Người phụ nữ U60 rơi nước mắt kể về quá trình lao động chui ở xứ người
Vì tuổi cao nên vợ chồng bà D. liên lạc với Nhung để được sang Trung Quốc làm việc. Người này đã bật khóc kể về hành trình lao động đẫm nước mắt ở xứ người.
Đi làm “chui” vì việc nhẹ, lương cao
Một ngày cuối tháng 3, bà L.T.D. (52 tuổi), trú tại xã Tam Đình, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An vượt quãng đường hơn 200km xuống TP.Vinh để tham dự phiên tòa xét xử bị cáo Xên Thị Nhung (57 tuổi), trú tại xã Tam Đình với tư cách là người bị hại. Bị cáo Nhung bị truy tố ra trước tòa án về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.
Tại phiên tòa này bà D. rơi nước mắt kể cho chúng tôi nghe về quá trình vượt biên và lao động chui lủi của mình ở xứ người. Theo đó vào năm 2015, thời điểm này người dân xã Tam Đình kéo nhau vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm ăn. Mức lương từ 7 – 9 triệu đồng/tháng đối với người dân vùng núi này đủ nuôi gia đình và trích ra tích góp một khoản tiết kiệm. Vợ chồng bà D. cũng có nguyện vọng sang bên Trung Quốc làm ăn nhưng không được vì tuổi cao lại không có chuyên môn gì. Khi biết Nhung từng làm việc ở bên Trung Quốc nên bà D. đã ngỏ ý muốn nhờ người phụ nữ này đưa vợ chồng mình sang đó làm việc.
Nhung nói muốn sang Trung Quốc chỉ cần nộp 6 triệu đồng không cần giấy tờ gì cả. Trước mắt chỉ cần nộp 3 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ được trừ vào tháng lương đầu tiên.
Người phụ nữ này đã bàn chồng vay tiền để nhờ Nhung đưa sang Trung Quốc. Ngoài vợ chồng bà D. còn có một cặp vợ chồng khác cũng nhờ Nhung đưa sang Trung Quốc làm việc. Nhung đã liên lạc với Minh, đang sinh sống ở bên Trung Quốc để đưa 4 lao động sang đó. Nếu phi vụ trót lọt Nhung sẽ được Minh trả công 300.000 đồng/người.
Khoảng 1 tuần sau, Nhung hướng dẫn cho 4 người cùng ra Hà Nội để sang bên đó. Sang Trung Quốc, vợ chồng bà D. được cam kết làm việc ở xưởng sản xuất dép nhựa. Do đã già yếu, năng suất lao động không bằng thanh niên nên vợ chồng bà D. chỉ được trả 7 triệu đồng/tháng. Khi vào làm, 4 lao động được ứng trước 3 triệu đồng để đưa về nhà trả nợ tiền đi.
Theo bà D. công việc ở xưởng cũng nhẹ nhàng, ngày làm 8 tiếng, bao ăn ở. So với việc làm rẫy thì công việc này đối với bà D. nhẹ nhàng hơn nhiều. Tuy nhiên, làm việc chưa được 4 tháng, vợ chồng bà D. cùng cặp vợ chồng kia bị công an sở tại bắt và trục xuất về nước.
Rơi nước mắt tại tòa
Từ lời khai của các bị hại, tháng 11/2020, Nhung bị công an bắt giữ sau đó. Đứng trước bục khai báo, bị cáo Xên Thị Nhung khai vì thiếu hiểu biết pháp luật nên đã đồng ý tìm người đưa sang Trung Quốc theo hướng dẫn của Minh. Bị cáo khai với mỗi trường hợp đưa đi thành công được Minh trả 300.000 đồng tiền công.
Theo bà D. nếu tính 4 tháng lao động ở Trung Quốc với mức lương 7 triệu đồng/tháng thì cũng có ít gửi tiền về cho gia đình. Tuy nhiên, khi bà D. gọi cho ông chủ về số tiền lương 4 tháng để gửi về nhà thì nhận được câu trả lời là đã trả hết rồi. “Tôi hỏi bên môi giới thì bảo ông chủ giữ hộ. Họ đã bao ăn bao uống cần gì tiêu tiền. Ông chủ thì bảo trả rồi, môi giới bảo ông chủ giữ hộ chúng tôi cũng không biết làm sao. Chưa kịp hỏi lại môi giới thì chúng tôi bị cảnh sát sở tại bắt giữ. Giờ cũng không biết số tiền lương đó ở đâu”, bà Dung khóc nghẹn nói.
Bị bắt, vợ chồng bà D. bị giam 2 tháng 15 ngày thì được thả. 4 lao động sau đó bị trục xuất về nước. “Trở về sân bay Nội Bài chúng tôi không còn một xu dính túi. Khi đó phải gọi điện cho con gửi 1 triệu đồng để đi xe về nhà. Nghĩ về những ngày tháng lao động chui là tôi không cầm được nước mắt”, bà Dung lấy tay lau nước mắt.
Bị cáo Xên thị Nhung cũng xin lỗi các bị hại và xin HĐXX giảm nhẹ án để sớm trở về với gia đình. Bị cáo cho biết bản thân mình đang mắc nhiều bệnh, các con đều lập gia đình ở xa. Hỏi lý do vì sao chồng không xuống tham dự phiên tòa Nhung cho biết, chồng đang bận giữ cháu.
Mặc dù mất tiền, bị giam cầm và không được nhận lương sau 4 tháng lao động nhưng bà D. và một bị hại khác vẫn đứng dậy xin giảm án cho Nhung. Họ cho biết, trong vụ án này Nhung cũng nhận được số tiền ít.
Xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ HĐXX tuyên phạt Xên Thị Nhung 18 tháng tù giam về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Do được tại ngoại nên Nhung được về nhà đợi ngày thi hành án. Chỉ vì thiếu hiểu biết bị cáo dính vào vòng lao lý, 4 bị hại phải trải qua những ngày tháng cơ cực nới xứ người.