Người phụ nữ qua đời ở khu phong tỏa của Trung Quốc
Theo South China Morning Post, mặc dù gia đình đã nhờ giúp đỡ, người phụ nữ 55 tuổi vẫn không được tiếp cận dịch vụ y tế sớm và qua đời trong khu phong tỏa.
Giới chức ở thành phố Hồi Hột, miền Bắc Trung Quốc cam kết cải thiện cách thức kiểm soát Covid-19, sau khi người dân trên toàn quốc phẫn nộ vì có thêm một người qua đời trong khu phong tỏa. Một lần nữa, công chúng đặt câu hỏi về chiến lược này.
Gia đình đã cầu cứu
Người phụ nữ 55 tuổi được tìm thấy đã qua đời ngày 4/11 trong một chung cư. Nơi này bị phong tỏa vào ngày 26/10 sau khi có hai ca dương tính với nCoV.
Ngày 6/11, chính quyền thành phố Hồi Hột, thủ phủ của khu tự trị Nội Mông, cho biết các thành viên trong gia đình người phụ nữ này đã liên hệ với nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ và gọi đến đường dây nóng cấp cứu y tế địa phương.
Họ muốn thông báo người phụ nữ mắc chứng rối loạn lo âu và có xu hướng tự tử nên cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Tuy nhiên, cả văn phòng quản lý cộng đồng và đường dây trợ giúp đều không thể can thiệp hoặc phản hồi kịp thời.
“Một cuộc điều tra cho thấy cơ quan quản lý và nhân viên cộng đồng phản ứng chậm, không đúng cách và thiếu nhạy cảm với các trường hợp khẩn cấp. Vụ việc cho thấy sự lạc hậu trong quản lý cư dân và thiếu sót trong công tác cộng đồng, phản ánh sự không hoàn hảo của đường dây phản ứng nhanh 120", tuyên bố cho biết.
Giới chức cũng tuyên bố sẽ cải thiện các biện pháp kiểm soát Covid-19, điều tra những vấn đề hệ thống và truy cứu trách nhiệm của bất kỳ ai được cho là không ngăn chặn những sự cố như trên.
Động thái này được đưa ra một ngày sau khi các quan chức y tế hàng đầu Trung Quốc yêu cầu chính quyền địa phương không nên ngăn cấm quá mức đời sống của người dân, khắc phục sơ suất và cải thiện phương pháp Zero Covid-19, thích ứng với những thay đổi của virus.
Sự tức giận leo thang
Sự tức giận của người dân với chi phí nhân lực đổ vào kiểm soát Covid-19 quá mức đang ngày một tăng, đặc biệt là khi các sự cố bi thảm liên tục xảy ra.
Trước cái chết của người phụ nữ ở Hồi Hột chưa đầy một tuần, cậu bé 3 tuổi sống trong một khu vực bị phong tỏa thuộc thành phố Lan Châu bị ngộ độc khí gas. Cha em đã cầu xin trong vô vọng, mong chính quyền giúp đưa cậu đến bệnh viện.
Chính quyền thành phố Erdos, thuộc khu tự trị Nội Mông, đã tuyên bố họ sẽ tăng cường công tác ứng phó tình huống khẩn cấp, và "đặt việc cứu người lên trên hết", sau khi sự việc tại Lan Châu.
Thủ phủ của tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, tuần trước cũng gây xôn xao khi một công nhân của nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới hoảng sợ bỏ chạy vì cách kiểm soát Covid-19 quá hà khắc.
Giới chức ở các tỉnh Quý Châu và Tứ Xuyên cũng bị tố cáo vì thu phí tại những cơ sở cách ly.
Sự phẫn nộ của người dân xoay quanh vấn đề thiếu lương thực ở khu phong tỏa, tử vong do không được cấp cứu kịp thời.
Trong khi đó, ông Hu Xiang, quan chức của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết đất nước sẽ "giữ vững" chính sách "Dynamic Zero Covid-19". Người này nói: “Mùa đông sẽ chứng kiến làn sóng mới Covid-19 trên toàn cầu" và chỉ ra các đợt bùng phát đã trở lại ở một số vùng tại Trung Quốc, cùng với nguy cơ cúm mùa.
Tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc đang chống chọi với đợt bùng phát Covid-19 gia tăng, ghi nhận hơn 1.450 ca nhiễm mới. Tỉnh này chiếm gần 1/3 trong số 4.610 ca mắc trên toàn quốc.
Đại dịch và các hạn chế liên quan cũng thúc đẩy tình trạng khủng hoảng sức khỏe tâm thần, ở cả học sinh. Chính quyền ở các tỉnh như Phúc Kiến và Tứ Xuyên, thành phố Thiên Tân, đã lập đường dây nóng khẩn cấp và dịch vụ tư vấn, đồng thời tổ chức hội thảo trực tuyến về sức khỏe tâm thần cho những người trẻ tuổi.