Người phụ nữ Vân Kiều chung tay làm thay đổi diện mạo bản làng

Đến xã Tà Long, huyện vùng cao Đakrông (Quảng Trị), hỏi về chị Hồ Thị Thương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, bà con đồng bào Vân Kiều ở đây ai cũng nhắc đến chị bằng tình cảm trìu mến.

Suốt 12 năm đảm nhận vị trí công tác trên, hằng tháng chị Thương đều đến 9 thôn, bản của xã để tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình. Từ những hướng dẫn của chị Thương, nhiều hộ gia đình đã thay đổi được cách canh tác, sản xuất một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm đất đai, thời tiết, khí hậu của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, thời gian gần đây, chị Thương đã đưa ra ý tưởng xây dựng gian hàng nông sản ở khu vực trung tâm xã, giúp bà con có điểm để giới thiệu và bán những nông sản núi rừng do chính mình làm ra…

Chị Thương (bên phải) luôn chung tay cùng chính quyền hỗ trợ, hướng dẫn người Vân Kiều ở Tà Long làm ăn phát triển kinh tế gia đình.

Chị Thương (bên phải) luôn chung tay cùng chính quyền hỗ trợ, hướng dẫn người Vân Kiều ở Tà Long làm ăn phát triển kinh tế gia đình.

Ngoài việc lên mạng Internet giúp người dân bản địa giới thiệu hàng hóa thông qua hình thức bán online, mỗi tuần gian hàng nông sản mở cửa 3 lần làm nơi trao đổi hàng hóa cho bà con. Các sản phẩm nông nghiệp được trao đổi chủ yếu như nếp than, rau củ quả…

Chị Thương bộc bạch: “Đưa ra sáng kiến này em không chỉ muốn giúp bà con tìm kiếm thị trường bán nông sản mà sâu xa hơn là tạo ra được sự thay đổi trong tư duy, lối suy nghĩ của bà con để bà con thấy rằng mình không cần phải đi đâu xa vẫn có thể tìm ra giải pháp phát triển kinh tế một cách hiệu quả ngay trên quê hương của mình”.

Một buổi sáng đầu mùa đông, tiết trời ở Tà Long se lạnh, chị Thương dẫn tôi đi một vòng quanh các thôn bản và bày tỏ: “Tà Long có địa hình rừng núi hiểm trở, nhưng nơi đây nhờ có đường Hồ Chí Minh đi ngang qua nên rất thuận lợi đi lại với bên ngoài và ngược lại. Đặc biệt, Tà Long có nhiều sông, suối chảy giữa những khu rừng già rất đẹp. Vậy nên, em nghĩ nếu mở được tour du lịch thì không chỉ giúp được bà con cải thiện đời sống mà còn giới thiệu được nét đẹp quê hương với bạn bè khắp nơi”.

Tôi cứ tưởng điều chị Thương nói đang còn dừng lại ở ý tưởng, hóa ra thực tế chị đã bắt tay thực hiện cái ý tưởng ấy một cách rất tuyệt vời. Đó là tuor du lịch với giá chỉ 199 ngàn đồng đưa khách từ bên ngoài đến tham quan, tìm hiểu nét đẹp văn hóa đặc sắc, thưởng thức các món ăn độc đáo của người đồng bào Vân Kiều, cũng như để du khách nghỉ dưỡng ở vùng rừng núi với phong cảnh, khí hậu tuyệt đẹp và trong lành này.

Chị Thương bảo tôi: “Đấy là mức giá hợp lý để bước đầu đón nhận sự quan tâm của du khách. Vài tháng nay, nhiều du khách ở Đông Hà, hay các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, rồi nhiều nhóm học sinh có phụ huynh đi kèm đã đến đây tham quan, du lịch. Các vị khách này đã rất vui khi có dịp lưu giữ những bức hình đẹp dọc bờ suối râm mát; trải nghiệm các hoạt động xúc cá suối; tìm hiểu về các loài cây, rau rừng và nghỉ ngơi, thư giãn dưới chiếc “điều hòa khổng lồ” của thiên nhiên mà không cần phải dùng đến sự vận hành của điện và các thiết bị điện tử”.

Cũng theo lời chị Thương, đến nay, chị và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tà Long đã tổ chức được 10 tours du lịch trải nghiệm nói trên. Mặc dù có nhiều đơn đặt hàng hơn số đó, song chị và Hội xác định sẽ làm bằng chất lượng, dần rút kinh nghiệm để hoàn thiện tour thay vì ồ ạt nhận khách...

Thanh Bình

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/guong-sang/nguoi-phu-nu-van-kieu-chung-tay-lam-thay-doi-dien-mao-ban-lang-569987/