Người phụ nữ ''sống cho cả nhân gian''

thế giới này, có những người ngay từ khi sinh ra đã có quyền lực được chuyển giao theo huyết thống; lại có những người trở nên vĩ đại vì mục đích mà họ hướng tới ngay từ đầu và họ nỗ lực, tận dụng cơ hội để đạt được. Nhưng cũng có những người “bị buộc phải vĩ đại” khi tình thế, hoàn cảnh buộc họ phải chọn hành động thay vì nhắm mắt bịt tai, lựa chọn hy sinh lợi ích, an toàn của bản thân cho một điều gì đó cao cả. Rosa Luxemburg chính là người như thế.

Ngay từ khi còn nhỏ, cô bé Rosa đã thường xuyên cảm nhận thế giới xung quanh để rồi tự đặt ra những câu hỏi: Vì sao người ta lại giết nhau? Vì sao lại khiến cho người khác khổ đau? Vì sao người nghèo khổ luôn phải gánh chịu hậu quả bi thảm? Vì sao mình phải chịu đựng khổ sở chỉ để những người khác thấy vừa mắt? Làm sao một thế giới có thể tự do nếu phụ nữ vẫn còn bị trói buộc...?

Sinh năm 1871 trong một gia đình Do Thái, bởi có khuyết tật về thể chất, bởi nguồn gốc gia đình nên Rosa bị phân biệt đối xử suốt thời đi học. Dù đã nỗ lực học tập không ngừng để luôn đạt được thành tích cao nhất, nhưng những quy định phủ nhận sự cố gắng của một con người chỉ vì xuất thân và chủng tộc đã khiến cô bé Rosa dần cảm nhận được rằng chỉ học tập chăm chỉ là chưa đủ.

Tinh thần phản kháng quyết liệt trước sự phân biệt giai cấp, trước bạo lực và chiến tranh của Rosa được nhân lên mỗi ngày. Càng bế tắc, Rosa lại càng khao khát một lối thoát. Hành trình từ cô bé Rosa Luxemburg ấy đến “thanh kiếm sắc bén, ngọn lửa sống của cách mạng”, “đại bàng” của phong trào Cộng sản, “bộ não tuyệt vời nhất sau Marx” sau này đã được biên soạn trong một cuốn sách tranh đầy hấp dẫn “Hoa hồng bất tử” nhân kỷ niệm 150 ngày sinh của bà.

Có thể coi “Hoa hồng bất tử” như một cuốn tiểu thuyết cuốn hút về cuộc đời hoạt động của Rosa Luxemburg cùng nhiều minh họa sống động và chân thực. Cả một cuộc đời không ngừng chiến đấu của Rosa được kể lại, từ khi còn là cô bé, trải qua đấu tranh và ngục tù cho đến khi một tiếng súng vang lên, “nước cuốn thể xác của bà đi vào đêm đen vô định”.

Nhưng, cái chết của Rosa không phải là kết thúc tất cả, bởi di sản của bà còn lưu lại, tinh thần của bà vẫn còn sống mãi. Bà là biểu tượng cho đấu tranh vô sản, là hình mẫu lịch sử cho đấu tranh vì quyền phụ nữ và bình đẳng giới.

Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Rosa Luxemburg là một bông hoa hồng có gai mọc lên từ những lớp đất khắc nghiệt, tinh thần của bà không chỉ nằm ở việc chiến đấu chống lại sự bất công, để mang tới sự tự do, để thúc đẩy nền hòa bình mà thế hệ sau còn biết đến bà với triết lý giáo dục khai phóng, một nhà triết học, nhà kinh tế học. Bởi vậy, hy vọng trong những lần tái bản sau, cuốn sách “Hoa hồng bất tử” sẽ được bổ sung để độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ, thêm hiểu về Rosa Luxemburg, học thêm nhiều điều từ tinh thần nỗ lực và dám đấu tranh của bà.

Cuốn sách "Hoa hồng bất tử” do NXB Phụ nữ ấn hành.

Phương Hoa (theo hanoimoi.com.vn)

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/van-hoa-van-nghe/78504/nguoi-phu-nu-song-cho-ca-nhan-gian.html