Người phụ nữ ở Hạ Long mỗi tháng thu gom hàng tấn banner quảng cáo và vải thừa 'hô biến' thành đồ thời trang
Thay vì thải bỏ ra môi trường, những tấm banner quảng cáo hay quần áo cũ, vải vụn... sẽ được phân loại, tái chế thành những sản phẩm thời trang đẹp, độc, lạ. Đây là cách mà chị Trần Thị Hương, Giám đốc HTX Sản xuất sản phẩm tái chế dịch vụ Tổng hợp Green Life Hạ Long (phường Hà Khẩu, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) và các cộng sự bền bỉ thực hiện trong nhiều năm qua để tạo sinh kế, đồng thời lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Nằm trong khuôn viên rực rỡ sắc màu bởi nhiều loài hoa được trồng trong những lốp xe ô tô cũ, khiến không gian của HTX trở nên bắt mắt và gần gũi, xưởng may tái chế của HTX rộng khoảng 100m2 được phủ đầy những slogan, biểu ngữ "Giảm nhựa vì một Hạ Long xanh", "Nói không với rác thải nhựa"...
Cơ duyên khởi nghiệp từ… rác
Khu vực sản xuất và không gian trưng bày của HTX Green Life khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những sản phẩm thủ công như balo, túi xách, phụ kiện,… được làm bằng vật liệu tái chế như banner quảng cáo, quần áo cũ...
Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, chị Trần Thị Hương, Giám đốc HTX Green Life Hạ Long cho biết, chị tham gia các hoạt động của hội phụ nữ tại địa phương, đặc biệt là các hoạt động xã hội, nhờ đó nắm được chủ trương tái chế rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường của các cấp hội phụ nữ, đặc biệt là mô hình "Biến rác thành tài nguyên" của Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Hạ Long. Từ đó, chị đã nung nấu ý định phải làm gì đó để bảo vệ môi trường.
"Đó cũng là thời điểm, Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh Green Hub cùng Hội Phụ nữ TP. Hạ Long có dự án hình thành nên mô hình tái chế, vì vậy tôi đã quyết tâm thực hiện”, chị Hương chia sẻ.
Nhận được nhiều sự ủng hộ, quan tâm, động viên của các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương, có thêm động lực, chị Hương bắt tay vào việc xây dựng 'ngôi nhà Green Life' từ những vật liệu là rác thải nhựa, rác thải công nghiệp thông thường.
Toàn bộ phần tường bao của nhà sản xuất và trưng bày của HTX được xây từ những viên gạch vỡ; kính cửa sổ được tận dụng từ kính của các tàu du lịch thải bỏ. Thậm chí, bàn tiếp khách cũng được tái chế từ những vật liệu tàu biển bỏ đi; những ghế ngồi là lốp xe hỏng đã được "mặc" chiếc áo vải hoa tươi tắn từ... quần áo bỏ đi.
Từ nguồn vốn ít ỏi do các thành viên cùng nhau đóng góp và bằng chính nội lực của mình, không gian trưng bày của HTX đã được hình thành với 3 khu vực rõ ràng gồm: Khu vực trưng bày sản phẩm, khu vực tiếp khách và khu vực sản xuất với những máy móc thiết bị như máy may công nghiệp, máy vắt sổ, máy đóng khuy, bàn là hơi... Đặc biệt là không gian khu sân vườn được trang trí đầy màu sắc để phục vụ du khách đến tham quan và thực hiện các hoạt động trải nghiệm.
Biến rác thải thành tài nguyên
Với phương châm “Rác không phân loại chỉ là rác, rác đã phân loại là tài nguyên”, từ những người chưa hề biết gì về kỹ thuật may vá, thiết kế thời trang, chị Hương cùng các thành viên HTX đã tự mày mò, nghiên cứu, tìm hiểu qua mạng xã hội, youtube... để tổ chức hoạt động thu gom, phân loại một số thành phần của rác thải.
Nhờ sự khéo léo, sáng tạo của những người phụ nữ mà những tấm bạt nhựa bỏ đi, quần áo cũ, vải vụn... có thêm vòng đời ý nghĩa khi trở thành túi xách thời trang, làn đi chợ, vòng tay, nơ buộc tóc ... Đến nay, HTX đã làm ra những chiếc túi có chất lượng cao hơn từ vải bò cũ, ở giữa có một lớp banner để chống thấm và gia tăng độ chắc chắn cho sản phẩm.
“Công đoạn khó khăn nhất chính là việc vận chuyển nguyên liệu từ nguồn thải về nơi sản xuất, trong đó đặc biệt vất vả là việc phải tiến hành vệ sinh những tấm banner quảng cáo vì chúng rất to và nặng. Hiện nay, để đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất, chúng tôi phải phối hợp với một số công ty quảng cáo để được thu gom tập trung và tiếp nhận. Còn đối với những loại quần áo cũ, bản thân chị em trong HTX đều phải tự mình đi thu gom, và một phần nhỏ do người dân mang đến đổi lấy sản phẩm”, chị Hương chia sẻ.
Đến nay, HTX Green Life đã có 9 thành viên tham gia sản xuất tập trung, toàn bộ đều là phụ nữ. Đến với HTX, các thành viên đều mong muốn góp sức mình để bảo vệ môi trường, thu gom và tái chế những đồ cũ thành sản phẩm hữu ích, từ đó lan tỏa lối sống xanh, thân thiện với môi trường.
Các sản phẩm của HTX chủ yếu được bán cho khách du lịch trong và ngoài nước thông qua các hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế, một số ít được bán thông qua mạng xã hội. Hiện nay, HTX đã bố trí nhân sự thực hiện tìm hiểu, tiếp cận với các sàn thương mại điện tử để từng bước quảng bá, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Chị Trần Hồng Hạnh (phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long), thành viên trẻ nhất trong HTX tâm sự: “Từ hoạt động thu gom, tái chế, HTX đã biến rác thải thành những tài nguyên hữu ích, đem lại giá trị kinh tế, từ đó lan tỏa được ý thức về bảo vệ môi trường. Việc làm tuy nhỏ, nhưng tôi hy vọng mình sẽ góp được một phần công sức để chung tay bảo vệ môi trường, từng bước nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường”.
Lợi ích “kép” từ lối sống “xanh”
Đến thời điểm hiện tại, mỗi tháng HTX Green Life thu gom và tái chế hơn 1 tấn banner quảng cáo và trên 500 kg vải thừa. Từ những nguyên liệu tưởng chừng như bỏ đi ấy, chị Hương và các thành viên HTX đã làm ra trên 10.000 sản phẩm mỗi tháng như túi tote, túi xách, balo, phụ kiện... Các sản phẩm của HTX được nhiều du khách trong và ngoài nước tin yêu, đón nhận.
Nhờ việc liên kết, phối hợp với các công ty du lịch, bình quân mỗi tháng HTX thu hút khoảng gần 1.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm lối sống thân thiện với môi trường. Doanh thu bình quân của HTX ước đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên với mức thu nhập bình quân đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng. Nguồn thu nhập tuy không cao, nhưng HTX đã góp phần giảm thiểu rác thải trên địa bàn TP. Hạ Long, đồng thời tuyên truyền đến đông đảo người dân nâng cao nhận thức, có trách nhiệm trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường.
Đến nay, HTX Green Life đã trở thành điểm du lịch cộng đồng, tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. “Song hành cùng với việc tạo việc làm và phát triển kinh tế, HTX cũng thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo, nói chuyện với các em nhỏ để chia sẻ, hướng dẫn cách tái chế và lối sống xanh”, chị Hương cho biết thêm. Hiện tại, lịch đặt tham quan tại HTX trong năm 2024 đã được các đơn vị liên hệ trước từ rất sớm và đã gần như kín.
Vượt qua những nghi ngại ban đầu, đến nay, HTX Green Life đã có những thành công nhất định khi khẳng định được vị thế của mình tại địa phương thông qua việc vừa phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những khó khăn nội tại, do phần lớn các thành viên đều là những người phụ nữ lớn tuổi, khả năng tiếp cận không gian mạng để học hỏi còn nhiều trở ngại. Một số thành viên cũng không có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực may mặc, thiết kế thời trang; đầu ra cho sản phẩm còn nhiều hạn chế do chưa tiếp cận được với các hoạt động truyền thông, quảng cáo...
Trong thời gian tới, HTX Green Life sẽ tiếp tục xây dựng thêm các kế hoạch phát triển để mở rộng quy mô, từ đó lan tỏa rộng rãi mô hình. Đặc biệt, HTX đã và đang nghiên cứu để kết hợp mở thêm nhiều buổi trải nghiệm tái chế cho các em nhỏ, mang đến nhiều hoạt động vừa thú vị, vừa hữu ích. HTX cũng sẽ tiếp tục áp dụng chính sách đổi vật liệu tái chế lấy túi đi chợ với chị em phụ nữ trong khắp tỉnh Quảng Ninh; phối hợp với các trường học, cụm dân cư trên địa bàn thực hiện chương trình đổi rác tái chế lấy quà tặng ...
Biến rác thải thành tài nguyên đã không còn là mô hình mới. Tuy vậy, việc bền bỉ duy trì những mô hình "sống xanh" không phải là điều dễ dàng nếu không chuyển biến được nhận thức của người dân về rác thải. HTX Green Life Hạ Long đang góp phần lan tỏa tình yêu thương, lan tỏa lối sống có trách nhiệm với xã hội, với môi trường của những người dân thành phố bên bờ Di sản vịnh Hạ Long.