Người 'say' nghệ thuật truyền thống

Chị Đặng Thị Kim Phiến (bìa trái) sinh hoạt cùng các thành viên CLB Bài chòi dân gian thôn Mỹ Hòa. Ảnh: THIÊN LÝ

Sớm bén duyên với nghệ thuật truyền thống, chị Đặng Thị Kim Phiến (SN 1966, ở thôn Đại Bình, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa), thành viên CLB Nghệ thuật Tuồng 10/5 huyện Phú Hòa đã góp phần gìn giữ nghệ thuật truyền thống bằng giọng ca thiên phú của mình.

Nâng ly nước mát giữa mùa hè nóng rát, Kim Phiến kể lại mối duyên nợ với những làn điệu bài chòi, vai diễn trong những vở tuồng... bằng giọng nói nhiệt thành pha chút hài hước, dí dỏm. Thỉnh thoảng, đôi mắt chị lại nhòe đi mỗi khi trăn trở một điều gì đó trong quá khứ.

Giữ “lửa” đam mê

Thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Kim Phiến cũng như anh chị em trong CLB Nghệ thuật Tuồng 10/5 phải tạm dừng các buổi biểu diễn đã lên kế hoạch. Nhớ nghề, Kim Phiến vẫn hàng ngày tự tập luyện vai diễn tại nhà. Chị tâm sự: “Thường mấy tháng đầu năm, tôi và các thành viên trong CLB Nghệ thuật Tuồng 10/5 kín lịch diễn. Đây là khoảng thời gian nhiều chương trình lễ hội đầu năm mời CLB tham gia biểu diễn. Nghỉ biểu diễn do dịch COVID-19, ở nhà, tôi lại lôi các kịch bản, diễn lại vai cũ cho đỡ nhớ. Bây giờ, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật được phép hoạt động trở lại. Tôi rất vui khi được tiếp tục bước ra sàn diễn, trở lại với sân khấu”.

Kim Phiến sinh ra trong một gia đình thuần nông nhưng ai nấy đều có tình yêu sâu nặng với nghệ thuật truyền thống. Ngay từ nhỏ, chị đã tiếp xúc với cải lương qua ông ngoại cùng những người cậu của mình và đem lòng yêu say đắm. Tình yêu đó lớn dần theo năm tháng. “Ông ngoại tôi là một người chơi đờn cò (đàn nhị) giỏi ở xã. Ông thường dành thời gian đờn cho các cậu của tôi hát, rồi theo đờn cho đoàn cải lương mà các cậu tham gia trong những ngày lễ đặc biệt của địa phương”, Kim Phiến nhớ lại.

Năm 16 tuổi, Kim Phiến tham gia đội văn nghệ xã Hòa Quang Nam. Khi mới chập chững bước vào con đường ca hát, Kim Phiến chỉ chọn biểu diễn những bài hát cách mạng với giai điệu hào hùng, bất khuất. Gắn bó với đội văn nghệ khoảng 5 năm, sau đó có gia đình, sinh con, Kim Phiến đành phải rời xa ánh đèn sân khấu để ở nhà tập trung nuôi con nhỏ. Một thời gian sau, chị gây bất ngờ với nhiều người khi gia nhập Đội Tuyên truyền lưu động của huyện Phú Hòa, chính thức quay lại con đường ca hát sau 10 năm vắng bóng.

Lý giải về việc quay trở lại đầy bất ngờ, Kim Phiến hé lộ: “Lúc bấy giờ, anh Huỳnh Trọng Thống, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Phú Hòa mở lời mời tôi gia nhập vào CLB Nghệ thuật Tuồng 10/5. Lời mời ấy đã khơi dậy đam mê ca hát, giúp tôi mạnh dạn trở lại với sân khấu. Cũng từ đây, tôi bắt đầu thử sức với dân ca bài chòi và tuồng”.

Văn ôn võ luyện

Được sự giúp đỡ của các thành viên CLB Nghệ thuật Tuồng 10/5, nhất là sự chỉ dạy tận tình của diễn viên gạo cội Đào Thị Thu Sen, từ một người không biết gì về hát bội, Kim Phiến đã trở thành một diễn viên tuồng thực thụ. “Gương mặt các diễn viên tuồng thể hiện rõ nét tính cách nhân vật. Nếu là người trung nghĩa, thật thà thì mặt đỏ râu đen. Nếu là người gian ác thì mặt trắng, râu đen còn ông bà lão thì có nếp nhăn... Đặc biệt, tuồng đòi hỏi diễn viên vừa biết hát, vừa biết múa, lại còn biết sử dụng binh khí. Vì vậy, diễn viên tuồng phải liên tục “văn ôn võ luyện”, tư thế trên sân khấu sao cho quan ra quan, dân ra dân”, Kim Phiến tường tận.

Dần dần, cái tên Đặng Thị Kim Phiến đã quen thuộc với khán giả tuồng trên sàn diễn không chuyên trong và ngoài huyện Phú Hòa qua các vai: Mã Phùng Kiều trong vở Tình yêu và ác quỷ, Đào Tam Xuân trong Tam hạ nam đàng, Tạ Mai Hương trong Triệu Bình Minh cứu chúa... Hiện tại, Kim Phiến là một trong những thành viên tích cực của CLB Nghệ thuật Tuồng 10/5.

Nhờ đam mê và nỗ lực học hỏi, tập luyện không ngừng, Kim Phiến đã gặt hái nhiều giải thưởng qua các kỳ hội diễn, liên hoan như: giải nhất tiết mục đơn ca bài chòi Hòa Quang Nam hát khúc ca xuân tại Hội diễn Văn nghệ quần chúng người cao tuổi huyện Phú Hòa lần VI (2018), giải A tiết mục Thoại Khanh - Châu Tuấn tại Liên hoan Nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên năm 2018; giải B tiết mục Lang Châu ly thê tại Liên hoan Nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên năm 2019. Thành công nhất phải kể đến HCV toàn đoàn khi Kim Phiến cùng CLB Nghệ thuật Tuồng 10/5 tham gia Hội diễn Nghệ thuật sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018 tại Quy Nhơn (Bình Định).

Ngoài tham gia CLB Nghệ thuật Tuồng 10/5, Kim Phiến còn tham gia CLB Bài chòi dân gian thôn Mỹ Hòa (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa). Dù công việc bận rộn nhưng Kim Phiến cùng các thành viên trong CLB vẫn thường xuyên gặp mặt để rèn cho nhau lời ca, tiếng hát, cùng thỏa niềm đam mê.

Chia sẻ về mong muốn của mình, Kim Phiến trải lòng: “Tôi chỉ mong sao luôn khỏe mạnh để tiếp tục đi hát và truyền đạt cho thế hệ sau những vốn liếng mà mình đã được thế hệ trước truyền lại để giữ mãi nét đẹp nghệ thuật truyền thống, đời này nối tiếp đời kia sẽ không bị thất truyền và mai một”.

Với những kinh nghiệm cùng tình yêu bộ môn nghệ thuật tuồng, bài chòi..., chị Đặng Thị Kim Phiến đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của tuồng, dân ca Phú Hòa nói riêng và tỉnh nói chung. Mong rằng, ngọn lửa đam mê này sẽ tiếp tục được chị Kim Phiến và những thành viên CLB Nghệ thuật Tuồng 10/5 gìn giữ, lan tỏa.

Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Hòa

Nguyễn Thành Sơn

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/241728/nguoi--say--nghe-thuat-truyen-thong.html