Người phụ nữ vượt khó làm kinh tế giỏi

Những năm qua, hưởng ứng phong trào phụ nữ học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Nho Quan đã nỗ lực tham gia lao động sản xuất, trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Chị Đặng Thị Xá ở thôn Phong Thành, xã Đồng Phong là một điển hình như thế.

Mô hình trang trại của gia đình chị Xá đem lại doanh thu từ 1-1,5 tỷ đồng/năm.

Mô hình trang trại của gia đình chị Xá đem lại doanh thu từ 1-1,5 tỷ đồng/năm.

Đến thăm trang trại của chị Xá, chúng tôi thực sự nể phục trước cơ ngơi rộng lớn được gây dựng từ nghị lực vượt khó và quyết tâm vươn lên làm giàu của người phụ nữ này. Trang trại chăn nuôi tổng hợp VAC của gia đình chị Xá có diện tích gần 3 ha nổi bật trong khu vực đã tạo động lực cho nhiều hộ dân khác phấn đấu vươn lên làm giàu.

Trước đây, vợ chồng chị Xá chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhà lại đông con nên cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Không cam chịu số phận, chị Xá luôn trăn trở, tìm cách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhưng loay hoay làm thêm đủ công việc cũng chỉ đủ cái ăn, còn việc làm giàu chẳng dám nghĩ đến.

Năm 2015, chị Xá được Hội LHPN xã Đồng Phong khuyến khích, động viên, tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Chị mạnh dạn vay mượn thêm để thuê lại gần 3 ha đất tại thôn Phong Thành, xã Đồng Phong đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả kết hợp.

Chị Xá chia sẻ, thời điểm mới bắt đầu khởi nghiệp, chị gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đất đai không được bằng phẳng, vì trước đây vị trí trang trại là bãi tập kết rác của địa phương. Từ việc cải tạo đất, xây dựng trang trại, lựa chọn con giống để chăn nuôi là cả một quá trình tìm tòi, học hỏi. Tìm được con giống rồi, nuôi được con giống không dịch bệnh, chị lại không tìm được đầu ra. Sau khi có đầu ra ổn định, chị tiếp tục trăn trở để xây dựng được thương hiệu, từ đó, khách hàng mới tin tưởng vào nguồn cung từ trang trại.

Mặc dù buổi đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với đức tính cần cù, chịu khó, chị Xá tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, trên sách, báo và thông qua các lớp tập huấn. Từ đó, chị mạnh dạn, sáng tạo áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào khâu chọn giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh.

Nhờ đó, mô hình của chị phát triển ổn định và ngày càng mở rộng, được công nhận là trang trại điển hình do hội viên phụ nữ làm chủ trên địa bàn. Đến nay, trang trại của chị đang nuôi trên 5.000 con gà Đông Tảo; 20 lợn thịt, trồng hơn 2 ha cây bưởi và chanh. Với thu nhập từ nhiều nguồn, doanh thu của trang trại đạt từ 1 - 1,5 tỷ đồng/năm.

"Làm trang trại là phải xác định hướng đi lâu dài, không thể mong có thu nhập ngay lập tức. Riêng trang trại của tôi thì đến năm thứ 3 mới bắt đầu gặt hái thành quả. Mặc dù không mang lại thu nhập cao như những công việc khác, nhưng trang trại đã giúp tôi trang trải cuộc sống, có nguồn thu ổn định để chăm lo cuộc sống gia đình", chị Xá cho biết.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Xá còn được biết đến là một trong những hội viên phụ nữ gương mẫu, đi đầu trong các phòng trào của Hội Phụ nữ tại địa phương. Là giám đốc HTX chăn nuôi gà Phong Thành, chị thường xuyên tuyên truyền, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về phát triển kinh tế, đồng thời tạo mọi điều kiện về vốn, cây, con giống cho những gia đình hội viên muốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Theo đồng chí Đào Thị Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Phong, chị Xá là một tấm gương điển hình về đức tính cần cù, sáng tạo, cố gắng tìm tòi trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, đồng thời, chị cũng luôn nêu cao tinh thần tương thân, tương ái. Đặc biệt, chị luôn giúp đỡ các hội viên phụ nữ khó khăn, được các cấp Hội đánh giá cao.

Với những thành tích đạt được, chị Đặng Thị Xá nhiều lần được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng, là điển hình trong phong trào thi đua phụ nữ giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương.

Bài, ảnh: Mạnh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nguoi-phu-nu-vuot-kho-lam-kinh-te-gioi/d20210719143217738.htm