Người phụ nữ Mỹ mang loại máu khiến bác sĩ ngửi phải ngất hàng loạt
Năm 1994, hơn 20 nhân viên tại một phòng cấp cứu ở Mỹ ngất xỉu bí ẩn sau khi tiếp xúc với máu của một phụ nữ trẻ đang hấp hối.
Khoảng 20h15 ngày 19/12/1994, một phụ nữ trẻ nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Riverside, nam California, Mỹ. Bệnh nhân còn nhận biết được xung quanh nhưng thở dốc và chỉ trả lời nhát gừng.
Đó chính là ngày mà Gloria Ramirez, hay còn được gọi là "Toxic lady" nhập viện, tạo nên hàng loạt bí ẩn xung quanh sự kiện này.
Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có loại máu lạ
Gloria Ramirez (sinh năm 1963) bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Ngày 19/12/1994 cô nhập viện trong tình trạng nguy kịch, huyết áp giảm mạnh.
Các nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa thành phố Riverside ngay lập tức tiêm thuốc để làm giảm các triệu chứng gây nguy hiểm. Nhiều y tá tham gia ca cấp cứu khẳng định rằng họ nhìn thấy một lớp dịch lỏng (lấp lánh như loang dầu) bao phủ cả cơ thể bệnh nhân. Đồng thời, miệng của Ramirez bốc ra một mùi như mùi tỏi.
Y tá Susan Kane chịu trách nhiệm lấy máu của bệnh nhân 31 tuổi để xét nghiệm. Như mọi người bệnh khác, Susan vạch cánh tay phải của Ramirez, khử trùng bằng cồn và đâm ống kim tiêm. Khi ống tiêm lấy đủ số máu cần thiết, đột nhiên mùi hóa chất tựa như amoniac sộc lên mũi của nữ y tá.
Cô đưa ống tiêm cho những y, bác sĩ khác là Welch, Julie Gorchynski, Humberto Ochoa. Tất cả đều khẳng định máu của bệnh nhân Gloria Ramirez có mùi hôi kỳ lạ như mùi nước tiểu.
Và điều bất ngờ đã xảy đến. Sau khi ngửi mùi máu của bệnh nhân 31 tuổi, Susan Kane cảm thấy choáng váng và ngã quỵ. Các y bác sĩ khác cũng gặp phải tình trạng ngất xỉu tương tự. Trong khi đó, Sally Balderas, một y tá phụ trách đưa xác Ramirez vào phòng cách ly thì nôn mửa, nóng rát trên da.
Tổng cộng, 23 trong số 37 nhân viên phòng cấp cứu tiếp xúc với Gloria Ramirez đã trải qua ít nhất một triệu chứng bất thường. 5 người phải nhập viện ngay trong đêm.
Balderas bị ngưng thở trong 10 ngày nằm viện. Bác sĩ Gorchynski, người bị ảnh hưởng nặng nhất, đã trải qua 2 tuần chăm sóc đặc biệt. Ngoài chứng ngưng thở, cô còn bị viêm gan, viêm tụy và hoại tử mô mạch, mô xương bị thiếu máu. Hoại tử mô mạch tấn công đầu gối khiến nữ y tá phải chống nạng trong nhiều tháng.
Discover Magazine dẫn lời Sheldon Wagner, một nhà độc học lâm sàng tại Đại học bang Oregon cho biết, cần phải có một loại kịch độc mới có thể gây ra tất cả triệu chứng nguy hiểm như vậy.
Hồ sơ không lời giải của y học Mỹ
20h50 ngày 19/12/1994, bệnh nhân Gloria Ramirez được tuyên bố qua đời vì ung thư. Cô chết do suy tim và suy thận.
Tiến sĩ Ana Maria Osorio và Kirsten Waller do sở Y tế bang California cử đến đã phỏng vấn 34 bệnh nhân có mặt vào ngày 19/2 – thời điểm Ramirez vào phòng cấp cứu. Họ tìm ra điểm khác thường rằng chỉ những ai đứng gần bệnh nhân 31 tuổi trong phạm vi 60 cm hoặc trực tiếp tham gia ca cấp cứu mới gặp tình trạng kể trên.
Tuy nhiên, tình trạng bất thường của các y bác sĩ tham gia ca cấp cứu vẫn là ẩn số. Sau 2 tháng điều tra, 3 lần khám nghiệm tử thi, cảnh sát không tìm ra manh mối gây ra hiện tượng này. Cuối cùng, họ khép lại vụ án không có lời giải.
Cho đến khi một nhóm nghiên cứu Vũ khí hạt nhân tại Trung tâm Khoa học Pháp y của Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore tham gia vào điều tra vụ án 2 tháng sau khi bệnh nhân tử vong.
Để tìm ra lời giải, họ phân tích các hợp chất hữu cơ và vô cơ trong máu, mật, mô cơ quan của Ramirez như gan, phổi, tim, thận. Brian Andresen, giám đốc của nhóm nghiên cứu nghi ngờ rằng đầu là nơi “ẩn náu” của một loại khí độc hại. Đặc biệt còn có mật - nơi thường chứa các chất độc.
Nhưng tất cả điều mà Andresen tìm thấy là nito, oxy, CO2 và argon - những thành phần bình thường của không khí.
Tiếp đến, ông sử dụng máy quang phổ để phân tích thi thể bệnh nhân đặc biệt. Bằng cách này, Andresen đã đoán ra danh tính của một số hợp chất có trong cơ thể của Ramirez trước khi cô qua đời. Trong số đó có các loại thuốc capocaine, Tylenol, codein và Tigan (một loại thuốc chống viêm họng).
Sau rất nhiều nghiên cứu phức tạp khác, Lawrence Livermore phát hiện Gloria Ramirez thường sử dụng một loại dung môi gọi là DMSO - Dimethyl sulfone - một loại thuốc chữa tại gia dùng để giảm đau. Dimethyl sulfone thường được người dùng miêu tả có mùi vị như tỏi.
Phòng thí nghiệm Livermore đặt ra giả thuyết là có một lượng DMSO tích tụ trong cơ thể Ramirez vì bệnh nhân bí tiết niệu. Chính vì thế, qua nhiều năm, cơ thể cô ứ đọng một lượng lớn DMSO.
Khi Ramirez nguy kịch (với nguyên nhân được cho là suy thận, tim), cô được đưa vào xe cứu thương. Các nhân viên y tế sử dụng mặt nạ dưỡng khí, các phân tử oxy tràn vào máu, kết hợp với DMSO trong cơ thể, đẩy nồng độ dimethyl sulfone lên cao, tạo thành DMSO2 - Methylsulfonylmethane.
DMSO2 kết tinh trong nhiệt độ phòng tạo thành các tinh thể nhỏ trong máu mà Susan Kane nhìn thấy khi lấy máu xét nghiệm. Máy trợ tim kích thích các phản ứng hóa học, sốc điện làm chuyển hóa DMSO2 thành DMSO4, Dimethyl sulfate. Đây là một khí ga cực độc. DMSO4 thải ra xung quanh cơ thể của Ramirez và gây ra các phản ứng mà 23 y bác sĩ gặp phải.
Nhà nghiên cứu bệnh học của Ramirez vẫn không thể đưa ra nguyên nhân chính xác về cái chết của cô. Bởi họ thấy điều bất thường như nhịp tim biến mất, các cơ quan bị nhiễm độc nghiêm trọng khi cấp cứu. 10 tuần sau khi bệnh nhân qua đời, cô được chôn tại công viên tưởng niệm Olivewood.
14 tháng sau vụ việc, vụ án Riverside vẫn là điều kỳ dị và mờ ám. Nếu nhóm của Andresen đúng, nhiều người tự hỏi liệu có còn ổ dịch độc hại nào như vậy tồn tại hay không? Trong lịch sử y tế, vẫn chưa từng có một hồ sơ bệnh án nào tương tự.
Vụ án về “người đàn bà độc dược” Gloria Ramirez là một lời cảnh báo. Cơ thể con người có thể là một nơi kỳ lạ và có khả năng gây tử vong cho người khác.
Và nếu các nhà điều tra của LNL sai, vậy thì chuyện gì đã xảy ra trong phòng cấp cứu ở Riverside vào ngày 19/2/1994?