi đứa con út tội nghiệp lại bị căn bệnh về não phải thực hiện phẫu thuật. Bà T. đâu còn nước mắt mà cạn, bà không hiểu sao ông trời vẫn cứ muốn ác nghiệt với gia đình mình, dù bản thân đang nỗ lực từng ngày vì xã hội.
"Ngày hay tin con tôi bị bệnh về não phải mổ tôi lại suy sụp lần nữa. Nhưng sau những đau thương đã trải qua thì có nghiệt ngã hơn tôi cũng chấp nhận. Tôi có nói với bác sĩ là cháu bị HIV, bác có dám mổ không. Bác sĩ tên Nhân ở BV Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới cười bảo có bệnh gì cũng sẽ mổ cho. Tôi vui vì có người đồng cảm, giúp đỡ mẹ con tôi", bà T. cho biết.
Sau thời gian điều trị, khối u ở não không còn gây nguy hiểm tính mạng nhưng khiến tâm trí của con gái bà T. không còn được minh mẫn. Cuộc sống của người con hiện chỉ quanh quẩn ở nhà phụ mẹ ít việc vặt.
"Thương thân tôi khổ 1 thì thương con bé 10. Tôi biết khó có công việc nào trong xã hội phù hợp với con nên xin cái máy khâu về cho nó tập may. Cứ sợ lỡ tôi mất đi, không biết nó sống thế nào", bà T. chia sẻ.
Những lần đi tuyên truyền bị xua đuổi, dọa đánh...
Hơn 15 năm, người phụ nữ có thân hình nhỏ thó ấy len lỏi khắp các tụ điểm tệ nạn của vùng Bắc Quảng Bình để tuyên truyền phòng, chống HIV. Cùng với đó, bà T. cũng ít khi vắng mặt trong các chương trình tọa đàm, tập huấn, chia sẻ về HIV/AIDS của tỉnh Quảng Bình.
Dù nắng mưa, lúc nông nhàn, trên chiếc xe đạp cà tàng, bà T. đến gặp những người hành nghề mại dâm, tụ điểm chích hút, những người nhiễm HIV. Bà T. lại lấy câu chuyện của mình để chia sẻ cùng những con người đó. Bởi hơn ai hết, bà hiểu được tác hại của "căn bệnh thế kỷ" với sức khỏe bản thân, sự kỳ thị của xã hội.
"Tôi âm thầm tìm hiểu và đến gặp một số phụ nữ bán dâm. Tôi chia sẻ sự đau khổ, buồn tủi của bản thân khi mắc phải căn bệnh này để chị em biết sợ. Tôi mong họ bỏ nghề, làm nghề khác phù hợp hơn, nếu không được thì phải thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV và các bệnh khác", bà T. chia sẻ.
Trong hành trình hơn 15 năm ấy, đâu chỉ có sự kiên trì, tỉ mẩn mà còn có cả sự nguy hiểm, hy sinh sức khỏe của bà T., bà vẫn nhớ những lần đến gặp người hành nghề mại dâm để chia sẻ, người nhiễm HIV để khuyên đi điều trị, bà bị chủ cơ sở, người nhà người bệnh xua đuổi, cấm cản.
"Có một số người bị nhiễm HIV nhưng vì lo sợ bị kỳ thị nên không dám đi điều trị. Tôi đến chia sẻ rằng sau nhiều năm bị nhiễm H, nhờ được điều trị phù hợp nên giờ tôi vẫn còn khỏe để làm việc và đi tuyên truyền. Tôi tư vấn và kết nối cho người bệnh được điều trị mà không lộ thân phận, cũng nhiều người họ tham gia. Nhưng mới đầu đến đều bị người bệnh, người nhà họ xua đuổi. Phải mưa lâu thấm đất thôi", bà T. chia sẻ.
Rồi có những lần bà len lỏi tới những căn nhà hoang, chân cầu để tiếp cận người sử dụng ma túy. Khi những "con nghiện" không làm chủ được bản thân, họ có những hành động dọa đánh, thậm chí dọa giết bà T.
"Tìm được chỗ mấy người đó hút chích đã khó, vào đó mà nói chuyện với họ lại khó hơn. Có lần tôi lần theo bờ rào (kênh) tới chỗ nhóm người hay tụ tập. Thấy người lạ, nhóm kia xấn tới và nói đánh tôi nhừ xương. Tôi biết khi đó mà căng là mình bị đánh thật nên nhẹ nhàng nói đánh tôi cũng không được gì, xin cho tôi nói đôi câu. Tôi nói là hút chích như vậy vừa tốn tiền, tốn sức khỏe rồi còn nguy cơ bị nhiều bệnh nữa. Như tôi bị bệnh HIV lâu năm khổ thế nào tôi biết", bà T. nhớ lại.
Sau những lần "liều mạng xin nói" của bà T., một số thanh niên âm thầm liên hệ để bà kết nối với các đơn vị cai nghiện. Nhiều bệnh nhân HIV cũng tham gia điều trị ARV lâu dài.
Vẫn âm thầm với công việc của mình, bà T. vẫn tiếp tục hành trình khi đôi chân còn có thể đi. Bà luôn tâm niệm, những đóng góp của mình sẽ khiến xã hội giảm đi những nỗi đau như bản thân mình đã chịu.
"Trước đây có khoản hỗ trợ 3tr/năm nhưng 7-8 năm nay không có rồi. Tôi làm vì mong muốn giúp xã hội, bản thân được thanh thản. Vẫn cứ cố gắng đến khi còn có thể thôi chú ạ", bà T. nói.