Người sáng tạo và truyền giảng cái Đẹp

Tôi thích nhất gọi anh là tiến sĩ mỹ học Thế Hùng. Mặc dù, ở anh, danh xưng nào cũng thật xứng đáng: kỷ lục gia, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà phê bình nghệ thuật... Chưa kể, anh còn là một pianist chính hiệu, một chuyên gia dạy khiêu vũ rất được ưa chuộng ở Thủ đô, một nghệ sĩ ảo thuật rất chuyên nghiệp.

Ở anh, cái ĐẸP theo đúng nghĩa viết hoa luôn hiển lộ. Không chỉ trong thơ - nhạc - họa vốn là sở trường, mà ngay cả cái phong thái, trang phục, cử chỉ, ngôn đến cách ứng xử với người thân, bạn bè… ở anh cũng luôn toát lên một thần thái Đẹp cuốn hút. Sống đẹp. Chơi đẹp. Ứng xử đẹp. Đặc biệt là năng lực sáng tạo và truyền giảng cái Đẹp!

Là giảng viên Mỹ học và lý luận nghệ thuật của nhiều trường đại học hàng đầu trong nước, anh không chỉ truyền bá kiến thức về cái đẹp hàn lâm mang tính học thuật mà còn chia sẻ về cái đẹp trong ứng xử, kỹ năng sống, năng lực thẩm mỹ cho hàng ngàn người là sinh viên các trường đại học, học viên, doanh nhân đang làm việc tại các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn doanh nghiệp lớn trong cả nước.

Trong giới văn chương, ít có người nào sống vương giả bằng nghề như anh. Làm thơ, viết nhạc, vẽ tranh, diễn giả… anh làm việc như nông phu và sống như một ông Hoàng sang chảnh đẳng cấp, đúng như ai đó đã nhận xét.

Về thơ, đến nay, anh đã cho xuất bản 6 tập kể từ tập “Mưa lá” cách đây hơn 30 năm với lời giới thiệu rất trân trọng của nhà thơ - nhạc sĩ Văn Cao. Chỉ riêng bài thơ Romance1 của anh đã đủ để làm nên tên tuổi:“Anh lớn khôn/ Dưới bầu vú mẹ/ Mà/ Dại khờ/ Trước vòm ngực/ Của em”.

Về nhạc, trong 150 ca khúc đã viết, Thế Hùng có những ca khúc được website của Hội Nhạc sĩ Việt Nam xếp vào loại “Bài hát đi cùng năm tháng” như “Mùa xuân quan họ”, “Tình khúc mùa hè”, “Bản tăng-gô mùa thu”…

Về hội họa, anh đã có đến gần 500 bức tranh chất liệu sơn dầu, acrylic, vốn là chất liệu được yêu thích nhất của hội họa thế giới. Tranh anh vẽ nhiều chủ đề, nhưng tôi thích nhất là những bức tranh sơn dầu anh vẽ sen và cúc. Có một vẻ đẹp nguyên thủy ban sơ lại vừa kiêu sa, đài các…

Một bức tranh mới nhất của họa sĩ Thế Hùng

Một bức tranh mới nhất của họa sĩ Thế Hùng

Có người nhận xét tranh của Thế Hùng là nơi gặp gỡ của hàn lâm và đại chúng, giữa mỹ nghệ và mỹ thuật. Anh nói, cũng như trong âm nhạc, tranh của anh có chút bình dân, chút bolero như cuộc đời nó vốn thế. Có lẽ vì thế mà tranh của anh nhiều khi vẽ đến đâu có người mua đến đó. Có lúc tôi thiển nghĩ, đời thi nhân như anh cũng sướng thật, hết “xiền” thì bán rẻ một vài bức sen hay cúc là đã có thể rung đùi cả tháng mà thỏa sức sáng tạo với văn chương!

Gừng càng già càng cay, câu này thật đúng với Thế Hùng. Dường như thời gian đi qua chỉ để bồi thêm chất đằm, chất ngầu, chất lãng tử vốn hiện hữu trong anh... Tuổi 75, vẫn tự lái xe bốn bánh xịn xò đưa bạn bè đi xuyên Việt. Vẫn thể thao, bóng bàn, dancing… Vẫn triển lãm tranh cá nhân - một mình chiếm trọn không gian nghệ thuật mấy ngày liền giữa phố Hàng Bài, trung tâm Thủ đô Hà Nội.

Nổi đình đám nhất là cuộc ra mắt sách Tuyển tập Thế Hùng II nhân anh 75 tuổi. Tuyển tập gồm 5 phần: Thơ - Nhạc - Họa - Phê bình nghệ thuật - Các bài báo viết về anh, cùng nhiều bức ảnh tư liệu vô giá do Thế Hùng chụp các văn nghệ sĩ hàng đầu nhiều thế hệ của đất nước. Sách gần 500 trang, nặng gần 4 kg, giá bán 600.000 đồng/cuốn. Thế mà chỉ trong vòng 1 tháng, ngoài hơn 100 cuốn sách biếu, số còn lại đã hết veo.

Tính đến nay, Thế Hùng đã cho xuất bản hơn 25 cuốn sách về mỹ học, nghệ thuật học, văn hóa học và kỹ năng sống. Ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nội lực làm việc của anh thì phải gọi là “khủng” mà thế hệ trẻ cũng ít người theo kịp. Mỗi ngày, cứ 4 giờ sáng là anh lại post lên “Phây” dâng tặng bạn đọc một món “điểm tâm” sáng bằng tác phẩm nào đó của mình. Hôm thì là một bài viết mà anh mới rời bàn phím, hôm thì bằng một bức tranh vẽ chưa ráo màu, lúc lại là một bài thơ, bản nhạc lãng đãng xa xăm… Thế Hùng luôn tỏa ra một nguồn năng lượng dồi dào, không chỉ trong sáng tạo, mà ngoài đời, anh cũng luôn duy trì được phong độ hiếm có.

Thế Hùng quan niệm, hạnh phúc nhất là được ngồi bên bàn viết và chết bên giá vẽ. Được biết, hiện anh đang dồn hết tâm lực để cho ra mắt cuốn “Hồi ức Thế Hùng” nhân dịp đón năm mới Ất Tỵ 2025. Cuốn sách sẽ là những kỷ niệm sâu sắc, đặc biệt của anh với 50 văn nghệ sỹ, các nhà khoa học nổi tiếng thế kỷ XX như: Văn Cao, Hoàng Cầm, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Bùi Xuân Phái, Trịnh Công Sơn, Trần Quốc Vượng… Hứa hẹn, đây là cuốn hồi ký hấp dẫn, quý báu chứa đựng nhiều tư liệu lịch sử cho hậu thế. Lịch sử đi qua một con người và qua một con người hiện lên lịch sử. Thế Hùng chính là một trong những nhân chứng sống cuối cùng thuộc thế hệ vàng của lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX.

Ngô Sơn Nam

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nguoi-sang-tao-va-truyen-giang-cai-dep-160083.html