Người phụ nữ trung niên sầm mặt, quay ngoắt thái độ khi biết lương hưu của đối tác hẹn hò

Nghe đến khoản lương hưu trí của ông Giang, người phụ nữ biến sắc, sầm mặt xuống. Hai bên thực sự đã bắt đầu có những bất đồng ý kiến.

Người phụ nữ họ Đinh (63 tuổi, sống tại huyện Bạch Thành, Cát Lâm, Trung Quốc) đã gửi thư đến một chương trình mai mối để tìm kiếm đối tượng gắn bó lúc về già. Chương trình đã giới thiệu bà với ông Giang (69 tuổi, cũng sống ở Cát Lâm).

Khi vừa gặp mặt, hai bên đều cảm thấy ưng ý với vẻ bề ngoài của đối phương và nói chuyện với nhau rất hợp. Chồng bà Đinh mất cách đây 12 năm. Con trai duy nhất đã lập gia đình. Hiện bà có mức lương 2300 NDT (khoảng 7,8 triệu đồng).

Bà Đinh vui vẻ đầu cuộc gặp

Bà Đinh vui vẻ đầu cuộc gặp

Bà Đinh cho biết hiện còn mang số nợ 100 nghìn NDT (khoảng 340 triệu đồng) do chữa bệnh cho chồng ngày xưa và mới cưới con trai gần đây. Bà cũng chẳng mong chồng mới trả nợ giúp mà bản thân sẽ tự trả nợ.

Về phần ông Giang, ông cũng sống một mình với khoản lương hưu trí 1100 NDT (khoảng 3,7 triệu đồng). Vừa nghe đến đây, bà Đinh đã biến sắc, sầm mặt xuống. Bà nói nhỏ với người mai mối số tiền ấy một người sống thì tạm đủ chứ với hai người thì đúng là chẳng biết nên co kéo ra sao.

Bà Đinh hỏi ông Giang: "Nếu như chúng ta kết hôn, số tiền lương hưu đó không đủ sống thì nên làm thế nào". Ông Giang ngập ngừng nói lương hưu thấp thì mỗi ngày có lẽ chỉ nên chi tiêu trong khoảng 40 NDT (136 nghìn) thôi.

Bà Đinh nghe xong thì không nói gì nhưng gương mặt càng lúc càng tỏ rõ thái độ không hài lòng. Ông Giang còn nói thêm rằng nếu muốn có ngày nào đó chi tiêu nhiều hơn thì ngày khác phải tiêu ít lại. Hai bên thực sự đã bắt đầu có những bất đồng ý kiến.

Bà Đinh không hài lòng vì đối phương có lương hưu quá thấp.

Bà Đinh không hài lòng vì đối phương có lương hưu quá thấp.

"Ví dụ có ngày tôi muốn mua một chiếc váy trị giá 100 NDT (khoảng 350 nghìn đồng) thì sao", bà Đinh hỏi.

"Thế thì mua thôi, 100 NDT đâu có là gì", ông Giang ôn tồn đáp.

Nghe xong câu này, bà Đinh bật cười nói luôn: "100 NDT thực sự không là gì nhưng mấu chốt là anh lấy ở đâu ra".

Theo quan điểm của bà Đinh, hai người sống với nhau, chi phí sinh hoạt mỗi tháng phải rơi vào 2000 NDT (khoảng 7 triệu đồng).

Nghe bà Đinh nói vậy, ông Giang ấp úng nói rằng mình có một khoản tiết kiệm. Tuy nhiên số tiền ấy để dành cho việc chữa bệnh sau này. Thấy tình hình không ổn, người mai mối nói rằng căn nhà của ông Giang thuộc diện quy hoạch, khi phá dỡ cũng có thể thu về khoản tiền không nhỏ. Nghe vậy song bà Đinh không mấy mặn mà bởi chuyện tương lai, chẳng ai dám nói trước được.

Cuối cùng, buổi hẹn hò tan rã trong không vui, tất cả cũng chỉ vì khoản lương hưu ít ỏi mà ông Giang nhận hàng tháng không đáp ứng kỳ vọng của bà Đinh.

Tài chính đóng vai trò thế nào trong hôn nhân?

Suy nghĩ kết hôn vì tiền có thể do thực dụng nhưng các yếu tố tài chính thường là một phần lý do chính khiến mọi người quyết định có đi đến hôn nhân hay không. Tài chính trở thành sợi dây liên kết chặt chẽ trong mối quan hệ của hai người, ngay cả khi họ đến với nhau bằng tình yêu.

Trước đây, các thỏa thuận kinh tế sẽ quyết định một cuộc hôn nhân. Thời điểm hôn nhân sắp đặt còn phổ biến trên thế giới, tập quán trả hồi môn gây áp lực lớn lên các mối quan hệ. Nếu các gia đình không có nguồn lực kinh tế chuẩn bị hồi môn, cuộc hôn nhân đó không được công nhận một cách chính thức.

Hôn nhân thành công còn phụ thuộc nhiều vào tài chính. Ảnh minh họa

Hôn nhân thành công còn phụ thuộc nhiều vào tài chính. Ảnh minh họa

Theo báo cáo năm 2019 tại Hoa Kỳ về "Hôn nhân và Chung sống", 90% người được hỏi chia sẻ họ kết hôn vì tình yêu, 2/3 cho biết kết hôn vì tình bạn. Chỉ có 13% trả lời cuộc hôn nhân của họ mang ý nghĩa về mặt tài chính.

Đối với các cặp đôi đang sống thử, các vấn đề tài chính là vấn đề lớn hoặc nhỏ cản trở họ kết hôn. Hơn một nửa cho biết bản thân chưa sẵn sàng về mặt tài chính (59%) hoặc người yêu của họ chưa đáp ứng đủ điều kiện tài chính (53%). 44% người độc thân nói rằng họ muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình trước khi tiến tới hôn nhân. Các báo cáo cũng chỉ ra độ tuổi kết hôn ngày càng muộn hơn so với trước đây.

Trên thực tế, hôn nhân trở thành mối quan hệ hợp tác tài chính như chi trả cho các chi phí sinh hoạt hàng ngày, phí nuôi dạy con cái. Các nhà hoạch định tài chính đã chia sẻ nhiều về cách các cặp vợ chồng có thể giải quyết tốt hơn những xung đột về tiền bạc. Các cặp vợ chồng có thể cùng nhau tìm ra phương thức quản lý tiền của họ, chẳng hạn như có tài khoản ngân hàng chung và tài khoản cá nhân đối với những người có đủ khả năng chi trả một tài khoản ngân hàng.

Khả năng kết hôn cũng thay đổi theo trình độ học vấn, một chỉ số tốt về thu nhập và sự ổn định tài chính. Chỉ hơn 54% số người có bằng cấp ba trở xuống đã kết hôn, trong khi 66% những người có bằng cử nhân trở lên cho biết đã kết hôn.

Trong khi nhiều người sắp kết hôn tập trung vào việc lên kế hoạch cho đám cưới và tuần trăng mật, thì việc tìm ra cách thanh toán các hóa đơn cùng nhau và hiểu thói quen chi tiêu của đối phương cũng rất quan trọng.

Một cuộc hôn nhân mà việc chi tiêu và đầu tư không hợp lý sẽ đặt dấu chấm hết trong mối quan hệ vợ chồng. Bạn có thể không kết hôn vì tiền nhưng tài chính chắc chắn là nhân tố quan trọng duy trì cuộc hôn nhân.

Thư Di (t/h)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-phu-nu-trung-nien-sam-mat-quay-ngoat-thai-do-khi-biet-luong-huu-cua-doi-tac-hen-ho-172240523123743623.htm