Người ra vào địa bàn tỉnh ĐỒNG THÁP phải có giấy xét nghiệm âm tính
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa vừa ký văn bản số 315/UBND-THVX chỉ đạo siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nâng cao hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra, vào địa bàn tỉnh nhằm chặn đứng, cắt đứt nguồn lây nhiễm từ bên ngoài. Người vào địa bàn tỉnh phải xuất trình giấy xét nghiệm Realtime RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 còn thời hạn.
Đối với công nhân, người lao động, chuyên gia đi làm hằng ngày, người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa có thể sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2 còn trong thời hạn và Giấy xác nhận của cơ sở, doanh nghiệp.
Xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm công tác phòng, chống dịch COVID-19, cụ thể như: Tụ tập đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; không thực hiện triệt để biện pháp 5K, khoảng cách tối thiểu 02 mét giữa người với người tại các địa điểm công cộng và các hành vi vi phạm khác.
Yêu cầu người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, chữa bệnh, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp; khuyến khích mua hàng qua online trên hệ thống các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh do Sở Công Thương công bố. Các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn.
Siết chặt việc quản lý người bệnh, thân nhân người bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc phân luồng trong khám và điều trị bệnh; người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu/cụm công nghiệp. Tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu/cụm công nghiệp.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân và nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp được tiếp tục hoạt động nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm 5K.
Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm xây dựng các phương án và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị, cơ sở mình, đảm bảo sức khỏe, an toàn tuyệt đối cho người lao động.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch tại các chợ truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh, được phép tạm dừng hoạt động nếu không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Số lượng người làm việc cụ thể tại công sở do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương quyết định và chịu trách nhiệm nhưng không quá 50% tổng số người lao động và phải bảo đảm các hoạt động diễn ra bình thường, thông tin, liên lạc phải thông suốt. Riêng cơ quan có bộ phận tiếp xúc với người dân, giải quyết thủ tục hành chính, lực lượng vũ trang và ngành y tế đảm bảo 100% quân số.
Đối với số lượng cán bộ, công chức, người lao động thuộc lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm phân công, bố trí phù hợp với yêu cầu công tác.
Chủ tịch Ủy ban nhân các huyện, thành phố chủ động thành lập, quản lý các cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly đối với người dân trên địa bàn; thiết chế cách ly y tế tập trung ngay tại khu vực, địa điểm có đông người lao động là người có tiếp xúc gần phải cách ly tập trung (F1) lưu trú (ký túc xá, nhà trọ tập trung đông công nhân); thiết lập vùng cách ly y tế đối với khóm/ấp, xã/ phường/ thị trấn trên địa bàn quản lý theo hướng dẫn tại Quyết định số 3986/QĐ-BYT ngày 16/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với những vùng dịch diễn biến phức tạp, các yếu tố dịch tễ khó kiểm soát và dịch có nguy cơ lây lan rộng.
Cùng với đó, dự báo tình hình, chủ động trang bị bảo đảm đầy đủ thiết bị, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19; huy động tối đa các nguồn nhân lực, vật lực tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Chú trọng phát huy vai trò của Tổ Nhân dân tự quản, các tổ chức hội, đoàn thể, đội phản ứng nhanh để hỗ trợ các địa phương trong tình huống khẩn cấp.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẩn trương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập các bệnh viện dã chiến, trước mắt là Cơ sở số 2 của Trung tâm Y tế huyện Lấp Vò, Bệnh viện Quân dân y Đồng Tháp; phát huy vai trò Ban Quân - Dân y tỉnh trong giai đoạn hiện nay; tăng cường năng lực xét nghiệm (trang bị mới hoặc thuê dịch vụ), trong đó tổ chức tầm soát lấy mẫu trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao, có trọng tâm, trọng điểm.
Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch; hỗ trợ công tác hậu cần tại các cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến.
Thời gian áp dụng: Bắt đầu từ 18 giờ, ngày 06/7 cho đến khi có thông báo mới.