Người phụ nữ quyền lực của Đế chế Ottoman
Hai cô gái trẻ cùng lớn lên ở một vùng đất xinh đẹp của nước Pháp. Họ đều nhận được lời tiên tri về tương lai sẽ trở thành người phụ nữ cao quý nhất chốn hoàng gia.
Mọi chuyện có lẽ đã ứng nghiệm với Joséphine, người vợ đầu của Hoàng đế Napoléon Bonaparte. nhưng câu chuyện của cô em họ Aimeé du Buc de Rivéry có lẽ vẫn còn nhiều tranh cãi.
Tuổi thơ phóng khoáng
Sinh năm 1768 trong một gia đình sản xuất mía đường giàu có ở Pointe Royale, đảo Martinique, thuộc địa Pháp, Aimeé du Buc de Rivéry chắc hẳn đã có một cuộc sống tự do và được cưng chiều.
Theo nhiều sử gia, Aimeé du Buc de Rivéry có thuở thơ ấu khá giống với Marie Josèphe Rose Tascher de La Pagerie, người sau này trở thành Hoàng hậu Joséphine của Hoàng đế Napoléon, bà ngoại của Hoàng đế Napoléon III. Joséphine từng viết về tuổi thơ của mình: “Tôi chạy, tôi nhảy, tôi múa, từ sáng tới tối; không ai gò bó hay ngăn cản”. Aimeé và Marie được cho là khá gần gũi khi cùng lớn lên ở Martinique.
Trong cuốn “The Rose of Martinique: A life of Napoleons Josephine” (tạm dịch: Bông hồng xứ Martinique: Cuộc đời của Josephine) của tác giả Andrea Stuart, hai cô gái trẻ từng được nghe lời tiên tri về cuộc đời mình, rằng cả hai rồi sẽ lên tới địa vị cao nhất ở chốn “hậu cung”.
Trong một lần dạo chơi, Aimeé và Josephine vô tình gặp một thầy bói lạ mặt. Ông nói rằng Josephine sẽ hối tiếc “chuỗi ngày sống tự do tự tại ở Martinique”, nhưng sự đánh đổi ấy là xứng đáng khi cô sẽ lấy một “người đàn ông vốn không có gì nổi bật” nhưng sẽ là người đưa cô lên địa vị “còn cao hơn cả nữ hoàng”. Trong khi đó, số phận của Rivéry lại có vẻ sóng gió hơn khi người thầy bói cảnh báo rằng cô sẽ rơi vào tay những kẻ cướp biển, và bị bán tới “một hoàng cung lớn” ở phía bên kia thế giới.
Theo cuốn sách của Stuart, Hoàng hậu Joséphine sau này từng nhiều lần kể lại câu chuyện cũ về lời tiên tri, và cho rằng đó đúng là điều đã xảy ra những năm về sau với chính bà và người họ hàng Rivéry.
Lai lịch bí ẩn
Một số người cho rằng cô gái trẻ Aimeé biến mất trong hành trình vượt biển năm 1778, chỉ một năm trước khi hành trình của Joséphine đưa cô trở thành Hoàng hậu nước Pháp. Một số người khác lại cho rằng Rivéry mất tích sau khi trở về từ một tu viện Pháp và bị các hải tặc bắt cóc. Thậm chí còn có những truyền thuyết nói rằng thực chất cô đã bị bắt cóc từ khi 2 tuổi, hay chết đuối trong một vụ đắm tàu.
Đa phần đều tin rằng Aimeé du Buc de Rivéry từng được gửi đến học tại một tu viện ở Pháp, và trên đường trở về nhà, con tàu của cô đã bị cướp biển vùng Barbary đánh chiếm. Cô trở thành nô lệ và được đưa tới Constantinople (Istanbul ngày nay) như một món quà dành cho Quốc vương Ottoman dưới danh nghĩa Tổng đốc Algiers. Tại đây cô gái trở thành một trong những người vợ của Quốc vương dưới cái tên Naksidil.
Naksidil là người vợ hết mực sủng ái của Quốc vương Ottoman Abdul Hamid I, và sau này là mẹ của Quốc vương Mahmud II. Bà trở thành người vợ chính thức (kadin) thứ tư của Quốc vương và đã nhiều lần chứng kiến cuộc tranh đấu trong hậu cung, nhất là khi người vợ thứ nhất Nükhet Seza và người vợ thứ hai là Mihrimah đối đầu nhau để tìm cách đưa con trai mình lên vương vị. Không tham gia những đấu đá này, Naksidil chỉ lặng lẽ theo dõi và tìm cách bảo vệ con trai mình.
Năm 1789, thời điểm diễn ra cuộc Cách mạng Pháp, Quốc vương Abdul Hamid I qua đời. Selim III lên ngôi ở tuổi 27, kế vị chú mình, và cho phép Naksidil tiếp tục ở lại cung điện Seraglio cùng con trai mình là người em họ Mahmud.
Đối với Selim, Naksidil là tượng trưng cho những nét văn hóa Pháp mà ông luôn ngưỡng mộ. Bà đã trở thành bạn tâm giao của Quốc vương Selim III, dạy ông học tiếng Pháp và thời đó là lần đầu tiên Ottoman cử đại sứ thường trực tới Paris. Selim III đã thành lập một tòa soạn báo ở Pháp và cho phép Naksidil trang trí cung điện theo phong cách vốn thịnh hành thời bấy giờ tại Pháp.
Tuy nhiên, chính những cải cách này đã khiến ông phải đánh đổi mạng sống của mình. Quốc vương Selim III bị sát hại vào năm 1807 bởi những kẻ cực đoan không ủng hộ chủ nghĩa tự do mà ông khởi xướng. Các sát thủ tìm cách giết chết Mahmud song Naksidil đã nhanh trí giấu con trai mình.
Mahmud sau đó trở thành Quốc vương của Đế chế Ottoman vào năm 1808, hoàn thành những cải cách quan trọng từ thời Selim III, phần lớn đều có sự ảnh hưởng từ người mẹ, để cứu vãn đế quốc đang suy vong trầm trọng.
Là một con người thông minh và có nhận thức, ông đã học hỏi các cải cách ở phương Tây, đặc biệt là về quản trị, quân đội, pháp luật và tài chính. Mahmud II được xem là người đã hiện đại hóa Đế quốc Ottoman và được ví với Peter Đại đế của Đế chế Ottoman.
Naksidil vốn luôn tuân thủ chặt chẽ những nghi lễ Hồi giáo trong chốn hậu cung song sâu thẳm trong tim bà vẫn luôn là một tín đồ Cơ đốc giáo. Ước nguyện cuối cùng của Naksidil là được một linh mục hoàn thành những nghi lễ cuối cùng khi bà qua đời. Quốc vương Mahmud II đã không từ chối mẹ mình, và khi Naksidil qua đời, lần đầu tiên một linh mục Cơ đốc giáo được bước chân qua cánh cổng cung điện vào chốn hậu cung.
Đây là điều cực kỳ đặc biệt, bởi hậu cung Ottoman (hay còn lại là harem hoặc haram), trong tiếng Ảrập có nghĩa là "cấm". Đây là nơi tuyệt mật cấm kị đối với nam giới và cả những phụ nữ bình thường khác bởi chỉ có chủ nhân của đế chế là các Quốc vương Ottoman mới được đặt chân đến, ngoài ra có các hoàng tử, nhưng phải tuân thủ các quy định chặt chẽ. Họ cũng chỉ được ở đây với mẹ cho tới năm 16 tuổi.
Hậu cung của Đế chế Ottoman không phải là một khu vực kiến trúc mà hơn thế, nó giống như một thành phố thu nhỏ. Sự sủng ái mà Naksidil có được từ Quốc vương Abdul Hamid I được thể hiện qua việc bà có riêng cả một cung điện cho mình và được phép thể hiện những giá trị, cũng như nền văn hóa quê hương tại đó.
Khẳng định và bác bỏ
Có rất nhiều tài liệu chứng minh nguồn gốc và xuất thân của Naksidil. Một bức thư trong cuốn Royal French Women in the Ottoman Sultans Harem: The Political Uses of Fabricated Accounts from the Sixteenth to the Twenty-First Century (tạm dịch: Người phụ nữ Hoàng gia Pháp trong Hậu cung của Quốc vương Ottoman: Chính trị từ các câu chuyện từ Thế kỷ 16-21) của Christine Isom-Verhaaren viết về Naksidil sau khi bà qua đời vào năm 1817, có đoạn: “Có tin nói rằng Thái hậu vừa qua đời là người Pháp… và rằng khi bà chỉ mới 2 tuổi, cha mẹ bà đã mang bà tới nước Mỹ. Không may họ bị bắt cóc tới Algiers, và qua đời ở đó…
Bà ấy đã được đưa đến cho Abdul Hamid, người nhận thấy vẻ xinh đẹp của bà và sắc phong bà ấy… Người ta nói rằng bà ấy có sự hòa nhã và lịch thiệp của người Corsica và Georgia, điều chẳng quá gây ngạc nhiên bởi bà ấy là người Pháp”.
Dưới thời Quốc vương Ottoman Abdulaziz, khoảng giữa thế kỷ trước, Hoàng hậu Eugenie (vợ Hoàng đế Napoléon III) đã tới thăm Constantinople và muốn gặp những người phụ nữ trong hậu cung. Cuộc gặp nhanh chóng được sắp xếp.
Hoàng hậu Eugenie tỏ ra rất hào hứng với những gì bà được chứng kiến và rất muốn trò chuyện cùng mọi người, bà hỏi: “Ở đây có ai có thể nói được tiếng Pháp hay không?”, song tất cả đều nhìn nhau và lắc đầu. Cuối cùng một phụ nữ có tuổi nói: “Trước khi Thái hậu Nakshedil qua đời, có một cô gái trẻ được bà đặt tên là Naime, và được bà ấy dạy tiếng Pháp. Và tôi nghĩ cô gái ấy hiện vẫn sống ở Cung điện Xưa”.
Naime được gọi tới từ “Cung điện của Những người không ai muốn”, và được đưa tới gặp Hoàng hậu Eugenie. Naime có chút rụt rè song cô khá thành thạo tiếng Pháp với ngữ điệu vùng Martinique.
Một câu chuyện khác, diễn ra vào khoảng những năm 1860. Trong chuyến thăm Paris, Quốc vương Abdul Aziz, con trai của Quốc vương Mahmud II từng nhắc đến việc bà nội của ông và Hoàng đế Napoleon III có mối quan hệ huyết thống. Điều này được nhiều người nhấn mạnh cho thực tế Rivéry và Naksidil là cùng một người. Song câu hỏi là vì sao sự thật của câu chuyện lại khiến người ta có nhiều tranh cãi đến như vậy trong suốt chiều dài lịch sử?
Câu trả lời thỏa đáng nhất có lẽ là bởi yếu tố chính trị. Nhìn từ góc độ của Đế chế Ottoman, việc có mối huyết thống với hoàng gia Pháp đơn giản chỉ là một chính sách đối ngoại khéo léo. Còn với người Pháp, giả thuyết này càng củng cố tuyên bố của Hoàng đế Napoleon III về dòng máu hoàng gia bởi ông không thuộc dòng dõi hoàng tộc truyền thống.
Thật ra, sự kết hợp của một người thừa kế giàu có và một nhân vật trong hoàng cung không bắt đầu từ Rivéry và Naksidil. Từ thế kỷ 16, đã có tin đồn cho rằng một công chúa Pháp từng được gả tới hoàng gia Ottoman. Tuy nhiên, có những sử gia cho rằng thời điểm cô gái trẻ Aimeé mất tích và việc Hoàng tử Mahmud II ra đời không có sự logic, và có những bằng chứng cho thấy Naksidil thực chất đến từ vùng Caucasus, chứ không phải từ Martinique.
Nhà nghiên cứu Robert Vine viết: “Truyền thuyết nói rằng 2 cô gái trẻ, là chị em họ, tại một hòn đảo ở Carribe đã lần lượt trở thành Hoàng hậu Pháp và mẹ của Quốc vương Ottoman thật sự là một câu chuyện ly kỳ, song đáng tiếc là chẳng hề có bằng chứng nào chứng minh tất cả đều là sự thật”.
Rất có thể truyền thuyết đã được người ta dựng nên với những dụng ý nhất định. Nhiều câu chuyện có từ đầu thế kỷ 16 đã được thêu dệt về mối quan hệ giữa hoàng gia Pháp và Ottoman vì động cơ chính trị, và nhằm mục đích rõ rệt là hợp thức hóa mối liên minh giữa các chế độ này. Vì vậy nhiều người tin rằng câu chuyện về Aimeé - Naksidil chỉ là một trong số đó. Ở thời đó, người ta thậm chí còn không e ngại hay giấu diếm gì những câu chuyện về các công chúa Pháp bị bắt cóc, mà thực tế cả Hoàng đế Napoleon và Quốc vương Abdulaziz đều tỏ ra rất thoải mái khi nói về mối liên hệ này.
Về sau này, những truyền thuyết tương tự vẫn được viện dẫn để nói về sự bí ẩn và chuyên chế của Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông hay đạo Hồi nói chung. Các truyền thuyết thậm chí còn củng cố hơn định kiến cho rằng Đế chế Ottoman chỉ là một quốc gia kém phát triển, nơi ngay cả một người nô lệ phương Tây cũng đủ sức sáng tạo ra những cải tiến trong khi người bản địa chẳng tự thúc đẩy được những cải cách cần thiết.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/nguoi-phu-nu-quyen-luc-cua-de-che-ottoman-592601/