Người sử dụng lao động có được gia hạn thời gian học nghề, tập nghề?

Bạn đọc hỏi: ông J.V. Rouer – người đại diện theo pháp luật của Cty M. tại Quảng Nam, hỏi: Cty tôi đang trong quá trình hiệu chỉnh, hệ thống lại toàn bộ văn bản nội bộ của Cty nhằm phù hợp với Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 đã có hiệu lực vào ngày 1-1-2021. Trong quá trình rà soát, nội quy lao động của Cty tôi quy định về học nghề, tập nghề như sau: “Trong quá trình học nghề, tập nghề, người sử dụng lao động (NSDLĐ) được quyền đánh giá, kiểm tra năng lực của người lao động (NLĐ) bất kỳ lúc nào. Trường hợp NLĐ không đạt tiêu chuẩn thì sẽ kéo dài thời gian học nghề, tập nghề”. Cho tôi hỏi, quy định như vậy có phù hợp với BLLĐ 2019 hay không?

Luật sư Nguyễn Thị Sáu Hạnh – Trưởng Chi nhánh Cty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng, trả lời: Học nghề, tập nghề để làm việc cho NSDLĐ là việc NSDLĐ tuyển NLĐ vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc; để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc. Khi kết thúc thời gian học nghề, tập nghề, nếu đạt yêu cầu NSDLĐ và NLĐ sẽ ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ). Đây là một chế định tuy không mới nhưng không thể phủ nhận hành lang pháp lý này đã tạo sự thuận tiện cho NLĐ lẫn NSDLĐ trong xu thế ngày một cần những NLĐ “trăm hay không bằng tay quen”.

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy không ít NSDLĐ có hành vi lợi dụng danh nghĩa học nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động của NLĐ bằng cách kiểm tra, đánh giá giữa khóa học hoặc áp dụng các hình thức khác nhằm kéo dài thời gian học nghề, tập nghề. Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 61 BLLĐ 2019, thời gian học nghề sẽ tương ứng với từng hình thức và trình độ đào tạo được quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp (đào tạo chính quy: trình độ nghề sơ cấp thời gian đào tạo từ 3 tháng đến dưới 1 năm, trình độ nghề trung cấp từ 1 năm đến 2 năm, trình độ nghề cao đẳng từ 2 năm đến 3 năm; đào tạo thường xuyên: thời gian linh hoạt, phù hợp với yêu cầu việc làm); thời gian tập nghề sẽ không quá 3 tháng. Thời gian này bao gồm cả thời gian thực học, rèn luyện và kiểm tra. NLĐ chỉ được kiểm tra đánh giá kết quả học tập 2 đợt gồm kiểm tra đầu khóa học và kiểm tra khi kết thúc khóa học. Khi kết thúc khóa học, NLĐ sẽ phải trải qua bài kiểm tra đánh giá năng lực nhằm làm cơ sở ký kết HĐLĐ với NSDLĐ, với không quá 3 lần kiểm tra đánh giá cuối khóa (gồm 1 lần thi chính thức và 2 lần thi lại). Nếu kiểm tra lại lần thứ hai vẫn không đạt yêu cầu thì phải học lại nếu NLĐ có nhu cầu. Như vậy, NSDLĐ chỉ được kiểm tra vào đầu khóa học và khi kết thúc khóa học, không được gia hạn thời gian học nghề, tập nghề đối với NLĐ mà phải tuân thủ theo đúng thời hạn như đã nêu trên.

Do đó, quy định về học nghề, tập nghề trong nội quy lao động của Cty ông J.V. Rouer hiện đang trái với tinh thần chung của BLLĐ và đang xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ. Cụ thể các xâm phạm: kéo dài thời gian học nghề, tập nghề đồng nghĩa NSDLĐ không có cơ sở để ký HĐLĐ đối với NLĐ nên các chế độ bảo hiểm, lương thưởng NLĐ đương nhiên không được đảm bảo; trong quá trình học nghề, tập nghề, NLĐ được tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, kinh doanh tạo ra giá trị lợi nhuận cho doanh nghiệp và được hưởng lương theo mức do các bên thỏa thuận, nên việc kéo dài thời gian học nghề, tập nghề, quyền lợi của NLĐ có thể bị xâm phạm khi mức lương thực nhận không phù hợp với mức lương của công việc đó áp dụng cho nhân viên đã ký HĐLĐ. Vì vậy, NSDLĐ phải hết sức cẩn trọng trong việc nắm bắt tinh thần chung của BLLĐ và xây dựng các văn bản nội bộ của doanh nghiệp. Trường hợp NSDLĐ có hành vi lợi dụng danh nghĩa học nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động của NLĐ thì NSDLĐ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mức phạt cao nhất là 25.000.000 đồng đối với cá nhân và 50.000.000 đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, NSDLĐ còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như nộp lại các khoản lợi bất hợp pháp có được từ hành vi lợi dụng danh nghĩa học nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động của NLĐ.

Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_238848_nguoi-su-dung-lao-dong-co-duoc-gia-han-thoi-gian-hoc-nghe-tap-nghe-.aspx