Người Rơ Mâm với giai thoại 'Yàng… đẻ trứng'

'Điểm nhấn' trong khu sinh hoạt cộng đồng của người Rơ Mâm ở làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, là hai ngôi nhà rông, một to, một nhỏ được dựng tương đối tách rời nhau. Ngôi nhà rông lớn là nơi bà con thường lui tới sinh hoạt với những hoạt động nặng về 'phần hội'. Còn ngôi nhà nhỏ, sơ sài, cũ kỹ hơn, mái lợp bằng tôn, vách thưng bằng những tấm liếp được đan lát từ tre, nứa, nhưng lại là khu vực rất quan trọng của làng, nơi diễn ra các lễ cúng trang trọng linh thiêng. Bên trong ngôi nhà nhỏ ấy có sự hiện diện của những 'đấng tối cao' với nhiều câu chuyện huyền bí…

Ông A Ren - người trông giữ và thực hiện các nghi lễ cúng Yàng bên ngôi nhà rông nhỏ, bên trong thờ 6 vị thần linh. Ảnh: Thái Kim Nga

Ông A Ren - người trông giữ và thực hiện các nghi lễ cúng Yàng bên ngôi nhà rông nhỏ, bên trong thờ 6 vị thần linh. Ảnh: Thái Kim Nga

Ngôi làng có một không hai…

Làng Le, xã Mo Rai hiện có 262 gia đình với 786 nhân khẩu sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Rơ Mâm (chiếm tỷ lệ gần 70%). Đây là ngôi làng có một không hai trên cả nước, được Nhà nước đưa vào diện bảo tồn, với chính sách ưu tiên đặc biệt, nhằm vực dậy một tộc người đứng trước nguy cơ tụt hậu, suy giảm giống nòi.

Giai đoạn từ 2015- 2025, làng Le của người Rơ Mâm được đầu tư nguồn ngân sách xấp xỉ 90 tỷ đồng xây dựng điện, đường, trường, trạm, các công trình phục vụ dân sinh, tạo nguồn sinh kế... Nếu tính bình quân, mỗi gia đình người Rơ Mâm trong ngôi làng này được thụ hưởng mức đầu tư hơn 500 triệu đồng từ Nhà nước, một con số đủ lớn để có thể tạo nền tảng vững chắc phát triển một tộc người.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975) cho đến những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, bên cạnh những khó khăn về đời sống kinh tế, làng Le luôn đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” do tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Mo Rai lúc bấy giờ như một “ốc đảo” giữa mênh mông “vùng trắng”. Nạn mù chữ thất học, các loại hủ tục, mê tín dị đoan như loài nấm độc tồn tại dai dẳng trong cộng đồng suốt từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Là một trong những người biết đọc, biết viết đầu tiên và là người “nhiều chữ” trong làng ở thế hệ của mình, ông A Blong (76 tuổi), già làng Le chia sẻ: “Ngày đó, mình và anh em ở Đồn Biên phòng Mo Rai, BĐBP Kon Tum phải đi tìm học sinh để mở lớp dạy chữ. Có khi trong một lớp, người lớn và trẻ con cùng học chung. Các lớp học như thế này chủ yếu dạy vào ban đêm, ngay tại nhà dân hoặc tổ chức ở nhà rông của làng.

Gần gũi nhau như thế nên người làng Le với BĐBP yêu thương nhau vô cùng. Bà con thường gọi Đồn Biên phòng Mo Rai là ngôi làng thứ tám của xã, nhiều trường hợp còn kết nghĩa cha con, anh em với nhau. Như nhà mình cũng có người con nuôi là Nguyễn Văn Khương, trước đây có thời gian dài công tác ở Đồn Biên phòng Mo Rai...”.

Sự đồng hành của BĐBP đã tạo chỗ dựa vững chắc cho người Rơ Mâm ở làng Le vượt khó, nhưng cũng cần nhìn nhận ranh giới mong manh giữa sự tụt hậu và phát triển chỉ chính thức được cởi bỏ khi ngôi làng này được Nhà nước đưa vào diện bảo tồn đặc biệt với sự quan tâm, đầu tư trọng tâm trọng điểm như đã nói ở trên.

Và giai thoại “Yàng… đẻ trứng”

Cuộc sống của người Rơ Mâm ở làng Le hôm nay đã đổi thay và phát triển. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống dẫn đến nguy cơ suy giảm chất lượng giống nòi đã được xóa bỏ vĩnh viễn, các loại hủ tục, mê tín dị đoan cũng đã “vắng bóng” hơn trong đời sống cộng đồng. Mặc dù vậy, vẫn còn một số tập tục được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tạo nên nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của người Rơ Mâm, trong đó có tục “thờ Yàng” ở nhà rông.

Nói đến tục thờ và cúng Yàng thì tất cả các dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên đều có. Yàng ở đây là trời, là “đấng tối cao”, vô hình nhưng quyền uy tối thượng. Tuy nhiên, với người Rơ Mâm ở làng Le, Yàng hiện thân trong một vật cụ thể, không phải là duy nhất mà “muôn hình vạn trạng”. Thậm chí, tất cả mọi người trong làng đều tin về câu chuyện “Yàng đẻ trứng”, mặc dù họ chưa được tận mắt nhìn thấy bao giờ.

Mặc dù không biết mình là “hậu duệ” đời thứ bao nhiêu của người được giao việc trông coi, cúng tế những “đấng tối cao” đang tại vị trong ngôi nhà rông nhỏ của làng Le, nhưng ông A Ren (70 tuổi, trước đây là trưởng thôn) vẫn nhớ như in 3 vị “tiền nhiệm” của mình đó là A Rông, A Xương và A Thúc.

Theo tiết lộ của ông A Ren, hiện tại, trong ngôi nhà rông nhỏ đang thờ và cúng 6 “vị thần” đó là: Yàng Blúc, Yàng Cheo, Yàng Cọp, Yàng Blô, Yàng Cốc, và Yàng Ptao. Trong số này, “vị” được xem là lớn nhất (cả hình thể lẫn quyền uy) là Yàng Blúc. “Yàng Blúc có màu trắng như chiếc ngà voi, to bằng bắp chân, dài bằng sải tay của mình. Có năm, ngay giữa thân của Yàng Blúc đẻ ra một quả trứng màu hồng nhạt. Ngoài mình ra không ai trong làng được “gặp” Yàng thường xuyên cả...” - Ông A Ren cho biết.

Theo lời kể của A Ren, 6 “vị thần” đang tại vị trong nhà rông có tự bao giờ thì ông không biết. Ông chỉ nghe 3 người “tiền nhiệm” của mình kể lại: Yàng Blúc được phát hiện ở khu vực Vườn quốc gia Chư Mom Ray thuộc địa bàn xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy bây giờ. Hôm đó, người làng đi đặt bẫy, săn bắn thú rừng thì nghe tiếng chó sủa rân ran. Mọi người chia nhau tìm quanh khu vực nhưng không nhìn thấy bất kỳ con thú nào. Ai cũng nghĩ, chắc mấy “thợ săn bốn chân” ù tai, hoa mắt nên cắn bừa, nhưng càng đuổi ra xa chúng càng sủa dữ dội hơn.

Điều lạ nhất là khi các chủ nhân phát hiện một vật màu trắng (rất giống ngà voi) nằm dưới gốc cây cổ thụ, thì không gian bỗng nhiên im bặt. Gió ngừng thổi, chim ngừng hót, mấy chú “cảnh khuyển” cũng không còn chạy loanh quanh mất phương hướng mà tỏ vẻ hiền lành nhút nhát hơn. Buổi đi săn dừng lại, mọi người vội vàng thu bẫy, cất ná, cẩn thận ôm “vật lạ” về làng.

Tối hôm đó, chủ làng (già làng bây giờ) nằm chiêm bao thấy có vị thần về báo mộng cho hay người làng vừa may mắn bắt gặp Yàng Blúc. Bắt đầu từ ngày mai cả làng phải giết trâu, mổ lợn để cúng, sau đó thờ Yàng ngay tại nhà rông. Làng phải chọn ra một người uy tín để trông coi và thực hiện các nghi lễ cúng tế. Đàn bà, con gái tuyệt đối không được đến gần Yàng. “Có thờ có thiêng”, năm nào Yàng Blúc đẻ trứng thì năm đó cả làng sẽ được phù hộ, mùa màng bội thu, con người không bị ốm đau dịch bệnh (!).

Giai thoại “Yàng đẻ trứng” xuất hiện từ đó, nhưng có một điều lạ là chỉ người trông coi nhìn thấy rồi báo cho cả làng biết để tổ chức lễ cúng. Ai cũng tin, kể cả những người “nhiều chữ” nhất làng thời điểm cuối những năm 90 trở về trước là thầy giáo A Blong (hiện nay là Già làng Le). Ông A Blong khẳng định, chuyện Yàng Blúc để trứng là có thật, nhưng không biết tả về nó thế nào vì ông chỉ nhìn thấy... sơ sơ.

Chuyện “Yàng đẻ trứng” có lẽ chỉ là lời truyền khẩu từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và, có lẽ cũng chính điều này đã tạo nên tục lệ thờ và cúng Yàng rất khác lạ, mang đậm sắc màu văn hóa của người Rơ Mâm ở làng Le, ngôi làng có một không hai trên khắp dải đất hình chữ S.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-ro-mam-voi-giai-thoai-yang-de-trung-post436268.html